Tâm điểm
Bích Diệp

Nhìn lại 2022: "Dị biệt" thị trường xăng dầu

"Dị biệt" không phải là cách dùng từ của nhà báo. Đây là nhận xét của lãnh đạo Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia khi nhận xét về thị trường xăng dầu năm 2022. Phát biểu tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tổ chức ngày 15/12, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cũng dùng khái niệm này để nói về thị trường xăng dầu thời gian qua.

Sự dị biệt đó, theo lãnh đạo Petrolimex, đã kéo dài trong suốt giai đoạn 2020-2022 chứ không chỉ một năm trở lại đây. Nếu như ngày 21/4/2020, giá dầu thậm chí -37 USD/thùng thì đến năm 2022, có những lúc xăng dầu lên tới trên 150 USD/thùng và trong một ngày, trồi sụt tăng, giảm tới 10 USD/thùng.

Cùng với diễn biến đó, trong khi các doanh nghiệp thượng nguồn (thăm dò và sản xuất ban đầu của ngành dầu khí) như PVN về đích trước nhiều tháng, thì nhóm công ty xăng dầu hạ nguồn (các đơn vị chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng) như Petrolimex và các công ty kinh doanh xăng dầu lại "đặc biệt khó khăn".

Nhìn lại 2022: Dị biệt thị trường xăng dầu - 1

Trong năm 2022, giá xăng có thời điểm vượt 30.000 đồng, tình trạng khan hiếm cục bộ xảy ra tại một số địa phương (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong một sự kiện khác đã dùng cụm từ "không bình thường" để khái quát về tình hình cung ứng xăng dầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Bước sang đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao trong quý II nhưng  từ quý III giá lại giảm liên tục.

Cách đây vài ngày, tôi trao đổi với một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu lớn và hỏi rằng, cho đến thời điểm này đơn vị đã "ngược dòng" (tên một tuyến bài mà Dân trí đang triển khai) được hay chưa. Anh trầm ngâm cho biết, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.

Với tình trạng doanh nghiệp vừa nhập hàng về đến cảng hoặc lấy hàng từ nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn cập cảng là đã lỗ, dễ hiểu doanh nghiệp sẽ hạn chế rủi ro bằng cách giảm lượng nhập, hoạt động cầm chừng. Hệ quả là lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường bị thiếu hụt (mà theo thống kê, năm nay đã có 3 lần thị trường thiếu hụt nhiên liệu, đỉnh điểm rơi vào tháng 8).

Một mặt hàng có tính chất phổ biến như xăng dầu trở nên khan hiếm, tại nhiều địa phương, các cây xăng phải đóng cửa, báo hết hàng, người tiêu dùng rồng rắn xếp hàng mua xăng. Cảnh tượng đó thật khó có thể tưởng tượng nổi với một đất nước xuất khẩu dầu mỏ và mở cửa ở mức độ sâu rộng như Việt Nam.

Đến đầu tháng 11, một cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh phân phối xăng dầu đã diễn ra với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

"Năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống, dù khó khăn đến đâu, chúng ta cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung" - yêu cầu này được người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh nhiều lần.

Mặc dù cố gắng tăng sản lượng bán ra, nhưng các đơn vị phân phối đã phải thừa nhận, sức chống chịu của doanh nghiệp có giới hạn. Theo đó, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế và đòi hỏi giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Cho đến nay, hàng loạt nguyên nhân được cơ quan điều hành nhận diện: Bên cạnh yếu tố liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu thì còn có tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao, tỷ giá ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh (chủ yếu để nhập khẩu xăng dầu) biến động hàng giờ; các chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng cao. Cùng với đó là những yếu tố như việc tiếp cận nguồn vốn và bảo lãnh tín dụng ngày càng khó khăn; chi phí phát sinh, chi phí thực tế phát sinh chưa được kịp thời cập nhật, phản ánh đầy đủ trong công thức tính giá bán lẻ…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang rà soát lại Nghị định 95/2021/NĐ-CP để có thể bổ sung, sửa đổi theo hướng xác lập những quy định cụ thể hơn đối với hệ thống cung cấp xăng dầu, giữa trách nhiệm của đầu mối kinh doanh với thương nhân phân phối, giữa thương nhân phân phối với đại lý hoặc các nhà bán lẻ là các cửa hàng xăng dầu.

Đồng thời, cũng đang có những ý kiến về việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá, từ 10 ngày xuống còn 5 ngày (không bao gồm ngày nghỉ).

Sau 16 kỳ tăng, 15 kỳ giảm giá xăng suốt năm qua, không phủ nhận những nỗ lực của cơ quan điều hành về việc giảm thuế để kéo giá xăng từ trên 30.000 đồng xuống mức hiện tại, giảm áp lực, gánh nặng chi tiêu với người dân. Hiện tại, nguồn cung xăng dầu giai đoạn cuối năm 2022, trước thềm năm mới 2023 về cơ bản đã thông suốt, không còn tình trạng xếp hàng mua xăng hay các cây xăng báo hết hàng, đóng cửa.

Tuy nhiên, phải xác định rằng, ổn định thị trường xăng dầu là nhiệm vụ lâu dài, thường trực. Xăng dầu là hàng hóa tối quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận dân chúng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự lên xuống của giá xăng dầu cũng tác động lớn đến chỉ số CPI (đo lường lạm phát). Bởi vậy nên, chính sách đóng vai trò lớn, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan chức năng theo đó cũng rất nặng nề. Một khi đã nhận diện được nguyên nhân gây tắc nghẽn thị trường thì cần sự phối hợp cùng tháo gỡ.

Giá xăng dầu cơ bản theo giá thế giới nên rất khó để phân định đắt - rẻ, song về mặt nguyên tắc, cả người bán lẫn người tiêu dùng đều mong có một mức giá trong đó tính đúng, tính đủ chi phí và đương nhiên, lượng hàng hóa phải đáp ứng đủ. Còn nếu thị trường vận hành theo chiều hướng người bán thua lỗ không muốn bán, người mua lúc cần không có để mua, hoặc phải gánh thuế phí quá lớn… thì khó tránh khỏi trục trặc.

Hi vọng rằng, qua những biến động mạnh của thị trường trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã rút được những kinh nghiệm trong điều hành, thiết lập chính sách để từ đó, thị trường xăng dầu trong năm 2023 sẽ ổn định hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh, phát triển.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!