Những "đứt gãy" ở làng quê
Tôi mới về quê. Con đê bên dòng sông bao đời vừa bị san phẳng để xây khu đô thị mới. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực của đô thị hóa, hiện đại hóa thì tôi có nhiều lo ngại, ưu tư về văn hóa lẫn con người, có những biểu hiện đứt gãy, sút kém, mòn mỏi đi.
Hơn 30 năm Đổi mới, nền kinh tế thị trường đã mang lại những thay đổi lớn lao cho quê tôi - một địa phương ở miền Trung nắng gió, từ những ngôi nhà gỗ lợp ngói hay nhà tranh, họa hoằn mới có nhà gạch thấp bé thì giờ đây cuộc sống hiện đại đã lan khắp nơi, nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi vật chất đầy đủ, xe máy, ô tô, internet, truyền hình đã về khắp các làng xã.
Lần về quê này cũng như trong những dịp khác về dự các lễ hội, gặp gỡ họ hàng, bà con, tôi thấy thiếu vắng các tri thức và văn hóa trong hoạt động, trong tư duy và suy nghĩ. Hiệu sách giữa phố huyện quen thuộc nuôi dưỡng các thế hệ ngày nào, giờ gần như biến mất khi biển hiệu Thế giới Di động che lấp gần như toàn bộ. Không còn sách báo nữa nên người dân đọc thông tin qua mạng, lúc nào cũng cắm cúi với chiếc điện thoại.
Thu nhập, cuộc sống của xã hội đã tốt hơn trước đây nhưng đó chỉ là mặt vật chất chứ về tinh thần, văn hóa, truyền thống và tri thức, thì dường như có phần suy giảm. Cảm tưởng rằng học thức chung của xã hội tăng lên, nhiều người đỗ đại học hơn nhưng những tấm gương, những nhân vật có thành tựu và uy tín nổi trội trong xóm làng nhờ đạo đức, kiến thức và tư duy lại ít đi so với trước đây. Các dòng họ thiếu vắng các gương mặt có tư duy và chất lượng về văn hóa, hiểu biết, uy tín và học thuật, thiếu hẳn những người có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, gia đình, quê hương.
Mấy chục năm trước khi về làng ông tôi, rồi cha tôi đưa tôi đi gặp những cụ già, những thầy đồ hay thầy giáo, nhiều người cũng chỉ là giáo làng hay dạy phổ thông thôi nhưng tôi nhìn thấy ở họ chất trí thức và học giả. Những người như thế vẫn sống ở thôn quê, như thể là những hòn đá tảng, như thể là kim chỉ nam, là mỏ neo để điều chỉnh và định hướng cho các hoạt động văn hóa trong dòng họ và thôn quê.
Những buổi tối ngày bé, cha tôi mời bà con, hàng xóm đến trò chuyện về quê hương và đất nước, về những giá trị văn hóa và lịch sử của làng, của huyện, của các dòng họ. Nhưng thật tiếc, ngày nay những buổi trò chuyện có tri thức như thế ít dần đi. Không còn cảnh các cụ già chống gậy đi thăm nhau bàn những chuyện văn hóa và giáo dục…
Giờ đây câu chuyện mỗi lần gặp chỉ là chuyện kiếm tiền, xây nhà, ăn uống, hay xầm xì về người này người kia… Anh em họ tộc gặp nhau phần nhiều chỉ là những bữa liên hoan, ăn uống tụ tập ầm ĩ và tốn kém nhưng sự thân tình lại có phần phai nhạt, gượng gạo.
Tụ họp trong khuôn viên nhà thờ vừa được tôn tạo với chi phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, vậy mà nhìn khuôn mặt của mọi người xung quanh không vui. Những đứa trẻ nhìn nhà thờ và nhìn chúng tôi ngơ ngác, còn đâu cảnh đầm ấm, thân thiết ngày nào. Những câu chuyện kể về tổ tiên thưa vắng, mà thay vào đó là chuyện tiền nong và so bì, rồi rượu chè có khi gây thành cãi nhau, chẳng ai chịu ai…
Nhiều người đua nhau đóng góp trong việc xây cất mồ mả, nhà thờ khang trang nhưng thiếu đi những hoạt động có tính văn hóa và chiều sâu, đặc biệt là lớp trẻ ở quê. Sự thiếu hụt nhóm kế cận có trình độ, kiến thức và hiểu biết về văn hóa là điều đáng lo ngại nhất về chất lượng con người của cộng đồng. Ai sẽ tiếp nối những hoạt động hiện nay trong 10 - 20 năm nữa? Sự kế tục về con người rồi sẽ có nhưng trình độ của họ thế nào? Tôi nhận thấy sự kế tục về tri thức, nối tiếp những giá trị tinh thần và tri thức là điều rất đáng lo ngại và không thấy có giải pháp khả thi nào trong một, hai thế hệ tới đây. Dòng họ, những hoạt động văn hóa giàu bản sắc quê hương sẽ thế nào nếu có sự đứt gãy lớn về tri thức, hiểu biết và năng lực?
Tôi cảm nhận dường như những "mỏ neo" đóng vai trò trụ cột về văn hóa và tinh thần đã mất mát đi rất nhiều, vì thế, ngày nay chỉ còn cái vỏ bề ngoài theo kiểu ngôi mộ nào to hơn, đền thờ họ nào lớn hơn thì họ đó oách hơn, chứ ít chú trọng các nền tảng tri thức và văn hóa. Những con người có chất lượng nhất, giỏi giang nhất lần lượt rời quê hương ra đi và rất ít trở về để lại khoảng trống mênh mông.
Những người trẻ quê tôi sinh ra sau năm 2000 sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, mối quan hệ gắn bó với quê hương rồi đây chỉ còn là một sợi dây mờ nhạt. Các thế hệ trẻ dần dần trở nên cách biệt với quê, cách biệt về văn hóa, về lịch sử và cách biệt với cộng đồng; và sau này nếu có về quê thì chắc cũng chỉ trong dịp lễ hội hoặc cùng lắm vài năm một lần, như những chuyến du lịch rồi thưa dần.
Mối quan hệ giữa nhóm con cháu sinh ra ở Hà Nội và ở quê chắc chắn sẽ mờ nhạt đi rất nhiều so với thế hệ của cha chú mà tôi gọi là thế hệ kết nối, và thế hệ của tôi là thế hệ chuyển giao.
Mạng xã hội, mối quan hệ trong công việc, đồng nghiệp, các ngành nghề, bạn học… ngày càng phát triển, khiến cho sự gắn bó với dòng họ và quê hương trở nên mờ nhạt và tổ chức, ý nghĩa của dòng họ, của quê hương trong kỷ nguyên số hiện đại này sẽ đặt ra câu hỏi lớn về mô hình và cách thức tồn tại.
Đó là mà có lẽ là vấn đề mà dòng họ nào cũng gặp, vùng quê nào cũng có nhưng nếu chỉ ngồi than thở cũng chẳng thay đổi được gì. Đành rằng có sự khác biệt thế hệ, nhưng làm thế nào tìm được nền tảng chung để cùng kết nối, chung tay duy trì truyền thống?
Tôi đã nhiều lần nói trong các buổi họp dòng họ ở quê rằng nên bớt tiền xây mộ đi cũng không làm mộ kém sang trọng hơn. Hàng trăm, hàng nghìn nhân vật lịch sử và văn hóa lớn lao của thế giới cũng chỉ có ngôi mộ 10-20 m2, thậm chí nhỏ bé hơn nhiều.
Chúng ta có thể dành tiền bạc và công sức nuôi dạy thế hệ trẻ - công việc mà nhiều năm nay ở quê hẳn bị quên lãng. Tôi đã vận động dòng họ làm thư viện, mà chắc chắn chỉ chiếm một phần nhỏ tiền xây mồ mả nhưng quá ít người ủng hộ...
Sau cùng, tôi tự thấy rằng giải pháp ý nghĩa nhất phải là nâng cao dân trí, văn hóa và hiểu biết truyền thống về dòng họ, về quê hương mà ở đó, trình độ, hiểu biết, đạo đức và phẩm chất con người là nền tảng vững chắc nhất cho một cộng đồng thịnh vượng và bền vững.
Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!