Nhìn lại 2022: Đi qua năm khó khăn của chứng khoán
Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã có biến động rất mạnh với mức sụt giảm nhanh và sâu. Có thể nói, 2022 là một năm thực sự khó khăn với hầu hết nhà đầu tư tham gia thị trường.
Tháng 11 vừa qua là tháng giao dịch đầy cảm xúc khi thị trường đã đi đến tận cùng của những áp lực, có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 900 điểm với sự bi quan tột độ, nhưng sau cùng thị trường cũng đã bình ổn dần và lấy lại phần nào những gì đã mất. Kết tháng 11, VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.000 điểm và hiện tại khi đã đi hết nửa tháng cuối cùng của năm, chỉ số đang nỗ lực giữ mốc 1.050 điểm và có thể tiến đến các mốc cao hơn.
Để giải thích về nguyên nhân thị trường Việt Nam giảm mạnh đến như vậy, trước tiên phải kể đến bối cảnh vĩ mô có phần xấu đi của nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo với những lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) để ứng phó với lạm phát. Trong nước, lãi suất cũng đã được điều chỉnh tăng. Đồng USD mạnh lên khiến áp lực tỷ giá cực kỳ căng thẳng…
Tuy nhiên tất cả những yếu tố trên cũng chưa đủ để giải thích về đà rơi của thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà các nước trong khu vực, thậm chí có nền tảng vĩ mô không bằng chúng ta nhưng chứng khoán cũng chỉ giảm 15-20% từ mức đỉnh.
Trong khi đó, VN-Index nếu so với đỉnh, lúc cao điểm thị trường đã giảm hơn 40% chỉ trong vòng khoảng hơn 6 tháng, mức giảm có thể nói là "khủng khiếp".
Nếu như vĩ mô không đủ giải thích thì câu trả lời thuyết phục hơn là sự thiếu thanh khoản trầm trọng trên thị trường tài chính, với sự hội tụ của việc siết thị trường trái phiếu, hết room (dư địa) tín dụng và làn sóng call margin (vay ký quỹ chứng khoán) ở góc độ cổ đông lớn, đồng thời với call margin chéo. Sự thiếu hụt dòng tiền trong ngắn hạn khiến thị trường rơi nhanh, thậm chí nhiều cổ phiếu rơi sàn nhiều phiên liên tiếp.
Điều đáng tiếc trong tháng 11 là việc thị trường gần như vỡ trận margin ở nhiều doanh nghiệp. Cổ đông lớn và nhiều công ty chứng khoán (CTCK) không tìm được tiếng nói chung, khiến giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp giảm sàn liên tục, nhiều CTCK cũng đã âm vốn.
Trong khoảng một tháng trở lại đây thị trường đã lấy lại được phần nào điểm số đã mất, nhưng so với đỉnh thì còn xa. Thôi thì, cứ hồi là đã vui rồi! Như tôi có đề cập ở trên, chứng khoán các nước trong khu vực giảm khoảng 15-20% từ đỉnh còn VN-Index chiết khấu sâu hơn rất nhiều và do đó khi các vấn đề thanh khoản được giải quyết, đó là dư địa cho sóng hồi.
Trên quan điểm của tôi thì chứng khoán trong nước chưa thoát khỏi downtrend (giai đoạn chứng khoán xu hướng giảm) dài hạn vì chu kỳ kinh tế Việt Nam đi sau các nước lớn, ở đó những điều khó khăn nhất có thể vẫn chờ đón trong năm 2023. Tuy nhiên nếu có sóng giảm 2023, khả năng rất cao sẽ không thấp hơn đáy năm 2022. Tóm lại, có thể nói rằng, thị trường chưa thoát khỏi downtrend dài hạn, nhưng đã tạo đáy dài hạn.
Suốt hơn nửa năm qua, rất nhiều người nói với tôi rằng, họ đã đi đến cùng cực chán nản và muốn buông xuôi khi gánh thua lỗ nặng nề, một số muốn rời bỏ thị trường nhưng không nỡ vì lỗ quá lớn. Với góc nhìn của một người trong nghề, tôi cho rằng, nếu xảy ra thua lỗ, thậm chí lỗ lớn trong bối cảnh thị trường như vậy, là điều rất bình thường. Đầu tư cần xác định là một con đường dài và nhìn về phía trước. Thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng lúc nào cũng rất nhiều cơ hội, nếu có phương pháp tiếp cận đúng.
Ở mức định giá hiện tại, không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết giới phân tích cũng nhìn nhận, thị trường đang rất hấp dẫn. Dù lãi suất tăng khiến kênh tiền gửi trở nên thu hút hơn và triển vọng doanh nghiệp cũng kém đi, tuy nhiên với mức chiết khấu lớn, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của chứng khoán hiện tại, tôi cho là vẫn hấp dẫn hơn tiết kiệm. Thanh khoản thị trường gần đây cũng đang ở mức rất ổn.
Tôi hoàn toàn đồng ý nếu ai đó nói rằng những khó khăn của nền kinh tế sẽ còn chờ đợi phía trước. Tuy nhiên thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn nhờ vấn đề thanh khoản được giải quyết. Do đó năm 2023 có thể vẫn còn nhiều khó khăn, có thể còn gặp áp lực vĩ mô, tuy nhiên thị trường chứng khoán sẽ ổn định hơn.
Về những nhóm ngành tiềm năng, theo góc nhìn của tôi, thực tế trong môi trường vĩ mô còn nhiều bất ổn, sóng hồi chủ yếu do dòng tiền mua tài sản rẻ chứ không chạy theo dòng, nhà đầu tư ngắn hạn bám thị trường giải quyết theo từng nhịp sóng. Còn nửa cuối 2023, khi vĩ mô cải thiện hơn, sóng phục hồi sẽ bền hơn và các nhóm ngành hưởng lợi ở đầu chu kỳ phục hồi sẽ được ưu tiên.
Tác giả: Ông Bùi Văn Huy hiện là Giám đốc Chi nhánh TPHCM của Công ty Chứng khoán DSC. Trước đó, ông đã từng là Giám đốc chiến lược thị trường, Giám đốc môi giới tại công ty chứng khoán TPHCM (HSC).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!