Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Quay lén: Camera giá rẻ và nhân cách rẻ mạt

Cách đây khoảng chục năm, tôi đã từng đặt mua trên mạng một chiếc camera quay lén trong hình dạng chiếc chìa khóa ô tô. Hồi đó vì tò mò và nghĩ chiếc camera quay lén đó có thể phục vụ mình trong việc… làm báo.

Chiếc camera giá rẻ bèo, nên tôi nghĩ rất nhiều người cũng đã từng như tôi khi đó, nhưng khi tôi mua về thì nó là loại đểu, không sử dụng được. Chục năm trước tình hình mua bán trên mạng thường là thế. Nhưng ngày nay, trước khi viết bài này, tôi đã thử dạo một vòng các sàn thương mại điện tử thì thấy hàng xịn giá cũng bèo chẳng khác gì giá của ngày xưa. Và tất nhiên, những người trẻ (hoặc không còn trẻ) bây giờ đều có thể click vào mua một chiếc. Bằng chứng là nhiều món đồ đã bán được cả trăm, cả ngàn sản phẩm.

Quay lén không phải là chuyện mới mẻ gì vì nó đã xảy ra từ cả chục năm qua khi mà trên những diễn đàn xxx, các chủ đề quay lén có cả trăm ngàn bài viết, clip. Từ quay lén dưới váy trong các siêu thị đến quay lén nhà vệ sinh, quay lén trong công sở, quay lén cả trong khách sạn, nhà nghỉ.

Dù khá nhiều vụ việc đã bị công an xử lý nhưng clip quay lén vẫn đầy trên mạng. Theo pháp luật hiện hành, việc quay lén khi bị phát hiện ra (mà chưa tung lên mạng, chưa phát tán và mới là lần đầu) thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Những vụ quay lén rồi tống tiền hoặc phát tán, phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu hình sự. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến những clip quay lén vẫn nhan nhản trên mạng. Chưa kể, nhiều nạn nhân bị quay lén thường có xu hướng giải quyết êm đẹp khi phát hiện ra sự việc. Bởi tâm lý ngại đến "cửa quan" khiến nhiều người chọn cách này, sợ clip quay lén của mình lại thêm nhiều người xem, rắc rối, phiền phức.

Quay lén: Camera giá rẻ và nhân cách rẻ mạt - 1

Chiếc "đồng hồ camera" được Châu Bùi phát hiện (Ảnh: Facebook nhân vật).

Một điều nữa tôi cho là vô cùng đáng báo động: Những người xem, xin clip quay lén. Họ vô tư xin - xem và thậm chí bình luận khiếm nhã. Đó chính là "nguồn nuôi dưỡng" những clip quay lén phát triển kinh khủng như hiện nay. Chưa kể những bạn kinh doanh online với nhu cầu thu hút nhiều người vào trang của mình, đã tiếp tay đăng tải hoặc share về những clip quay lén này.

Dường như các chế tài hiện có và những vụ việc bị xử lý trong thời gian qua chỉ như muối bỏ bể?

Dù không mong muốn, nhưng tôi nghĩ câu chuyện người mẫu Châu Bùi sẽ không trở thành câu chuyện cuối cùng về một nạn nhân bị quay lén, khi mà báo chí suốt hôm nay đã lên tiếng về những bình luận khiếm nhã, tấn công chính nạn nhân. Bởi với một bộ phận cư dân mạng, vấn đề này đã bị coi là chuyện… bình thường.

Thứ mà người ta đang nói với nhau là về Châu Bùi, là một người nổi tiếng chứ không phải là những ám ảnh, thương tổn vĩnh viễn của một nạn nhân bị quay lén. Càng không phải là sự phẫn nộ của xã hội trước hành vi quay lén người khác. Bởi nhiều bài viết (trên các trang tin chứ không phải báo chính thống), là hình ảnh Châu Bùi, tiểu sử Châu Bùi. Một số trang tin mượn việc Châu Bùi phát hiện bị quay lén để câu view. Những thông tin pháp luật với hành vi quay lén này thường chỉ nằm ở những báo chính thống và… ít người đọc.

Trên mạng xã hội thì sự việc cũng chỉ được coi là drama (một câu chuyện kịch tính) thay vì biến nó thành diễn đàn lên tiếng gay gắt với các hành vi quay lén. Một thái độ xã hội như vậy thì bao giờ chúng ta mới có thể chấm dứt được hành vi quay lén? Thậm chí, nó chỉ khiến câu chuyện của Châu Bùi thành câu like, câu view bởi tôi thử tìm kiếm theo từ khóa "quay lén Châu Bùi" đã thấy hàng trăm Facebooker bán hàng online hiện ra.

Chúng ta chưa tạo ra một từ khóa pháp luật đủ mạnh cho "quay lén". Chúng ta càng chưa xây dựng được thái độ phẫn nộ với hành vi quay lén, chưa khiến số đông cảm thấy xấu hổ khi công khai xin - xem clip quay lén. Và với chính các nạn nhân của hành vi quay lén này, họ cần được củng cố lòng tin vào pháp luật hơn và nhận thức rõ trách nhiệm của họ với cộng đồng, để kẻ quay lén phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để không ai sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp của những kẻ quay lén mà họ đã… tha cho.

Vẫn biết là thật khó thay đổi thái độ của một bộ phận trong xã hội, nhưng tôi chỉ mong những bạn đọc của tôi đang đọc bài viết này nhớ cho: Nếu một ngày, trong clip đó là con cái, người thân của bạn. Bởi mọi thứ xấu xí mà hôm nay chúng ta đã im lặng, nó sẽ không tự nhiên biến mất, nó sẽ lặp lại ở lần sau với mức độ xấu xí lớn hơn, tệ hơn.

Là mỗi người khi thả một bình luận "xin link, xin clip" hãy nhớ cho rằng những bình luận đó còn mãi trên mạng cả khi bạn đã xóa chúng đi. Là nếu bạn báo cáo những thái độ, bình luận kiểu này, bạn đã góp một tay vào việc dọn rác bẩn trên mạng, tạo ra sức đề kháng mới trước trào lưu quay lén, biến việc quay lén như một tội ác không được xã hội dung thứ.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!