Tâm điểm
Bích Diệp

Táo quân và "cái tát" với công chúng

Nhiều năm nay dù ăn Tết ở thành phố hay về quê, vào đêm Giao thừa gia đình tôi đều mở tivi xem chương trình Táo quân. Sự hài hước trong cách tổng kết các sự kiện đáng chú ý nhất trong một năm vừa qua của Táo quân cùng không khí đoàn viên, đầm ấm của gia đình trong những giờ khắc chờ đón năm mới luôn là điều chúng tôi chờ đợi. Và tôi để ý nhiều nhà khác cũng vậy, cứ đến đêm 30 Tết là tiếng Táo quân từ tivi lại vang lên rộn rã khắp xóm.

Táo quân đến nay đã đi qua 20 chương trình, nghĩa là 20 năm đã trôi qua. Là một khán giả trung thành của Táo quân, tôi phải nói rất thật rằng chương trình có năm hay có năm dở. Nhưng dù sao, các nghệ sĩ tham gia chương trình đã trở thành những gương mặt quen thuộc và được công chúng yêu mến, được gọi bằng "nick name" theo vai diễn trong Táo quân thay vì tên thật. Thiết nghĩ đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Năm nào sau khi Táo quân ra mắt khán giả thì báo chí và mạng xã hội lại có những lời khen chê, càng khen chê nhiều càng chứng tỏ chương trình được xem nhiều, được quan tâm và mọi người thực lòng muốn góp ý cho Táo quân hay hơn. Vì bên cạnh "thịt mỡ dưa hành" thì với sức sống 20 năm, Táo quân đã trở thành món ăn tinh thần truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến.

Táo quân và cái tát với công chúng - 1

Từ trái sang phải: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long trong chương trình Táo quân 2023 (Ảnh: VTV).

Đâu phải chương trình nào sau khi ra mắt khán giả cũng nhận được những lời khen chê rôm rả như Táo quân đâu, đơn giản vì những chương trình đó không được quan tâm, không được yêu mến và không diễn ra vào giờ vàng sóng truyền hình quốc gia vào thời khắc thiêng liêng chuẩn bị chuyển giao năm cũ sang năm mới.

Năm nay khi những lời khen chê về Táo quân chưa dứt, công chúng đã ngỡ ngàng và trong đó có nhiều ý kiến bức xúc với dòng trạng thái (status) đầu năm mới của NSƯT Xuân Bắc trên trang cá nhân Facebook (đánh dấu tick xanh chính chủ).

Dòng trạng thái có tựa đề "Cái tát của mẹ" đến chiều ngày mồng 4 Tết thu hút tới 13.000 lượt tương tác với 6.600 bình luận và 748 lượt chia sẻ. Đáng chú ý là mặc dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều song nam nghệ sĩ vẫn giữ lại nội dung chia sẻ, cho thấy anh dường như vẫn giữ quan điểm của mình.

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần dòng status đó và cảm nhận rõ sự bức xúc, tức giận của rất nhiều người thông qua loạt bình luận (comment) phía dưới. Bản thân tôi dù đã chứng kiến nhiều vụ việc "vạ miệng" của các nghệ sĩ, song riêng trường hợp của Xuân Bắc thì tôi lại thấy khá bất ngờ, không tránh khỏi thất vọng vì anh là một nghệ sĩ từng được nhiều người yêu mến và đang giữ cương vị quan trọng với nghề nghiệp của mình.

Dòng trạng thái của Xuân Bắc dù bóng gió, nhưng thông qua một câu chuyện mà người đọc đều thấy rõ có "hàm ý văn học" với nhiều lớp lang ngữ nghĩa thể hiện quan điểm một cách sâu cay. Đọc xong status đó, người ta đều cảm nhận được sự đanh đá bốp chát thiếu văn minh, bất lịch sự và không hề có chiều sâu của người viết.

Một số độc giả chê thẳng thắn lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp trong bài viết. Tôi thì không quá chú trọng điều này, việc mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp trong một bài đăng trên mạng xã hội là điều có thể châm chước. Quan trọng là bài viết đó thể hiện rất rõ thái độ của người nghệ sĩ với khán giả, cũng cho thấy cách ứng xử trong hoạt động "làm nghề" của một người diễn viên, mà trên cương vị một khán giả, tôi thấy rất khó tiếp nhận.

Nội dung status đó xoay quanh chuyện một người mẹ Tết nào cũng gói bánh chưng cho gia đình, nhưng con trai bà - một người đàn ông hơn 50 tuổi, giỏi chữ nghĩa, "gói bánh rất ngu" nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ gói. Người con trong câu chuyện dẫn những lời chê bai, rằng: "Đã đến lúc phải thay mới. Mãi rồi năm nào cũng món này ăn phát ngán. Năm nào cũng mẹ gói, đã quá nhàm. Năm nay mẹ không cho muối. Cần phải tìm một mô típ khác, cần phải thay người gói khác...".

Còn người mẹ sau khi cho người con cái tát thì đã có những ngôn từ gay gắt, rất nặng nề: "Mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến... rồi mày chê. Mày là đồ ăn cháo đá bát", "Đồ có lớn mà không có khôn", "Mày không ăn thì thôi ai bắt mày… Sao mày cứ phải ăn bánh chưng tao gói rồi để mày chê. Đến rửa lá, vo gạo mày còn không biết làm mà mày lại cứ dạy mẹ mày gói bánh là sao!?", "Mày không ăn thì mày cút", "Mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn... đào lộn hột đi - ai cấm!?"...

Chẳng cần phải quá thông minh, ai cũng nhận ra những ngôn từ trên là sự bóng gió đáp trả tới khán giả - những người chê chương trình Táo quân năm nay không hay.

Táo quân và cái tát với công chúng - 2

Chương trình Táo quân 2023 đánh dấu 20 năm ra mắt khán giả (Ảnh: VTV).

Nói về Táo quân, đây không phải là lần đầu chương trình gây tranh cãi về mặt nội dung mà từng có lúc được "đưa lên đặt xuống" về việc có nên giữ lại khi chiếm sóng giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia đêm 30 Tết hay không. Tuy nhiên, đây là năm đánh dấu 20 năm số phát sóng, chính vì vậy, việc chưa đáp ứng được kỳ vọng của khán giả, là một điều đáng tiếc.

Là người đóng vai Nam Tào và là một nhân tố quan trọng trong dàn diễn viên đóng Táo quân, việc Xuân Bắc mượn lời "người mẹ" để "dạy dỗ" người con - được hiểu là khán giả, cho thấy cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp của cá nhân nghệ sĩ, đồng thời sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến cả ekip chương trình.

Trước hết, việc phản ứng lại góp ý của khán giả một cách gay gắt đã là khó chấp nhận được, hơn nữa, mượn chuyện mẹ dạy con để đáp trả lại càng là thái độ trịch thượng, chẳng khác gì người viết dòng trạng thái đó vỗ ngực tự xưng mình là "mẹ thiên hạ"?!

Bất cứ nghệ sĩ nào dù nổi tiếng đến đâu nếu chưa nhận ra mình là ai, chưa thực sự hiểu rõ về đối tượng mình phục vụ và chưa nhận ra thành công của bản thân xuất phát từ đâu thì không thể nói là chuyên nghiệp, chưa kể người nghệ sĩ cần biết rằng trong số khán giả, công chúng có những người ở nhiều lứa tuổi, vị trí công tác khác nhau. Nếu tất cả đều nhận được "cái tát" của nghệ sĩ và cuối cùng người nghệ sĩ không có sự ủng hộ của công chúng, liệu rằng có thể thành công hay không?

Bất cứ chương trình nghệ thuật nào sau khi được phát hành, được công chiếu thì số phận của chương trình đó đã thuộc về công chúng. Sự khen chê, đánh giá của công chúng sẽ quyết định thành công hay thất bại của chương trình, không cứ chương trình diễn ra vào giờ vàng là thành công vì nhiều người mở tivi theo thói quen và không có sự lựa chọn khác, nhưng cuối cùng những người đó lại lên mạng xã hội để chia sẻ sự thất vọng, bức xúc.

"Đánh giá" là quyền thuộc về công chúng. Bởi vậy, trừ những ai coi nghệ thuật mang tính chất "ăn xổi", còn nghệ sĩ lớn thường khiêm nhường, biết tiếp thu và không ngừng nỗ lực học hỏi và cống hiến bởi họ hiểu rằng, sự tồn tại của họ phụ thuộc vào sự ủng hộ của công chúng. Một khi công chúng quay lưng, sẽ không một chương trình nào, một nghệ sĩ nào còn có lý do tồn tại.

Như nhận xét của nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm:  Khán giả hiện nay rất văn minh, thông minh và trí thức. Nghệ sĩ không nên nghĩ mình là "cái rốn của vũ trụ", mà cần có những ứng xử hài hòa, tiết chế hơn để không có những ồn ào không đáng có.

Rất nhiều góp ý cho rằng Xuân Bắc nên xin lỗi khán giả vì lời lẽ khiếm nhã và thiếu tôn trọng tại status đã nêu, tuy nhiên cho đến thời điểm này, nam nghệ sĩ vẫn giữ im lặng. Im lặng trong một số tình huống không phải là "vàng", mà là sự phớt lờ, bất cần, cố chấp.

Xét về tuổi đời, tôi không đủ vốn sống để đưa ra lời khuyên với Xuân Bắc. Tuy nhiên, đã có nhiều người nói với tôi rằng, họ không chờ đợi lời xin lỗi như một sự ban phát, họ đơn giản chỉ là "không quan tâm" và "không xem" nữa, và tôi cho rằng, Xuân Bắc nên suy ngẫm. "Cái tát", nếu có, chỉ thức tỉnh công chúng nhận thức rõ hơn về quyền lực của họ mà thôi.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!