Tâm điểm
Nguyễn Dương

Những "sứ giả nhân đạo" ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trong công việc phóng viên của mình, tôi đã được tham dự nhiều lễ xuất quân, giao nhiệm vụ tại Bộ Quốc phòng, nhưng buổi lễ diễn ra vào chiều 10/2 vừa qua rất đặc biệt khi 76 quân nhân Việt Nam lên đường tham gia cứu hộ, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với quân đội, lực lượng công an trong ngày 9/2 cũng đã cử 24 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ.

Nói là đặc biệt bởi đây là nhiệm vụ quốc tế, thể hiện trách nhiệm và tinh thần nhân văn của người Việt Nam chúng ta.

Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và vẫn còn rất nhiều nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát. Sau động đất là thảm họa nhân đạo, hàng triệu người cần cứu trợ khẩn cấp, vì vậy cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử lực lượng, phương tiện, vật chất đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.

Các cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an Việt Nam sau chặng đường dài đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng sở tại triển khai nhiệm vụ. Vào tối 13/2 theo giờ địa phương, lực lượng cứu hộ, cứu nạn gồm 76 quân nhân Việt Nam và 6 chú chó nghiệp vụ đã hành quân tới thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong số 10 địa phương chịu ảnh hưởng động đất nặng nề nhất, với hơn 6.400 tòa nhà đã bị sụp đổ do hậu quả của hai trận động đất chính và hơn 430 cơn dư chấn.

Những sứ giả nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam đến tỉnh Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát. (Ảnh: Văn Hiếu).

Nhiệt độ ban ngày tại Hatay hiện cao nhất là 11 độ C, ban đêm xuống -2 độ C. Trong ngày đầu tiên làm nhiệm vụ (14/2), theo thông tin từ hiện trường chuyển về, lần lượt vào lúc 11h, 16h45 và 18h, Đội chó nghiệp vụ và Tổ trinh sát số 1 của Đội Công binh cứu sập (Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã tìm thấy 3 vị trí có nạn nhân. Trong đó, lực lượng của ta đã trực tiếp cùng với lực lượng cứu hộ địa phương đưa được một thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Hai vị trí còn lại bàn giao cho đơn vị sở tại. Sau đó đoàn tiếp tục đi tìm kiếm, khảo sát khu vực theo hiệp đồng ban đầu với cơ quan điều phối địa phương.

Về phía đoàn công tác của Bộ Công an, sau 4 ngày (11-14/2) làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với lực lượng quốc tế cứu sống 1 người, đưa 9 thi thể nạn nhân ra ngoài; trao 2 tấn hàng y tế hỗ trợ người dân địa phương…

Những sứ giả nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Đoàn CNCH của Bộ Công an bắt đầu công việc tìm kiếm các nạn nhân tại TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ từ sáng 11/2. (Ảnh: Minh Khương).

Công tác cứu hộ, cứu trợ nhân đạo đang tiếp tục được thực hiện khẩn trương tại hiện trường. Đại úy Lê Trọng Nghĩa (Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần) chia sẻ cảm xúc xót xa khi chứng kiến những em nhỏ chỉ sau một đêm đã trở thành trẻ mồ côi, mất đi gia đình và người thân, vì vậy anh quyết tâm nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần cứu được nhiều người nhất có thể.

Với thiết bị hiện đại và hoạt động chuyên nghiệp, lực lượng cứu hộ của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam được tin tưởng điều phối đảm nhiệm các hiện trường có nhiều khó khăn, và đã nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế cũng như tình cảm trân trọng của nhiều người dân địa phương. Khi gặp lực lượng cứu hộ quốc tế trong đó có các quân nhân đến từ Việt Nam, những người dân địa phương luôn để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở nước ngoài, nhưng nhìn rộng ra thì đây chính một trong những hoạt động khẳng định nhất quán chủ trương Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như khẳng định năng lực tham gia các hoạt động quốc tế của Việt Nam.

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đến năm 2022 thì cử lực lượng công an tham gia. Đến nay Liên hợp quốc luôn đánh giá rất cao lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các Phái bộ; chúng ta cũng đã có những sĩ quan tham gia vào cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, làm việc tại trụ sở chính ở New York (Mỹ).

Với những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ưu tiên hàng đầu lúc này là tìm kiếm, giải cứu nạn nhân ra khỏi các đống đổ nát và phối hợp với lực lượng quốc tế thực hiện các nhiệm vụ khác. Hình ảnh từ hiện trường đổ nát và tiết trời lạnh giá phần nào nói lên vất vả, thách thức trong hoạt động cứu hộ. Nhưng người viết bài này tin tưởng rằng, với truyền thống vượt qua khó khăn, các "sứ giả" của hoạt động nhân đạo quốc tế mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng sẽ luôn nỗ lực cao nhất trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và chính quyền, người dân sở tại.

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!