Trông chờ phép màu đến với bé trai rơi xuống trụ bê tông
Cuộc giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở khu vực công trường tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) đang thu hút sự quan tâm, khắc khoải lo lắng và chờ đợi của người dân cả nước.
Cũng như nhiều độc giả khác, tôi suốt đêm không ngủ và mỗi lần vào mạng đều nhấn F5 để cập nhật thông tin mới về tiến độ giải cứu. Cho đến cuối giờ chiều ngày 2/1, sau 2 ngày ròng rã, cuộc giải cứu vẫn chưa có kết quả.
Theo thông tin ban đầu, trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 bạn nhỏ khác vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) nhặt phế liệu. Khoảng 11h55 cùng ngày, khi đi lại trong khu vực công trường, Nam bất ngờ lọt xuống một trụ bê tông khoan cắm sâu xuống lòng đất khoảng 35m.
Những người có mặt tại công trình đến ứng cứu nhưng bất thành. Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường song lúc này không còn nghe tiếng Nam kêu cứu. Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án, như bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân; dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc nhưng vẫn không thể rút được trụ lên…
Ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã huy động nhiều lực lượng và phương tiện đến hiện trường phục vụ công tác giải cứu. Ngày 2/1, ngoài việc tiếp oxy sâu bên trong trụ bê tông, lực lượng cứu hộ còn dùng dây thả camera xuống dưới, song chỉ quan sát thấy đất, chưa thấy nạn nhân.
Đã hơn 50 giờ đồng hồ trôi qua kể từ khi cháu bé rơi xuống trụ bê tông. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện phép màu sẽ đến, cầu mong một dấu hiệu của sự sống ở độ sâu 35m.
Sẽ có rất nhiều sự "giá như" đầy xót xa lúc này, giá như các em không đi vào khu vực nguy hiểm đó; giá như miệng trụ bê tông có che chắn… Đành rằng tai nạn là điều không ai mong muốn. Nhưng tai nạn dẫu có bất ngờ, khó đoán định thì cũng có thể tránh được nếu dự liệu các tình huống và triển khai biện pháp cần thiết. Chẳng phải ở các công trường xây dựng, chúng ta thường thấy khẩu hiệu "an toàn trên hết" ở vị trí nổi bật nhất hay sao?
Xin thưa, đây không phải là trường hợp tai nạn đầu tiên xảy ra với trẻ em ở những khu vực công trình đang thi công. Mới chưa tới 2 tuần trước, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, từng xảy ra sự việc bé gái 5 tuổi khi cùng bạn vào công trường Khu đô thị Thăng Long Home chơi thì bị rơi xuống hố cọc ép bê tông sâu trên 10m, đường kính miệng hố khoảng 40cm. May mắn là sau gần 20 phút bằng các biện pháp nghiệp vụ như trấn an tinh thần, sử dụng các thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dùng, lực lượng chức năng đã đưa được bé gái nói trên lên mặt đất; đồng thời tiến hành sơ cấp cứu cho bé và đưa đến cơ sở y tế theo dõi.
Nhận thức của trẻ em với những mối nguy hiểm xung quanh là chưa đầy đủ. Điều này có thể hiểu được. Vì vậy các công trường xây dựng ở gần khu dân cư phải hết sức chú ý đến công tác đảm bảo an toàn. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, là trẻ em, là những người dân vô tội và cả những công nhân phục vụ thi công.
Với trường hợp của Hạo Nam, tính đến chiều 2/1, công tác cứu hộ vẫn được gấp rút triển khai. Còn nước còn tát, mong các lực lượng chức năng đã khẩn trương phải khẩn trương hơn nữa.
Trong công điện ban hành hôm nay (2/1), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung triển khai công tác cứu nạn kịp thời, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.
Bên cạnh công tác cứu nạn, khắc phục sự cố nêu trên, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động xây dựng tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công các công trình, dự án, không để xảy ra các sự cố, tai nạn tương tự.
Thiết nghĩ trong lúc này việc cần nhất là tập trung cứu nạn đạt hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, qua sự việc này, các đơn vị quản lý công trường phải chú ý đến phòng ngừa sự cố, tai nạn trong quá trình triển khai thi công. Tính mạng, sức khỏe của bất cứ ai cũng đều đáng quý, đáng được bảo vệ, chớ để khi xảy ra hậu quả thì mới "giá như", mới đổ lỗi và quy trách nhiệm cho nhau.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!