Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10

Sơn Nguyễn Hoàng Hồng

(Dân trí) - Trong dòng người đông đúc xuyên đêm xếp hàng trước cổng Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) từ nửa đêm có cả cụ bà 68 tuổi vì lo lắng hai cháu sinh đôi "thất học" ở tuổi 15.

0h38 ngày 5/7, hơn 100 phụ huynh vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống, xuyên đêm xếp "lốt" chờ trời sáng để nộp hồ sơ cho con cháu.

Hà Nội: Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm cố giành suất học lớp 10 cho con (Video: Nguyễn Sơn).

Một người cho biết, có hơn chục phụ huynh vào được bên trong trường từ chiều tối và "cố thủ" trong đó. Bộ phận văn phòng của nhà trường dường như cũng không rời trường.

Dù giữa đêm, trời vẫn oi nồng. Giữa thời tiết ấy, sự đông đúc và mùi cống rãnh làm không khí trước cổng trường Hoàng Cầu thêm ngột ngạt. Thấy phụ huynh xếp hàng đông, bảo vệ ở trường và những gia đình sống quanh khu vực mang ghế và quạt ra hỗ trợ, giúp các phụ huynh xếp hàng đỡ bức bối trong lúc chờ đợi.

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 1

Rất nhiều phụ huynh trong đám đông đã ngồi đây xếp hàng từ 19h tối 4/7 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Một số phụ huynh quá mỏi mệt nhờ người nhà mang chiếu cói ra trải xuống nền đường để nằm chợp mắt. Số khác chạy về nhà thay quần áo dài tay, xỏ tất chân để tránh bị muỗi cắn.

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 2

Nhiều phụ huynh nhờ người nhà mang chiếu tới để ngả lưng cho đỡ mỏi (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 3

Đoàn người vạ vật chờ đợi được người dân xung quanh và bảo vệ nhà trường hỗ trợ quạt điện, nước uống (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Các phụ huynh truyền tay một cuốn sổ tự phát, ghi danh sách theo thứ tự người đến trước để sáng hôm sau làm "bằng chứng xếp hàng" gửi trường.

Là một trong những người có mặt tại đây từ 19h hôm trước, chị Nguyễn Thị Hiên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do thấy các trường dân lập như Phan Huy Chú phụ huynh xếp hàng từ rạng sáng mà vẫn "tuột chân" nên chị quyết định đi luôn sau bữa ăn tối.

Trước đó, chị nhận được thông báo, Trường THPT Hoàng Cầu sẽ phát phiếu đăng kí nộp hồ sơ xin học từ 6h sáng 5/7. Con chị Hiên được 37 điểm. Từ khi con thi xong, tự dự tính điểm sàn năm nay sẽ cao nên từ lâu, chị Hiên đã đăng kí hồ sơ ở trường Hoàng Cầu. Chỉ chờ thông tin chính thức từ trường, hôm nay, chị mang theo hồ sơ đến nộp.

Xếp hàng đêm vất vả, áp lực nhưng chị Hiên cười xòa, đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, cũng quen với áp lực kéo dài từ lúc con chuẩn bị thi vào lớp 10. 

"Xung quanh đây, trường thì ít mà chung cư nhiều, số lượng học sinh lớn trong khi trường không xây thêm. Kể như cấp 3 thì để các con học xong rồi đi học nghề cũng được chứ giờ mới 14-15 tuổi, để "đứt học" thì các con biết làm gì", chị Hiên phân trần. 

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 4

Cả trăm phụ huynh dõi mắt vào phía trong dù còn 6 tiếng nữa cổng trường Hoàng Cầu mới mở (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Người mẹ mấy lần gọi điện kể với con về cảnh xếp hàng. Nói với con qua điện thoại, chị giục con đi ngủ sớm và động viên con: "Ở đây có mẹ lo rồi".

Bà Nguyễn Thị Tuyết (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) năm nay 68 tuổi, cũng có mặt trong đám đông để xếp hàng chờ nộp hồ sơ cho hai cháu nội sinh đôi. Cả ngày 4/7 bà đi làm thuê ở quán phở trong ngõ Thịnh Hào 2, tối về chỉ kịp ăn uống qua loa và nghỉ ngơi một chút rồi ra "xí chỗ", xếp hàng.

"Con dâu tôi đến đây nghe ngóng từ 14h chiều. Gần 20h tối thì cả nhà sốt ruột quá, tôi mới đến đây xếp hàng. Các con tôi đều đi làm đêm nên tôi ra đây đỡ cho con. Chưa bao giờ tôi phải đi xếp hàng và chứng kiến cảnh xếp hàng xin học thế này, thương các cháu quá", bà Tuyết cảm thán.

Trường THPT Hoàng Cầu hoạt động theo mô hình công lập tự chủ tài chính từ năm 2012. Theo công bố của nhà trường, trường tuyển sinh 496 chỉ tiêu lớp 10 cho năm học 2023-2024. Tuy nhiên, trường không đưa ra điều kiện điểm chuẩn, cũng không thông báo về cách thức xét tuyển. Các phụ huynh đều không biết trường lấy điểm từ cao xuống thấp hay lấy theo thứ tự hồ sơ nộp sớm.

Bà cho biết thêm hai cháu nội học cấp 2 tại Trường THCS Nguyễn Du, ngày nào bố mẹ cũng phải đưa đón vất vả. Sau khi hai cháu trượt nguyện vọng 1, bà Tuyết quyết tâm phải đăng ký bằng được vào Trường THPT Hoàng Cầu để các cháu vừa có chỗ học ổn định, không phải đi xa.

"Bằng giá nào cũng phải có chỗ học cho cháu, thức xuyên đêm tôi cũng không ngại", bà Tuyết bày tỏ.

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 5

Hàng trăm phụ huynh đứng dàn hai bên vỉa hè trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trường THPT Tạ Quang Bửu năm nay tuyển sinh theo ba hình thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Với hình thức xét tuyển thứ ba, trường đưa ra mức điểm chuẩn 38,5. 

Tuy nhiên, trường không cho biết cụ thể chỉ tiêu xét tuyển. Theo thông báo đưa ra ngày 2/7, trường nhận hồ sơ từ 8h sáng ngày 5/7 và dừng tiếp nhận khi đủ chỉ tiêu.

Cùng thời điểm, tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, không khí cũng "nóng" không kém. Số phụ huynh tới cổng trường xếp hàng chờ nộp hồ sơ đã lên tới hàng trăm người. 

Chị Q.T.T.A có mặt tại đây lúc 1h sáng, lo lắng vì không biết có còn "số" hay không.

"Làm ca về khá mệt nhưng thương các con, tôi cũng ăn vội ăn vàng rồi ra đây xếp hàng vì không biết trường mở cổng nhận hồ sơ lúc nào. Tôi đến muộn, không biết còn đến lượt con mình hay không".

Nửa đêm phụ huynh quây trường Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu giành suất học lớp 10 - 6

Nhiều phụ huynh đến trường từ 1h sáng đã lo lắng hết "số" nộp hồ sơ (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Phóng viên Dân trí tiếp tục thông tin về sự việc.

 "Các con rất tội. Nhiều con đạt 39, 40 điểm, tức gần 8 điểm mỗi môn, nghĩ không thể trượt nhưng cuối cùng vẫn không đậu. Con nhà tôi mới hỏi mẹ là liệu con có được nhận vào trường không. Nghe con hỏi mà tôi đau nhói.

Cùng trường con tôi, một bạn sau khi biết điểm chuẩn chỉ đỗ nguyện vọng 3, nghĩ quẩn bỏ nhà đi, cắt liên lạc với gia đình, may hết ngày thì tỉnh ra.

Nguyện vọng của tôi là mong có đủ trường cho tất cả các con, không học sinh nào không có chỗ học lớp 10 nếu có nhu cầu.

Các con vẫn chỉ là những đứa trẻ 14, 15 tuổi. Không thể "thải" các con khi bản thân trẻ có năng lực học tập khá, thậm chí tốt, có nhu cầu học tập cao, nhưng chỉ vì trường đăng ký nguyện vọng lấy điểm chuẩn quá cao mà mất cơ hội học THPT", chị Nguyễn Thị Hiên (Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm