NSƯT Xuân Bắc nên xin lỗi khi bóng gió khán giả chê chương trình Táo quân
(Dân trí) - Các nhà văn hóa đã thẳng thắn lên tiếng khi NSƯT Xuân Bắc bóng gió "mắng" khán giả chê chương trình Táo quân…
Chia sẻ với Dân trí, nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm cho hay, ông đã được đọc những ý kiến trái chiều về việc NSƯT Xuân Bắc bóng gió ám chỉ khán giả chê chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân là "ăn cháo đá bát". Ông cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc.
"Mọi người vẫn nói rằng, nghệ sĩ dù có tài năng đến đâu mà không có khán giả thì cũng không thể "sống" được. Tôi được biết, Táo quân đã có tuổi đời 20 năm, việc kịch bản có năm hay, năm không hay là chuyện bình thường. Nhưng người nghệ sĩ phải có "thần kinh thép" để nghe dư luận 2 chiều.
Phải nói rằng, để một chương trình thu hút khán giả lâu như vậy thì ê kíp đã rất cố gắng để xây dựng thương hiệu và diễn xuất. Có nhiều nghệ sĩ thành công, nổi tiếng nhờ Táo quân. Nên khi nghệ sĩ phản ứng tiêu cực khi Táo quân bị chê là quá vội vàng", nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ.
Theo ông Chu Thơm, người nghệ sĩ, người nổi tiếng cần phải tạo một bản lĩnh cứng cỏi để khi có bị chê trách, cũng cần bình tĩnh suy nghĩ, tránh những phát ngôn sốc nổi, làm tổn thương người khác.
"Những phát ngôn của Xuân Bắc, dù bóng gió nhưng cũng là sốc nổi. Các cụ xưa hay nói, lời nói như tên bay, bắn ra là không cứu được. Những ngày Tết thì cần vui vẻ, không khí vui tươi mà cậu ấy nói ra như vậy, kể một câu chuyện ngụ ngôn như vậy là không hợp lý.
Có nhiều người thông cảm vì có thể, Xuân Bắc bức xúc khi chương trình bị chê, nhưng khán giả cũng có thể bức xúc vì bị tổn thương. Nhà Phật nói, trong các nghiệp, khẩu nghiệp là nặng lắm. NSƯT Xuân Bắc nên gỡ bài đăng, xin lỗi khi nói khán giả là "ăn cháo đá bát", Nhà văn Chu Thơm thẳng thắn.
Ông Chu Thơm cho biết thêm, khán giả hiện nay rất văn minh, thông minh và trí thức. Nghệ sĩ không nên nghĩ mình là "cái rốn của vũ trụ", mà cần có những ứng xử hài hòa, tiết chế hơn để không có những ồn ào không đáng có.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh thì chia sẻ, nghệ sĩ biểu diễn nếu khán giả thích thì phải bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức, cũng như nhà văn sáng tạo ra tác phẩm, người đọc thích thì bỏ tiền ra mua. Ở đây là quan hệ cộng sinh nghệ sĩ và công chúng, không ai phải hàm ơn ai. Cho nên nói "người chê Táo quân là ăn cháo đá bát" là không ổn.
"Khi đã chấp nhận đời nghệ sĩ thì phải chịu được tiếng khen chê. Người ta chê mình thì phải xem lại mình trước. Biết nghe lời chê để hoàn thiện lao động nghệ thuật mới là người nghệ sĩ lớn chân chính, chứ không phải thợ diễn mua vui rẻ tiền.
Thật sự, phát ngôn của Xuân Bắc cho rằng người chê Táo quân "ăn cháo đá bát" là dấu chấm hết của chương trình này. Việc Xuân Bắc có xin lỗi khán giả hay không là do cậu ấy tự suy nghĩ xem mình đúng hay sai ở phát ngôn này", nhà văn Sương Nguyệt Minh thẳng thắn.
Nhà văn quê Ninh Bình nói thêm, người nghệ sĩ còn phải có lòng tự trọng nghề nghiệp, khi thấy kịch bản tầm thường thì từ chối không diễn; khi thấy mình cạn duyên thì biết từ chối lời mời, còn thấy mình vẫn "má thắm môi son" duyên mặn nồng, mà không biết mình đã thành cái xác không hồn đi động trên sân khấu thì bi kịch chồng bi kịch.
Trước đó vào ngày mùng 2 Tết, NSƯT Xuân Bắc đã đăng tải một bài viết trên trang cá nhân, hai ngày sau khi chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2023 được phát sóng.
Câu chuyện của Xuân Bắc kể có tựa đề "Cái tát của mẹ", kể chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, viết bài cho mấy "trang tin" và Facebook, "gói bánh (chưng) rất ngu" nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói.
Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải. Xuân Bắc kết thúc "truyện ngụ ngôn" bằng câu "Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3".
Câu chuyện của Xuân Bắc khiến nhiều khán giả hiểu ra hàm ý của anh khi ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp làm Táo quân, còn người con trai hỗn láo "ăn cháo đá bát" chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai Táo quân.