"Nhà tôi về quê 2 tuần mà tiền điện tháng đó tăng gần gấp đôi"

PV

(Dân trí) - Theo độc giả Dân trí, dù cộng dồn thời gian đóng nhưng phải tính giá điện theo 2 hóa đơn riêng biệt vì giá tính theo bậc thang, phần chênh lệch người dân lại chịu.

Độc giả chỉ ra bất cập trong bài toán tiền điện khi EVN cộng dồn hóa đơn 2 tháng

Như Dân trí thông tin, tháng 2/2024, hóa đơn tiền điện nhà ông Nguyễn Văn Sơn (50 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) tăng gần gấp đôi so với các tháng trước, ở mức 2,3 triệu đồng. Tương tự, chị Dương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tháng gần nhất là 850.000 đồng, gần gấp đôi so với con số trung bình các tháng trước là khoảng 450.000 đồng. Đây là 2 trường hợp tiêu biểu trong số nhiều người dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng đột biến so với bình thường: Hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, người dân bật ngửa.

Lý giải vấn đề trên, lãnh đạo Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, hóa đơn tiền điện tháng 2 được tính gộp bằng tổng hóa đơn hai tháng đầu năm. Lý do thay đổi bởi từ tháng 2, đơn vị thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây, dẫn tới số ngày tính tiền điện đợt này tăng từ 30 ngày lên thành 57 ngày.

Nhà tôi về quê 2 tuần mà tiền điện tháng đó tăng gần gấp đôi - 1

Thống kê chi tiêu tiền điện của nhà ông Sơn từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024 (Ảnh chụp màn hình).

Trước thông tin trên, nhiều độc giả Dân trí lập tức phản ánh về những vấn đề tương tự đang xảy ra với gia đình. Độc giả Quy Nguyễn Đức cho biết gia đình anh có 3 người, sinh sống tại khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và phải chịu hóa đơn tiền điện tổng cộng trong tháng vừa rồi là 5.489.738 đồng. "Liệu có nhầm lẫn gì không, tôi cũng đang muốn đến công ty điện lực để hỏi xem", người này bình luận.

Tương tự, độc giả Le Lam viết: "Nhà tôi hàng tháng dùng khoảng 600 số điện, tháng này gộp thông báo hóa đơn tiền điện là 1118 số, thanh toán 3.270.930 đồng. Nhẩm tính số điện chia từng tháng thì tổng 2 tháng rơi vào khoảng 2.912.000 đồng. Theo cách gộp này thì quá thiệt thòi cho người dân, đề nghị xem xét lại".

Đối diện vấn đề trên, nhiều độc giả lập tức chỉ ra "lỗ hổng", bất cập cũng như những thiệt thòi của người dân khi EVN thay đổi cách tính giá điện. Độc giả Duy Trác bình luận: "Tại sao không thu dồn tiền điện về cuối tháng trước, vì tiền điện sẽ chỉ nằm ở bậc 1-2, thu được ít tiền hơn. Tại sao lại dồn tiền điện về tháng sau, để chỉ số điện sẽ tăng đột ngột, tha hồ thu thêm tiền ở các bậc 5-6 giá rất cao".

"Người tiêu dùng phải trả thêm tiền điện do số KW dùng bị tăng thêm trong kỳ tính tiền điện. Nếu tách riêng tháng 1 và những ngày đầu tháng 2 thì số tiền điện ít hơn. Sau lần thanh toán này rồi mới áp dụng ngày thanh toán mới là cuối tháng", độc giả An Nguyễn Việt chỉ ra sự chênh lệch giữa 2 cách tính giá điện.

Nhà tôi về quê 2 tuần mà tiền điện tháng đó tăng gần gấp đôi - 2

Kết quả tính hóa đơn tiền điện của gia đình ông Sơn tiêu thụ 803kWh trong khoảng thời gian từ ngày 16/1 đến ngày 29/2 (Ảnh chụp màn hình).

Cùng quan điểm, người dùng Đại Phạm Văn đặt vấn đề: "Sao không chốt chỉ số điện 20 ngày cuối tháng 1 và tách riêng ra? Cộng dồn thế này, giá thì tính theo bậc thang, phần chênh lệch người dân lại chịu. Quy định bậc tăng lên chỉ có lợi cho các hộ gia đình dùng ít, những người dùng nhiều thì giá hoàn toàn khác".

Nhiều độc giả cùng chung thắc mắc với độc giả Lam Ngọc: "Tháng 2 là tháng tết, gia đình tôi về quê đúng 2 tuần nghỉ lễ với ông bà, thế nhưng tiền điện tháng 2 lại tăng gần gấp đôi so với tháng 1 là thế nào? trước khi đi khỏi nhà tôi đã cẩn thận kiểm tra và rút ổ cắm tất cả các thiết bị điện, trừ tủ lạnh".

Độc giả Hải Nguyễn Ngọc: "Đề nghị điện lực chốt số công tơ những ngày còn lại của tháng 1 riêng (chốt hết ngày 31/1/2024). Đối với công tơ từ ngày 1 đến 29/2, nếu chốt tách riêng 2 tháng như vậy thì người sử dụng điện sẽ không bị thiệt thòi do cách tính điện theo kiểu lũy tiến như của ngành điện".

Cũng thực hiện một bài toán đơn giản, độc giả Nhat Lam chứng minh rằng tồn tại sự chênh lệch trong cách tính giá điện khác biệt. Người này phân tích: "Người dân rất tinh tế, nhiều người không thể giải thích cụ thể, nhưng sự khác biệt là điều họ cảm nhận được. Lấy ví dụ minh họa từ khách hàng tên Sơn, ta giả thiết rằng: Tách hai tháng 1 và tháng 2 riêng ra để tính (tháng 1 vẫn ghi chỉ số ở ngày mùng 3 hàng tháng), toàn bộ số điện của tháng 1 ở 5 bậc đầu đều thỏa mãn (đạt 400 số điện) còn số vượt đạt bậc 6 trong tháng 1 thì bằng 0 (thực tế thì chuyển tính sang tính cùng tháng 2 cũng không thay đổi tiền khách hàng phải trả ở riêng bậc 6 này).

Sự khác biệt ở cách tính tiền tháng 2. Nếu tính bậc như của EVN, tức là bậc 1-2 của ông Sơn đều là 23 số, bậc 3-4-5 là 45 số điện, và còn lại dồn toàn bộ số điện vào bậc 6 thì khách hàng phải trả đúng như con số đã nêu. Nhưng nếu quay lại tính theo bậc giá như tháng 1 thì bậc 1-2 là 50 số điện, bậc 3-4-5 đều là 100 số điện và bậc 6 thì hoàn toàn khác biệt, tức chỉ còn 4 số điện. Như vậy, tiền điện 2 tháng trước VAT là 1.969.004 VND và sau 8% VAT là 2.126.524 VND, chênh so với cách tính của EVN áp dụng là 166.206 VND".

Từ phép toán trên, người này cho rằng con số chênh lệch không quá lớn, nhưng nếu EVN không tự thay đổi định mức số lượng điện trên mức thứ bậc thì sẽ giúp người dân bớt lăn tăn, suy tư về vấn đề giá điện. Bên cạnh đó, EVN cũng nên tính riêng hóa đơn tháng 1 và tháng 2 để gửi lại khách hàng thay vì để gộp như hiện nay để làm rõ giá tiền ở các bậc cao hơn cũng như giải thích cụ thể để khách hàng thấu hiểu.

Hoàng Linh (tổng hợp)