Giai đoạn đen tối nhất với nhà đầu tư chứng khoán đã qua?
(Dân trí) - Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi những thông tin xấu đã được thẩm thấu hết trong đợt điều chỉnh mạnh vừa qua.
Mở cửa phiên đầu tuần 5/12, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh. VN-Index tiến sát đến mốc 1.100 điểm. Chỉ sau hơn một tuần giao dịch, chứng khoán Việt Nam tăng hơn 15%. Dòng tiền chảy vào thị trường cũng sôi động trở lại, riêng phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 ghi nhận giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE vượt mốc 20.000 tỷ đồng sau hơn nửa năm.
Giải tỏa tâm lý khi các cổ phiếu lớn không còn "lau sàn"
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), với việc VN-Index giữ được mốc 1.070 điểm trong tuần giao dịch trước, xu hướng tăng trung hạn của thị trường đã được xác nhận. Thanh khoản tăng trở lại và lan tỏa ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có các nhóm trụ như ngân hàng cho thấy xu hướng hồi phục bền vững hơn của thị trường.
Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Trương Hiền Phương cũng nhận định đợt giảm sâu trong tháng 11 đã là đáy ngắn hạn của thị trường. Ông Phương dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm từ nay đến trước Tết Nguyên đán vào giữa tháng 1/2023, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.100-1.200 điểm. Theo ông Phương, các thông tin xấu đã thẩm thấu hết vào thị trường. Ngược lại, đang có nhiều thông tin tích cực hơn cho giai đoạn tới.
Ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phát đi tín hiệu giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Tại Việt Nam, thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu ổn định dần khi tỷ giá đang được kiểm soát khá tốt, có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi lãi suất cũng chưa có xu hướng tiếp tục tăng.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn là mối quan ngại của nhiều nhà đầu tư, ông Phương đánh giá đã có những tín hiệu cho thấy một số nút thắt sẽ sớm được tháo gỡ. Một số cổ phiếu bị bán sàn liên tục trong thời gian dài như NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt) do sự quan ngại của nhà đầu tư về vấn đề thanh khoản cũng đã được "giải cứu" và tăng trở lại.
Đồng quan điểm, ông Minh cho hay việc một số cổ phiếu bất động sản lớn không còn bị bán giải chấp đã giải tỏa phần nào tâm lý bi quan cho nhà đầu tư. Theo nguyên tắc, các doanh nghiệp phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trước khi thu xếp vấn đề về cổ phiếu đối với cổ đông. Do đó, khi cổ phiếu đã có thanh khoản trở lại, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp đã giải quyết được dòng tiền, vấn đề trả nợ cho trái chủ.
Lực đẩy từ khối ngoại
Một nguyên nhân quan trọng khác giúp chứng khoán Việt Nam hồi phục nhanh trong tuần vừa qua, theo ông Phương, là dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần qua, khối ngoại đã lập kỷ lục mua ròng trên sàn HoSE trong năm nay với giá trị gần 9.200 tỷ đồng.
Với mức định giá hấp dẫn, P/E (định giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) của nhiều cổ phiếu chỉ còn 5-10 lần so với mức bình quân 15-18 lần khi thị trường ổn định, khối ngoại với chiến lược đầu tư rõ ràng trong trung và dài hạn đã tận dụng cơ hội mua vào. Việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trở thành yếu tố tích cực khiến nhà đầu tư trong nước cũng sẵn sàng giải ngân.
"Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đang đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV. Thông thường, quý cuối năm là giai đoạn kinh doanh cao điểm của nhiều doanh nghiệp để hoàn thành kế hoạch năm", ông Phương nhận xét.
Ông Nguyễn Thế Minh cho biết xét về cả điểm số và thanh khoản, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tốt, rủi ro đã giảm. Nhà đầu tư do đó có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trở lại.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDirect - đánh giá nhà đầu tư trong giai đoạn tới sẽ phải chọn lọc hơn để giải ngân khi mức định giá của nhiều cổ phiếu đã không còn hấp dẫn như lúc VN-Index ở dưới ngưỡng 1.000 điểm.
Dòng tiền có thể hướng tới những cổ phiếu cơ bản tốt trong một số nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, điện, các lĩnh vực hưởng lợi từ đầu tư công nhưng đà phục hồi chưa theo kịp đà tăng vừa qua của thị trường.