Nhân chuyện sáng ra Hà Nội ăn trưa, chiều về Cửa Lò tắm biển
Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh, nhiều bạn ở Nghệ An hào hứng với viễn cảnh: Sáng từ Vinh ra Hà Nội ăn trưa, uống cốc cà phê, chiều về tắm biển cửa Lò.
Niềm hào hứng này cũng giống như trước đây anh em Hà Nội buổi trưa nổi hứng rủ nhau đi Hải Phòng ăn bánh đa cua và anh em TPHCM cuối tuần lái xe đưa gia đình đi Phan Thiết tắm biển. Toàn những chuyện mà ngày trước có nằm mơ cũng không có!
Đó là những sự hào hứng dựa trên cơ sở hạ tầng. Mới nhất cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thông xe dịp 2/9, rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ chạy xe liên tục thay vì 5 đến 6 tiếng như trước.
Tôi nhớ lại cách đây đã nhiều năm, có hôm 4h30 chiều vẫn ở công ty, thế mà tối đã ở Hạ Long ăn tối và trao đổi công việc với một đối tác, sau đó còn thêm 2 chầu cà phê với 2 nhóm đối tác khác. Sáng hôm sau, đầu giờ sáng một cậu đồng nghiệp gặp tôi ở hành lang "Ơ, sao bảo hôm qua anh đi công việc ở Hạ Long cơ mà", tôi trả lời "anh đi rồi, đã xong việc, về ngay khuya hôm qua rồi".
Rõ ràng hạ tầng giao thông là đặc biệt quan trọng, nó làm thay đổi rất nhiều thói quen làm việc của doanh nhân cũng như thói quen sinh hoạt, đi lại nghỉ dưỡng của người dân, góp phần đặc biệt quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về đầu tư cho hạ tầng giao thông. Chính phủ quyết liệt trong việc triển khai các dự án đường cao tốc, các dự án xây sân bay, nhà ga và các dự án giao thông đô thị ở Hà Nội, TPHCM. Tôi tin rằng chỉ 3 năm nữa thôi bộ mặt đất nước sẽ thay đổi rất nhiều.
Về đường cao tốc Bắc Nam, trên toàn quốc đã đưa vào khai thác trên 1.000km, đang thi công trên 800km và theo kế hoạch thì cuối năm 2025 sẽ chạy liền một mạch 2.063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Chưa hết, chúng ta còn đang thi công và trong vòng 2-3 năm tới sẽ đưa vào vận hành cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 191 km, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh 30 km, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 54 km, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột 130 km, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu 145 km, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km.
Về sân bay, chúng ta vừa khánh thành sân bay Phú Bài Huế (được nhiều người khen là sân bay đẹp nhất Việt Nam) và vừa khởi công Sân bay Long Thành (nhà ga T1 công suất 25 triệu hành khách năm, quý IV/2026 hoàn thành) và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (công suất 20 triệu hành khách/năm, quý II/ 2025 khánh thành). Chưa hết, bên cạnh đó còn các sân bay Phan Thiết, Điện Biên và Quảng Trị…
Về hạ tầng giao thông đô thị TPHCM, cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2) mới đưa vào vận hành, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ vận hành vào đầu năm 2024, đường vành đai 3 đã khởi công và hoàn thành vào năm 2026, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 và Thủ Thiêm) và đường vành đai 4 cũng đã có kế hoạch triển khai.
Về hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy 2 vừa khánh thành, đường vành đai 4 và vành đai 2.5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng vừa khởi công (năm 2027 sẽ hoàn thành). Sau tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đầu 2024, tiếp theo là cầu Trần Hưng Đạo và cầu Tứ Liên.
Tất nhiên là hệ thống metro, đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM làm quá chậm, lẽ ra Hà Nội, TPHCM phải có ít nhất 3 tuyến metro - đường sắt đô thị hoạt động rồi thì mới đúng kế hoạch và đáp ứng kịp sự phát triển của thành phố cũng như mong mỏi của người dân.
Hy vọng tới đây hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước sẽ làm quyết liệt hơn, giống như Chính phủ quyết liệt trong việc triển khai các dự án cao tốc quốc gia và sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất. Và những sự hào hứng với hạ tầng giao thông sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Ngoài ra, để tăng tốc đầu tư các dự án hạ tầng trong bối cảnh ngân sách nhà nước hữu hạn thì nên đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc BOT, giống như các dự án sân bay quốc tế Vân Đồn, các đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái đã làm trong các năm trước đây.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!