Niềm vui giá lúa
Đang đi công tác, nhưng nghe anh tôi ở quê điện thoại nên tôi liền tranh thủ về. Tới nhà hỏi anh có chuyện gì, anh nói cũng không có gì quan trọng, chẳng qua mùa này mấy công ruộng bội thu, lại thêm bán được giá cao nên rủ tôi về… nhậu chơi. Người quê là vậy, những niềm vui dù lớn hay nhỏ đều muốn sẻ chia. Mà với dân miền Tây quê tôi thì cách chia vui phổ biến là những bữa nhậu.
Bữa nhậu hôm đó, ngoài mấy anh em tôi còn có vài chú bác ở xóm cũng đến dự, ai nấy đều hoan hỷ như nhau. Hỏi kỹ mới biết, vụ lúa hè thu ở xã vừa thu hoạch xong, năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha. Đặc biệt, giá bán lúa năm nay tới 7.000 đồng mỗi kg, cao hơn vụ này năm ngoái gần 400 đồng/kg.
Chỉ tính riêng vụ hè thu này, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi ha nông dân quê tôi còn lời khoảng 22 triệu đồng. Nhà nào canh tác vài mẫu ruộng coi như lời vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhà nào có vài công thôi cũng rủng rỉnh vài triệu xài chơi. Hèn gì, mấy ngày nay mưa bão đúng thời điểm thu hoạch lúa nhưng khi qua bến đò sông quê, tôi thấy mọi người vẫn rất vui, vì đa số lúa đã được thương lái ngã giá và mua tại ruộng.
Thu hoạch đến đâu thương lái "gom" lúa đến đó, bà con không còn phải bỏ công sức để phơi lúa, sấy lúa như trước đây.
Nâng chén rượu trên tay, bác Hai tôi nói, làm ruộng mà mùa nào cũng trúng mùa được giá như mùa này thì chẳng mấy chốc nông dân mình sẽ giàu thôi. Ngưng lại một lát, bác ngậm ngùi kể mấy năm trước, vật giá leo thang, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng theo nhưng giá lúa lại thấp. Bà con làm xong vụ lúa, bán đổ bán tháo hết trơn mà không đủ tiền trả cho đại lý vật tư nông nghiệp, nhiều người phải vay ngân hàng để bù lỗ.
Không ít hộ nông dân ở miền Tây chẳng còn kiên nhẫn với cây lúa, bèn cải tạo đất để trồng cây ăn trái như xoài, ổi, đu đủ, sầu riêng... Số còn lại bán đất ruộng hoặc cho thuê mướn rồi lên các trung tâm công nghiệp lớn để làm công nhân, chấp nhận cảnh ly hương xa xứ, khiến cho những xóm làng miền Tây vốn đã nghèo khó lại càng tiêu điều hơn.
Những lời ngắn gọn của bác Hai nhưng phần nào khái quát được bức tranh sinh kế của người dân miền Tây quê tôi mấy năm qua. Tôi nhớ chỉ hơn hai tháng trước, thằng em trồng mấy mẫu xoài bên Cù Lao Giêng (Chợ Mới, An Giang) điện cho tôi mà mếu máo, nói giá xoài bán ra tại vườn chưa tới 2.000 đồng/kg, kiểu này lỗ đứt đường.
Tôi xách xe chạy qua nhà em, đi trên mấy con đường liên xã dưới những tán xoài trái xum xuê nhưng bà con không ai hái bán vì giá rẻ. Những trái xoài chín rụng đầy đường, khiến người điều khiển xe phải vừa chạy vừa né tránh. Các chủ xoài cũng chẳng thể làm gì hơn, cứ nhìn vốn liếng cả năm trời đầu tư vào vườn xoài rụng dần, rụng dần.
Qua tìm hiểu tôi mới biết, cách đây vài năm, giá xoài cao do các thương lái thu mua và xuất khẩu. Thế là bà con đổ xô đi trồng xoài, nghĩ bụng không bao lâu sẽ thu hồi vốn và có lãi. Ai ngờ đến lúc xoài cho trái, giá lại rớt thảm hại mấy năm liền. Giờ những người trồng xoài quê tôi rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", bởi giữ lại vườn cũng khó mà chặt bỏ hết để trồng lại cây khác thì phải mất mấy năm nữa mới cho trái. Thế mới thấy, tính tự phát trong đầu tư sản xuất của người nông dân lúc nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng muốn chủ động để tránh rủi ro thì lại nằm ngoài khả năng của họ.
Trở lại câu chuyện giá lúa tăng cao vụ hè thu này, đương nhiên đó là niềm vui của nông dân cả nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 là 4,27 triệu tấn, đạt 2,3 tỷ USD, tăng đến 22,2% về khối lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo bình quân xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến giá cả cũng như khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta tăng mạnh 6 tháng đầu năm là do Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo, bên cạnh đó là ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sản lượng lương thực toàn cầu giảm.
Như vậy, các yếu tố liên quan đến giá lúa gạo nước ta tăng thời gian qua đều mang tính khách quan. Những biến động mang tính thời điểm, có thể chỉ trong ngắn hạn. Nói cách khác những yếu tố này là vấn đề toàn cầu, không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của người Việt. Chúng ta chỉ có thể phát triển bền vững khi thực sự nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt nói chung và lúa gạo nói riêng từ bên trong.
Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, qua đó nâng cao hình ảnh của ngành lúa gạo trong nước và thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Nghĩa là chúng ta phải hướng đến làm chủ tình hình trước những biến động bên ngoài, không để người nông dân phải bất an về giá cả và chuyên tâm sản xuất, tạo ra giá trị cao hơn nữa cho hạt lúa.
Đối với tôi, niềm vui lớn là được ngồi nghe bà con nông dân quê mình kể về thành quả của một vụ mùa bội thu, được giá. Ánh mắt ai cũng ngập tràn niềm vui, trên môi ai cũng nở những nụ cười hào sảng. Chỉ mong rằng những ánh mắt ấy, nụ cười ấy còn mãi, chớ không phải chỉ lóe lên rồi vụt tắt ở những vụ mùa sau.
Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!