Bỏ học đi tìm cuộc sống tự lập: Đời sẽ không như là mơ!
(Dân trí) - Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vừa ngăn chặn, giải cứu thành công 5 bé gái bị dụ dỗ tìm việc làm.
Theo đó, 5 thiếu nữ tuổi từ 13-15 nghe lời dụ dỗ của một phụ nữ tên "Hoa" vào miền Nam làm việc nhẹ lương cao với lương tháng 20 triệu đồng.
Đường dây dụ dỗ trẻ để lừa bán sang Campuchia rồi bốc lột sức lao động, tống tiền đòi tiền chuộc đang được công an mở rộng điều tra. May mắn cho 5 cô bé được giải cứu kịp thời, nếu chẳng may rơi vào "động quỷ" thì bi kịch kinh hoàng sau đó sẽ chẳng ai lường trước được.
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ nữ sinh mất tích không rõ nguyên nhân khiến dư luận xôn xao và lo ngại. Bọn trẻ đang nghĩ gì khi chọn lựa một con đường chông gai để bước về tương lai?
Bỏ học đi tìm cuộc sống tự lập để thể hiện bản thân trước gia đình và tự cởi dây trói áp lực học hành đang được bọn trẻ rỉ tai nhau. Quả là đáng lo vô cùng khi những lời rủ rê, hò hẹn cứ thế vang lên và bủa vây trên mạng xã hội, biết đâu sẽ lọt vào tai của những đứa trẻ quanh mình…
Cuộc sống tự lập trong quan niệm của các con là gì? Chắc hẳn rằng gia đình chưa để các con phải thiếu thốn, thua kém bạn bè về vật chất. Nhưng sự quan tâm về nhu cầu, nguyện vọng, sở thích, tình cảm của con cái cũng như việc trang bị các kĩ năng sống cần thiết lại chưa thể đáp ứng đúng mức.
Lứa tuổi vị thành niên với những xáo trộn tâm lí cực kì phức tạp cùng với sự khủng hoảng trong nhận thức, hành động đã nhanh chóng đẩy bọn trẻ vào ước muốn thoát li ra khỏi vòng tay của bố mẹ và tầm kiếm soát của nhà trường. Thêm vào đó là những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, sách truyện cổ động cuộc sống tự do, cách sống khẳng định mình và những "thêu dệt" ảo tưởng về cuộc sống tự lập nhanh chóng làm các con lầm tưởng về khả năng của bản thân, mơ mộng hão huyền về một thế giới tươi đẹp bên ngoài gia đình và nhà trường.
Nhưng đời sẽ không như là mơ. Muốn tồn tại trong cuộc sống, các con phải tự nuôi sống được bản thân. Tuy nhiên, với lứa tuổi ấy, sức vóc nhỏ bé ấy, nhận thức non nớt ấy, con trẻ sẽ làm được gì? Có chăng chỉ là xin một chân phụ việc ở các hàng quán ven đường. Tương lai dở dang là điều hiển nhiên. Đó là còn chưa kể đến việc các con bị bóc lột sức lao động đến tận cùng nếu chẳng may gặp phải những người chủ vô lương tâm. Tình trạng ép bọn trẻ làm việc quá sức, quá thời gian và quỵt tiền công đã từng diễn ra không ít.
Mặt khác, cuộc sống bên ngoài với nhiều cạm bẫy, lọc lừa sẽ chờ cơ hội lôi kéo con trẻ sa chân, lỡ bước. Những "cò" chuyên cung cấp trẻ em cho đường dây tệ nạn xã hội vẫn luôn nhắm vào các đối tượng ăn chưa no lo chưa tới đang bơ vơ dạt bờ ngủ bụi. Chúng sẽ dành cho các con không chỉ miếng ăn, chỗ ngủ mà còn có cả tình yêu thương giả tạo cùng những lời hứa hẹn giả dối và rồi thẳng thừng đẩy các con vào địa ngục của các tệ nạn xã hội.
Chúng ta đã và đang quản lí con cái quá chặt, xiết hết mọi quyền tự do ư? Việc học đặt lên hàng đầu với những áp lực quá lớn dồn ép bọn trẻ ư? Hay cuộc sống coi trọng giá trị vật chất hơn tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên? Kể cả sự lỏng lẻo trong việc giáo dục, xem nhẹ việc học của con cái… đều có thể dẫn đến tình trạng "bứt phá" vượt tầm kiểm soát của con trẻ!
Thay đổi quan niệm dạy trẻ cùng với việc quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ và tăng cường giáo dục kĩ năng sống là điều cấp thiết nhất lúc này để trang bị đầy đủ mọi mặt cho con trẻ. Và lí thuyết thì cần được bắt tay thực hành thì mới phát huy được hiệu quả.