Hình ảnh GS Tôn Thất Tùng xuất hiện trên biểu tượng Google
(Dân trí) - Ngày 10/5, mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google tôn vinh GS Tôn Thất Tùng, nhân dịp 110 năm ngày sinh của ông. Ông là cha đẻ của phương pháp mổ gan khô khiến cả thế giới kinh ngạc.
GS Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 9 tuổi, ông ra Hà Nội, sống trong nhà Bác sĩ Hồ Đắc Di (lúc bấy giờ là nhà phẫu thuật người bản địa duy nhất trong toàn cõi Đông Dương) để theo học Trường Bưởi, rồi Trường đại học Y.
Từ hàng trăm ca mổ gan tử thi
Những năm tháng sau đó, GS Tôn Thất Tùng vùi đầu vào học tập và nghiên cứu. Mùa đông năm 1935, khi mới 23 tuổi, ông thường đến mổ xác tại Viện Giải phẫu do GS Huard phụ trách. Trong một lần mổ xác, ông bỗng phát hiện một lá gan tử thi đầy những giun. Tất cả các ống mật và mạch máu trong gan dường như đều bị nhồi kín bằng vô số con giun lớn nhỏ. Sờ nắn, lần theo những con giun ấy, với mấy ngón tay khéo léo và một cái nạo (curette), ông phẫu tích tất cả các ống mật và mạch máu trong gan. Phẫu tích bằng cái nạo cũng là một sáng kiến độc đáo của ông. Nhờ cách đó, chỉ trong 15 phút, ông đã có thể phơi trần các ống mật và mạch máu trong gan để mô tả chúng một cách chính xác nhất.
Trong vòng bốn năm sau đó (1935-1939), GS Tôn Thất Tùng làm một công việc buồn tẻ đến rợn người: mổ hơn 200 lá gan người chết!
Ông phẫu tích tất cả các lá gan ấy, vẽ thành sơ đồ, rồi đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Từ đó, ông viết bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhan đề: Cách phân chia các mạch máu trong gan. Lần đầu tiên trong y văn thế giới, GS Tôn Thất Tùng đã mô tả các mạch máu và ống mật trong gan sau khi phẫu tích hơn... 200 lá gan người chết.
Đây thật sự là một khám phá y học bởi vì từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến lúc bấy giờ, chưa ai mô tả các mạch máu trong gan được rõ ràng, cặn kẽ như GS Tôn Thất Tùng. Bản luận văn sau đó được tặng Huy chương Bạc của Đại học Paris (Trường Y Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận của Đại học Paris).
Ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại, Trường Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.
Đến phương pháp mổ gan khô khiến cả thế giới kinh ngạc
Sau khi nắm chắc các tĩnh mạch trong gan, năm 1939, GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiên trên thế giới thành công trong việc cắt gan có kế hoạch.
Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút, trong khi nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 tiếng. Sáng chế của GS Tôn Thất Tùng không phải là do sự "khéo tay", thay đổi kỹ xảo vụn vặt, như có người lầm tưởng, mà chính là bắt nguồn từ những nghiên cứu cơ bản do ông đã thực hiện trong những năm 1935-1939.
Trước ông, một số nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga… cũng đã từng cắt gan, tổng cộng 87 trường hợp, nhưng không theo một kế hoạch nào cả! Sở dĩ phải làm liều như vậy là vì trước ông, chưa ai trên thế giới mô tả được đầy đủ, kỹ càng các mạch máu trong gan. Do đó, các nhà phẫu thuật đành cứ phải nhắm mắt làm liều, cắt gan một cách vu vơ, gặp mạch máu nào thì buộc lại, nếu chẳng may bỏ sót - điều này rất dễ xảy ra - thì sau khi đóng bụng lại, người bệnh sẽ chết do chảy máu hay do hoại tử gan! Công trình của GS Tôn Thất Tùng được gửi tới Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris nhưng lúc đó, chưa ai tin phương pháp của ông.
Nhiều năm sau, thế giới mới hiểu thấu và công nhận phương pháp do GS Tôn Thất Tùng đề xướng vào năm 1939 - khi ông mới 27 tuổi - và nhà y học Việt Nam mới được công nhận là "cha đẻ của cắt gan có kế hoạch". Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương Lannelongue.
Giáo sư Tôn Thất Tùng còn là nguyên chủ nhiệm bộ môn ngoại khoa - Trường đại học Y dược Hà Nội, là người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng xuất thân từ Trường đại học Y Hà Nội.
Ông từng giữ cương vị thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bây giờ).
Ông mất ngày 7/5/1982 tại Hà Nội.
Tổng hợp