Tâm điểm
Ngô Viết Nam Sơn

Hình dung "bức tranh" siêu đô thị TPHCM sau sáp nhập

Việt Nam đang tiến hành cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.

Từ góc độ chuyên môn quy hoạch kiến trúc, tôi nghĩ rằng việc cơ cấu lại, sáp nhập các tỉnh, thành nhìn chung mở ra một cục diện mới, một không gian phát triển mới, đi kèm nhiều mục tiêu mới, song song với các thử thách mới và cơ hội mới! Do đó, tất cả quy hoạch của những tỉnh, thành nằm trong diện sắp xếp đều cần có sự rà soát lại toàn diện, từ đó xem xét những điều chỉnh cần thiết về mặt chiến lược và chiến thuật trong định hướng bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển.

Chúng ta không xem sáp nhập tỉnh là phép cộng cơ học, và quy hoạch địa phương cũng không thể chỉ đơn thuần cộng lại các quy hoạch của từng tỉnh, thành đã được duyệt, để tạo nên quy hoạch tổng thể mới cho tỉnh, thành sau sáp nhập. Khi sáp nhập các tỉnh, thành với nhau, tình hình không còn như trước, các yếu tố tổng thể về điểm mạnh - điểm yếu và cơ hội - nguy cơ đã khác trước, thì cách tư duy quy hoạch chiến lược cũng phải khác.

Phân tích cụ thể hơn về trường hợp dự kiến sáp nhập 3 tỉnh Đông Nam Bộ: TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, với kinh nghiệm từng tham gia cố vấn hoặc góp ý tư vấn quy hoạch cho cả 3 địa phương này, tôi cho rằng, việc sáp nhập chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhằm tận dụng các lợi thế, thế mạnh, tạo nên những viễn cảnh hấp dẫn hơn nhiều so với hiện nay.

Hình dung bức tranh siêu đô thị TPHCM sau sáp nhập - 1

Màn pháo hoa chào mừng 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại Công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (Ảnh: Hữu Khoa).

Nhớ lại trước đây khi họp về quy hoạch TPHCM với các tỉnh trong vùng là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, tôi luôn nhấn mạnh rằng, trong quy hoạch của tỉnh, thành phải  luôn nhìn xa và rộng hơn, có tầm nhìn vùng, phải có kết nối hợp tác vùng để tạo nên động lực phát triển cộng hưởng.

TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là tứ giác kinh tế rất quan trọng, là 4 tỉnh, thành trong nhóm đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hàng năm. Nếu như kết hợp tốt, thì tứ giác này sẽ không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà sẽ trở thành một khu vực phát triển hàng đầu của châu Á.

Bây giờ, khi TPHCM dự kiến nhập với 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thì hợp tác vùng sẽ trở nên dễ thực hiện hơn. Nếu lúc trước, việc 4 tỉnh hợp tác với nhau có thể hơi phức tạp về mặt hành chính và thỏa thuận, nhưng sáp nhập rồi thì chỉ còn là TPHCM hợp tác với Đồng Nai (dự kiến hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước), và có thể lần này là hợp tác để phát triển về mọi mặt. Tức là, tứ giác phát triển này sẽ trở thành 2 cực phát triển lớn, mở ra những tiềm lực và cơ hội hoàn toàn mới.

Hãy cùng hình dung về "bức tranh" của TPHCM mới sau khi sáp nhập:

Dự kiến, sau sáp nhập TPHCM mới có diện tích hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn); dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979 % so với tiêu chuẩn), hình thành siêu đô thị lớn nhất của cả nước. Đồng thời, TPHCM sau sáp nhập sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TPHCM từ quy hoạch đô thị đa trung tâm (với nội thành và những đô thị vệ tinh xung quanh) sẽ được nâng tầm nhìn với quy hoạch 3 cực động lực phát triển chiến lược, trong đó, cực động lực trung tâm là nội thành TPHCM, cực động lực phía Bắc là Bình Dương, và động lực cực phía Nam là chuỗi đô thị biển Bà Rịa Vũng Tàu - Cần Giờ. Quy hoạch mới sẽ mang lại cho TPHCM những lợi thế ở quy mô vùng đô thị mà trước đây không có.

Cực động lực đô thị công nghiệp -  Bình Dương là vùng đất cao, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ là nơi phát triển mạnh mô hình công nghiệp liên hợp với khu dân cư. Là nơi khá an toàn trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bình Dương sẽ là một cực hấp dẫn cho TPHCM trong tương lai, mang tính bền vững.

Cực động lực đô thị biển - Bà Rịa Vũng Tàu  & Cần Giờ sẽ có cụm cảng có thể cạnh tranh với cảng ở Singapore, nhất là khi kênh đào Kra (một dự án của Thái Lan) được xây dựng, trong đó Cần Giờ vốn trước kia chỉ là một cảng trung chuyển thì nay có thể nâng tầm trở thành cảng quốc tế, thành viên của cụm cảng biển Thị Vải - Cái Mép - Cần Giờ. Cụm cảng này chắc chắn cần được kết nối với kế hoạch xây dựng một trục hạ tầng kết nối đa phương tiện chiến lược, bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt, đường sắt cao tốc, nối từ cụm cảng này đến các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Thủ Đức và nối vào sân bay Long Thành, từ đó tạo thành một trục chiến lược và trục đô thị mới.

Đồng thời, TPHCM từ chỗ chỉ là một đô thị hướng biển trước kia (nằm trong nội địa với một nhánh ra biển là đô thị sinh thái Cần Giờ), nay sẽ có cơ hội trở thành đô thị biển thực sự. Chuỗi đô thị du lịch biển Vũng Tàu - Cần Giờ sẽ rất hấp dẫn nhờ có môi trường trong lành, có cảnh quan và dịch vụ, là một cực phát triển du lịch quốc tế rất quan trọng của vùng TPHCM trong tương lai, kết nối trực tiếp với khu trung tâm TPHCM và với khu đô thị sân bay quốc tế Long Thành thông qua metro. Trong đó Vũng Tàu có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển cao cấp, trong khi Cần Giờ có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.  

Cực động lực trung tâm - nội thành TPHCM sẽ là đầu não cung cấp tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng đô thị, với trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm và trung tâm đô thị đại học kết hợp phát triển sáng tạo và công nghệ cao tại Thủ Đức.

Sau khi sáp nhập, quỹ đất phát triển TPHCM được mở rộng sẽ là cơ hội để giãn dân. TPHCM hiện tại đang rơi vào tình trạng bê tông hóa nghiêm trọng do thiếu quỹ đất, không gian xanh trong khu nội thành chỉ có 0,5m²  trên đầu người. Sắp tới, các dự án không cần phải tập trung ở khu vực nội thành TPHCM nữa, mà có thể giãn về phía Bình Dương, về phía Vũng Tàu, và về phía Cần Giờ. Theo đó, khu nội thành TPHCM sẽ có cơ hội tăng không gian xanh lên gấp 20 lần, nhằm đạt tiêu chí 10m² đầu người - vốn được đưa ra mấy chục năm nay tưởng chừng không biết đến khi nào mới làm được - thì bây giờ chúng ta đã có thể hiện thực hóa. Khi áp lực phát triển đã được dời ra xung quanh thì vùng nội thành TPHCM phát triển về chất hơn là về lượng, sẽ ít bê tông hóa hơn và sẽ xanh hơn.

Câu chuyện sáp nhập tới đây sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới về mặt kinh tế - xã hội cho siêu đô thị lớn nhất nước!

Tác giả: Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley. Ông có gần 40 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại Bắc Mỹ và châu Á, bao gồm Việt Nam, và hiện là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!