Tâm điểm
Vân Thiêng

Nghỉ lễ và quyền lợi của người lao động

Hàng triệu công nhân, người lao động Việt Nam hôm nay đang bước vào ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày. Nghỉ mà vẫn được nhận lương. Đó không chỉ thể hiện việc tuân thủ pháp luật mà hơn thế nữa, còn là cách để duy trì mối quan hệ bình đẳng về lao động và hưởng thụ - một trong những mục tiêu quan trọng mà giai cấp công nhân trên thế giới phải kiên trì đấu tranh với giới chủ để giành được từ gần 140 năm trước.

Ngày Quốc tế lao động 1/5 vì thế mà đã trở thành ngày tôn vinh lao động và đoàn kết giai cấp công nhân, đoàn kết giai cấp công nhân với các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp. Và một trong những quyền cơ bản của con người là được lao động, được trả lương và được đối xử công bằng.

Nghỉ lễ và quyền lợi của người lao động - 1

Công nhân "nhuộm" đỏ xưởng sản xuất mừng lễ Quốc khánh 2/9/2024 (Ảnh: Hoàng Lam)

Trên hành trình theo đuổi lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để biến điều ấy thành sự thực. Đó không chỉ đơn giản là một chính sách, mà đã thực sự là tư tưởng, là triết lý vận hành của nhà nước cách mạng do chính những công nhân, người lao động đã đổ xương máu đứng lên giành lấy từ tay giai cấp bóc lột.

Không lâu sau ngày độc lập, ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 56 quy định về quyền hưởng lương của công nhân trong ngày nghỉ lễ lao động. Cụ thể: Công nhân làm việc tại công sở, tư sở và xí nghiệp trên toàn quốc được nghỉ lễ và hưởng nguyên lương một ngày; nếu công việc không thể gián đoạn, công nhân trực ca sẽ được hưởng lương gấp đôi; những công nhân ăn lương tháng mà phải đi thường trực thêm tiền phụ cấp về ngày ấy, sẽ tính là 1/25 số lương tháng; nếu ngày 1/5 trùng Chủ nhật, công nhân chỉ được hưởng lương theo hợp đồng hoặc nội quy cho phép. Nhưng những công nhân nào phải đi thường trực ngày ấy thời cũng được lĩnh lương gấp đôi; những công nhân làm khoán tính kiện ăn công thì số lương ngày nghỉ ấy sẽ tính theo số lương trung bình đã lĩnh hàng ngày trong 7 hôm trước ngày 1/5.

Điều quan trọng là Sắc lệnh 56 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 29/4/1946 đã quy định, công nhân sẽ được hưởng lương trong ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Đây là một văn bản quan trọng trong việc công nhận và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước vừa trải qua nạn đói năm 1945 và phải đối mặt với thù trong giặc ngoài.

Mang tinh thần đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp cần lao, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sớm công nhận và thực thi những điều ước mang tính quốc tế về lao động. Tinh thần của văn bản này vẫn có giá trị pháp lý trong bối cảnh hiện tại, khi ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành một ngày lễ chính thức được quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019. Bộ Luật Lao động cũng quy định đầy đủ về các ngày nghỉ lễ khác và cụ thể hóa các nguyên tắc bảo vệ người lao động một cách toàn diện.

Nhắc lại điều này để thấy rằng, thực hiện đúng pháp luật về lao động là một phần không thể thiếu, một chỉ dấu về sự văn minh, tiến bộ của xã hội biết tôn trọng quyền con người, lấy con người làm trung tâm, xem con người là nguồn lực phát triển của quốc gia.   

Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật về lao động của chúng ta cũng dần hoàn thiện. Chính sách tiền lương luôn được ưu tiên thực hiện hàng đầu. Tiền lương không chỉ để người lao động đủ sống mà phải thể hiện được tinh thần khuyến khích sáng tạo. Ai sáng tạo, cống hiến nhiều, sẽ được trả lương cao hơn. Không làm được điều ấy, là đánh mất động lực của quá trình sản xuất và nền kinh tế tất yếu bị ngưng trệ. Không chỉ vậy, tiền lương không thích hợp còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham ô, tham nhũng - căn bệnh nguy hiểm mà Đảng, Nhà nước ta luôn quyết tâm trừ diệt.

Không chỉ đáp ứng quyền lợi vật chất, hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta luôn được cải tiến theo hướng mở rộng, vận dụng linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tinh thần của người lao động. Ngay như đợt nghỉ lễ này, ngày làm việc cũng được hoán đổi hợp lý để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục, có thể cùng gia đình tổ chức các hoạt động nghỉ ngơi, du lịch, thăm thân... góp phần tái sản xuất sức lao động, kích thích kinh tế du lịch phát triển.  

Ngày Quốc tế lao động 1/5 là ngày để nghĩ và hành động về công nhân và người lao động. Làm sao để họ có việc làm, có thu nhập. Không chỉ đủ sống mà phải có cuộc sống ngày càng tốt hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa.   

Có thể thấy, đông đảo công nhân, người lao động hiện nay còn phải đối diện với nhiều khó khăn về chỗ ở, chỗ học cho con cùng nhiều khoản chi phí chính thức và phi chính thức khác. Ai cũng muốn nghỉ ngơi để giữ sức khỏe, dành thời gian cho bản thân, gia đình, nhưng nhiều người vẫn phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Ai cũng muốn có đời sống tinh thần phong phú, nhưng khi đồng lương chưa đảm bảo đời sống vật chất, thì việc ấy đành gác lại.

Làm gì để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động là trách nhiệm của nhà nước và xã hội. Tạo ra một môi trường lao động tiên tiến, nhiều chất xám, giá trị ngày công cao là cách mà các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác đã và đang làm. Việt Nam đang quyết tâm thoát bẫy thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao, tất yếu không thể không tham khảo kinh nghiệm của họ.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không đơn giản là để gọn đầu mối, tinh giản biên chế mà phải thực sự là cuộc cách mạng về tư duy quản trị, mở ra không gian phát triển mới; cái gì không hợp thời, không mang lại lợi ích thiết thực, cần phải mạnh dạn từ bỏ, nguồn lực của đất nước phải được đầu tư đúng nơi đúng chỗ, tạo ra nhiều việc làm, nhiều cơ hội học tập, lao động và cống hiến cho người dân. Giá trị sức lao động của họ phải được đền đáp, phải được quay trở lại phục vụ cho chính họ, chứ không phải để chi dùng cho những việc hình thức, vô bổ khác.

Ngày Quốc tế lao động 1/5, chỉ xin được nói lên ước nguyện bình thường của cá nhân tôi - một người lao động, và chắc là cũng của những công nhân, người lao động khác: được chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và có cuộc sống, việc làm, tiền lương, thu nhập ngày càng tốt hơn.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!