Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Thông tuyến BHYT đến đâu?

Một trong những mục đích quan trọng của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) là chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh chữa bệnh của người dân.

Sau 15 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đang xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập đó.

Từ mục đích giảm thiểu việc người dân phải chi tiền túi trong khám chữa bệnh, một ý định được đề xuất là người dân có thể cầm thẻ BHYT khám bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào, hay nói cách khác là thông tuyến khám chữa bệnh đến bệnh viện tuyến trung ương. Ý định này là rất nhân văn, nghe qua rất hợp lòng dân và ai cũng sẽ ủng hộ. Vậy nhưng trong tình hình hiện nay việc thông tuyến BHYT toàn bộ sẽ gặp rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất người dân sẽ dồn lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện chuyên khoa khiến tình trạng quá tải hiện nay thêm trầm trọng.

Thông tuyến BHYT đến đâu? - 1

Người dân ngồi chờ khám tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Ảnh: Tú Anh).

Với người bệnh, việc di chuyển, ăn chực nằm chờ, phí dịch vụ... chắc chắn là những chi phí không tránh khỏi. Rồi bệnh viện công quá tải, bệnh nhân sẽ tràn qua bệnh viện tư, và lúc này người dân sẽ phải bỏ tiền túi nhiều hơn để chữa những bệnh thông thường, lẽ ra có thể giải quyết ổn thỏa tại tuyến huyện.

Thứ hai, hệ thống y tế cơ sở mà chúng ta dày công xây dựng có nguy cơ bị gãy đổ. Các bạn sẽ nói cơ chế thị trường, muốn giữ lại bệnh nhân thì các trạm y tế xã phường, bệnh viện tuyến quận, huyện phải nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển khoa học kỹ thuật. Nhưng xin thưa y tế là dịch vụ đặc biệt nên không thể so với các ngành kinh tế thị trường khác được.

Nếu bạn có người thân bị bệnh, dù là bệnh đơn giản thì chắc chắn bạn vẫn muốn đưa đến chỗ nào được cho là tốt nhất để chữa. Vậy nên, nếu thông tuyến toàn bộ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống y tế cơ sở đặc biệt, khiến các cơ sở này không thể phát triển kỹ thuật chuyên sâu và việc "giữ người" giỏi là chuyện không tưởng.

Thứ ba là việc lạm dụng BHYT sẽ "nâng lên một tầm cao mới". Chúng ta hình dung nếu thẻ BHYT thông tuyến không khác thẻ tín dụng, đến đâu cũng quẹt được thì quỹ BHYT sẽ phình ra ở mức nào. Việc thanh kiểm tra sẽ vô cùng phức tạp, tình trạng xin cho, trục lợi... chắc chắn vô cùng phức tạp.

Chính vì vậy, theo tôi chúng ta cần có lộ trình để hiện thực hóa ý tưởng rất nhân văn này. Trước mắt sẽ cho phép hưởng BHYT nội trú ở tất cả các bệnh viện trong toàn quốc nếu nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép. Danh sách này sẽ được rà soát theo tình hình thực tế của sự phát triển y tế cơ sở. Còn khám chữa bệnh ngoại trú vẫn nên khuyến khích người dân đến các cơ sở y tế địa phương, đặc biệt các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm nhưng cần nâng cao mức chi trả tương đương với các bệnh viện tuyến trên để bảo đảm quyền lợi công bằng của người dân khi tham gia BHYT.

Chúng ta chỉ có thể thông tuyến toàn bộ như các nước phát triển khi hệ thống bác sĩ gia đình vận hành hoàn chỉnh. Bệnh nhân muốn đến khám chuyên khoa luôn cần thư giới thiệu của bác sĩ gia đình, chỉ trừ các trường hợp cấp cứu. Lúc này không phải giấy chuyển BHYT mà là hệ thống y tế gia đình sẽ là dây bảo hiểm cho sự ổn định của hệ thống.

Chính phủ đặt những mục tiêu rất quyết liệt và trên thực tế chúng ta đã có những thành công nhất định mà điển hình là mức độ bao phủ của BHYT lên đến 93% trong toàn quốc. Rất nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị thành công, những kỹ thuật mới phức tạp được triển khai đại trà ở Việt Nam. BHYT thực sự đã cứu giúp, hỗ trợ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Là bác sĩ thực hành tôi được chứng kiến và cảm nhận hàng ngày giá trị to lớn của BHYT mang lại cho toàn xã hội. Rất mong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) trình Quốc hội lần này sẽ đi vào thực tế cuộc sống, góp phần giúp một trong 2 trụ cột của an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!