Tâm điểm
Bích Diệp

Những câu hỏi về hóa đơn tiền điện

Chuyện hóa đơn tiền điện ở Thủ đô đang khiến nhiều người dân xôn xao khi tiền điện tháng 2 tăng đột biến. Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) giải thích thế nào?

Hóa đơn tiền điện tháng 2 gộp 2 kỳ (gồm cả tháng 1 và 2). Trước đây lịch ghi chỉ số công tơ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng tùy khu vực. Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng, hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.

Cụ thể, số ngày tính tiền điện tháng 2 tăng từ 30 hoặc 31 ngày lên thành 38 đến 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho những ngày sử dụng điện còn lại trong tháng 1 và cả tháng 2). Hơn nữa, yếu tố thời tiết tại Hà Nội thời gian qua, cộng với việc được nghỉ lễ, cũng góp phần làm tăng sản lượng tiêu thụ điện của mỗi gia đình.

Lý giải trên của EVN Hà Nội có vẻ hợp lý về mặt toán học đơn thuần. Đại ý là, thời gian kéo dài ra, số kWh nhiều hơn thì tiền điện cũng tăng tương ứng.

Tuy vậy, nhiều khách hàng của EVN vẫn không phục, bởi tháng 2 là tháng Tết, là thời gian mà người dân thường di chuyển nhiều. Trong dịp Tết, rất nhiều gia đình nếu không về quê thì sẽ đi du lịch. Không ở nhà thì họa chăng thiết bị điện vận hành trong nhà cũng chỉ có tủ lạnh, vậy lý do gì mà tiền điện tăng dựng đứng lên như vậy?

Qua hệ thống bình luận của Dân trí, nhiều độc giả bức xúc cho biết, trong tháng 2, gia đình họ về quê đúng 2 tuần nghỉ lễ nhưng tiền điện tháng 2 lại tăng gần gấp đôi so với tháng 1. Chính vì vậy, cách giải thích của EVN Hà Nội không thể khỏa lấp được băn khoăn, thắc mắc của người dân sử dụng điện trên địa bàn.

Những câu hỏi về hóa đơn tiền điện - 1

Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được cho biết triển khai trên cả nước và có lộ trình đến năm 2025 (Ảnh: EVN).

Chúng tôi cũng nhận thấy, một bộ phận khách hàng không nắm được các mốc thời gian chốt sổ cũng như số lượng ngày dùng điện cụ thể mà họ phải trả. Trong khi trên các phương tiện truyền thông, phía doanh nghiệp giải thích về việc gộp tháng 1 và tháng 2 trong hóa đơn tháng 2 thì qua các tin nhắn thu tiền từ công ty điện lực, người dân đều nhận 2 thông báo riêng biệt về số tiền điện tháng 1 và số tiền điện tháng 2 phải trả.

Thông báo thu tiền của EVN Hà Nội vỏn vẹn chỉ có dữ liệu về số tiền và kỳ tính là tháng. Thế nên không thể trách vì sao khách hàng lại phản ứng mạnh mẽ đến như vậy khi tiền điện "dựng đứng": Tháng 1 cũng trả tiền, tháng 2 cũng phải trả tiền, vậy vì sao tháng 2 phải trả tiền gấp đôi, cộng thêm cả tháng 1? Điều này khiến một số khách hàng có cảm giác là họ phải trả 2 lần tiền điện cho tháng 1 và thấy khó hiểu với cách giải thích của công ty điện lực.

Hơn nữa, trong thời đại số, nhiều gia đình thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng, đặt lịch thanh toán tại một ngày cụ thể. Tại ngày đó, ngân hàng trừ tiền tự động trong tài khoản khách hàng dựa theo hóa đơn tiền điện của công ty điện lực cung cấp. Việc thay đổi kỳ tính mà không thông báo rõ ràng, cụ thể có thể khiến nhiều người dân gặp rắc rối nếu để lỡ kỳ thanh toán, cũng như có trải nghiệm bất tiện, không thoải mái vì bị động.

Bộ phận chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội lẽ ra cần thông báo trước và giải thích cụ thể về tình huống này nhằm giúp khách hàng chủ động tìm hiểu, nắm rõ các thay đổi, từ đó có thể có những phản hồi kịp thời, tránh được xung đột.

Quan trọng hơn, điện không phải là hàng hóa thông thường, giá điện được tính lũy tiến theo bậc thang. Chính vì vậy, khi tăng thời gian, số kWh điện cộng dồn tăng cao đồng nghĩa với sẽ có một phần bị tính giá cao hơn, tiền điện mà các hộ gia đình phải trả sẽ tăng so với khi tách hóa đơn.

Vậy, cứ cho là thay đổi kỳ tính nhưng vì sao công ty điện lực không tách hóa đơn: Chốt riêng 2 giai đoạn, những ngày còn lại của tháng 1 (hết ngày 31/1) và từ ngày 1 đến ngày 29/2? Vì sao lại đẩy cái khó sang phía người dân?

Quan hệ giữa bên cung cấp điện và bên dùng điện được thể hiện qua hợp đồng. Do vậy, khi thay đổi ngày chốt sổ, công ty điện lực phải cung cấp phụ lục hợp đồng và được khách hàng thông qua. Việc EVN Hà Nội chỉ đơn thuần đưa ra thông báo cho khách hàng, đơn phương thực hiện, cho thấy tính một chiều và áp đặt, không cho người dân sự lựa chọn.

EVN Hà Nội vừa qua cũng cho biết, cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi. Cụ thể, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng thành 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh.

Những câu hỏi về hóa đơn tiền điện - 2

Công ty điện lực lấy ví dụ về cách tính hóa đơn tiền điện tháng 1 và 2 (Ảnh: EVN Hà Nội).

Công ty điện lực giải thích, sở dĩ có con số này bởi kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50kWh. Còn hiện giờ, kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.

Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội trong đó có vị là tiến sĩ toán học đã tính toán dựa trên công thức do ngành điện đưa ra, và thấy rằng phần thiệt thuộc về khách hàng (?). Đây mới chỉ là nghi vấn, nhưng cũng là câu hỏi dành cho ngành điện mà đông đảo khách hàng đang muốn hỏi.

Cần lưu ý rằng, từ 9/11/2023, giá điện bán lẻ bình quân vừa được tăng 4,5%. Theo ông Nguyễn Đình Phước - Kế toán trưởng EVN - nêu tại cuộc họp hồi tháng 11/2023, lần tăng giá điện này giúp cho EVN tăng thêm doanh thu 3.200 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu như người tiêu dùng vừa phải dùng điện đắt hơn, lại thêm chịu thiệt trong kỳ thanh toán tháng 2 do thay đổi kỳ chốt sổ và gộp ngày tính giá điện thì sẽ là "thiệt đơn, thiệt kép"!

Cho dù vào tháng 3, việc tính giá điện sẽ bình thường trở lại, và thiệt hại của mỗi gia đình không quá lớn đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhưng nhân lên với số hộ gia đình trên cả địa bàn là con số rất lớn.

Thiết nghĩ EVN Hà Nội cần sòng phẳng hơn nữa về hóa đơn tiền điện tháng 2, có phương án bù đắp hợp lý cho những đối tượng khách hàng thiệt hại. Đồng thời, coi sự việc lần này là bài học kinh nghiệm về cách thức ứng xử, tôn trọng khách hàng, chú trọng đến trải nghiệm của người dùng điện.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!