Tâm điểm
Trần Huy Ánh

Mừng hay lo khi huyện lên quận?

Hà Nội có chủ trương xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận trong giai đoạn đến năm 2025, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì. Trong diễn biến mới nhất, thành phố đã giao 5 huyện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án lên quận để trình cấp có thẩm quyền.

Là một công dân thủ đô, tôi vui mừng với sự phát triển đô thị và hy vọng rằng cùng với đó đời sống của đa số người dân sẽ được cải thiện, được nâng lên. Tuy nhiên sự phát triển đô thị khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay đặt ra nhiều vấn đề và cần được kiểm soát tốt, để không sa lầy vào mô hình phát triển tự phát như "vết dầu loang" - đô thị cứ lớn dần từ trong đẩy ra ngoài lộn xộn và để lại những hệ quả tiêu cực hơn là tích cực.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rất nhiều đô thị phát triển thiếu kiểm soát và đến nay hầu như không thể khắc phục được, hoặc muốn khắc phục thì phải cần đến nguồn lực khổng lồ. Manila của Philippines là một ví dụ. Đây vốn là thành phố cảng nằm bên vịnh biển và cứ phát triển theo "vết dầu loang", dần trở thành một đại đô thị không có ngoại ô. Nông dân không còn đất làm nông nghiệp nữa, tràn vào thành phố bán hàng rong và làm đủ các việc không tên. Ngày nay, siêu đô thị Manila có hơn 11 triệu người, tình trạng kẹt xe, ngập nước, khu ổ chuột… đã trở nên nan giải.

Trở lại với Hà Nội, thời gian qua chúng ta nghe nói nhiều về các định hướng phát triển đô thị ở Thủ đô. Ngoài 5 huyện lên quận còn có xây dựng các đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn); rồi xây dựng 2 thành phố trực thuộc, một thành phố ở phía Bắc sông Hồng (gồm Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) và thành phố ở phía Tây, thuộc khu vực Hòa Lạc (Quốc Oai, Thạch Thất)…

Trong các định hướng trên, có những nội dung không thấy đề cập trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 cách đây 11 năm . Đáng lưu ý là sau những đồn thổi tràn lan thì lại đi kèm tin tức về những cây cầu sẽ xây, kết nối với các khu bất động sản hay những tuyến đường mới đi qua các đại đô thị thương mại đang ế ẩm, các thành phố trong lòng thành phố loang lổ những mảnh ruộng hoang đã ngăn rào chia lô… Những viễn cảnh được lan truyền bằng ngôn ngữ khá mơ hồ mà không có lập luận phân tích hay khảo sát tin cậy.

Cần lưu ý rằng để hoàn thành đề án lên quận, không phải chỉ trên giấy tờ văn bản và chữ ký, con dấu là xong. Các huyện phải đạt được 2 nhóm tiêu chí (gồm 27 tiêu chí để huyện thành quận; 15 tiêu chí để xã thành phường) và nguồn lực để thực hiện các đề án được đánh giá là khó khăn trong bối cảnh hiện nay. 

Hơn nữa, "lên quận" không phải sau một đêm bằng một quyết định hành chính, mà phải là quá trình chuyển đổi và sẵn sàng của bộ máy hành chính trong việc xử lý các vấn đề đô thị, về phát triển kinh tế trên địa bàn, về giao thông, thoát nước, phòng cháy chữa cháy… Tất cả đều khác với giai đoạn quản lý địa bàn nông thôn.

Vậy nên, chúng ta không nên ôm đồm quá nhiều mục tiêu, sẽ dẫn đến định hướng nhiều mũi nhọn như  "gai mít" tiêu tán nguồn lực , tài nguyên, phát triển tùy tiện mất kiểm soát. Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, nhưng "nếu dàn hàng ngang thì khó thành công". Vì thế, thành phố sẽ hỗ trợ và quyết tâm đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2023.

"Không dàn hàng ngang" là đúng. Nhưng theo tôi ngay cả định hướng này cũng cần làm rõ đặc thù của 2 huyện nông nghiệp sẽ là quận có chuyển đổi vành đai xanh quanh các khu dân cư tập trung, tạo thành đặc thù đô thị sinh thái xanh bao quanh các hạt nhân đô thị và làng xóm hiện hữu được nâng cấp hạ tầng theo chuẩn đô thị…, hay đưa cả huyện thành một quận đô thị mầu xám, loang lổ các dự án bất động sản vây kín?.

Vấn đề tiếp theo, đằng sau câu chuyện huyện lên quận thường là những cơn sốt đất tưởng sẽ mang lại lợi ích cho người dân địa phương, nhưng hậu họa cả trước mặt và lâu dài là khôn lường. Bên cạnh những vấn đề vĩ mô như tiền đổ vào bất động sản quá nhiều, làm mất cân đối tổng nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là công dân mới trong các khu bất động sản mới ấy?. Không lẽ Hà Nội tiếp tục là cực hút nhân khẩu của tất cả các địa phương lân cận? Vậy nguồn nhân lực cho các địa phương đó sẽ tiếp tục hút từ đâu?.

Một vấn đề khác không thể không nói đến là chuyển đổi việc làm cho người dân mất đất ruộng, mất sinh kế trong quá trình đô thị hóa như thế nào?. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp xã lên phường, huyện lên quận, người dân cầm một cục tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong quá trình đô thị hóa rồi tiêu xài, tệ nạn, cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Biết bao bài học bộ máy mất cán bộ, người dân mất tình cảm gia đình, làng xóm vì sốt đất.

Một cộng đồng nông thôn bao quanh đô thị Hà Nội đã chứng minh sức mạnh nội sinh có khả năng chống chịu trước dịch bệnh, kinh tế suy thoái và tối ưu hóa bù đắp sự thiếu hụt năng lượng cũng như thực phẩm, cân đối dòng chảy tuần hoàn vật chất tốt hơn so với TPHCM hay Đà Nẵng… Chúng ta cần lưu ý để quá trình đô thị hóa không làm mất đi sức mạnh này của Hà Nội.

Không phải tự nhiên mà vừa qua Sở Nội vụ TPHCM cho biết chưa có chủ trương chính thức xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc. Cụ thể UBND TPHCM đã chỉ đạo chính quyền các huyện đẩy nhanh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, lập chương trình phát triển đô thị, khắc phục, nâng cao các tiêu chí chưa đạt để xây dựng đề án đưa các huyện lên quận hoặc thành phố…

Tuy nhiên, Sở Nội vụ TPHCM nhấn mạnh, các đề án đang trong quá trình xây dựng, việc giải quyết vấn đề tồn tại cần nhiều thời gian. TPHCM chưa có chủ trương chính thức xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM. Theo cơ quan này, việc công bố sớm lộ trình đưa các huyện lên quận hoặc thành phố dễ dẫn đến tình trạng "mua bán đất ào ào, không tốt cho người dân". Điều đó dẫn đến hậu quả là đất tăng giá nhưng chất lượng cuộc sống người dân không tăng.

Cách làm của TPHCM đáng để tham khảo trong bối cảnh Hà Nội cũng đang xây dựng các đề án huyện lên quận. Chính quyền nên lắng nghe những lập luận được tranh biện một cách khoa học và đưa ra các đề án, các lý do chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị thật sự thuyết phục, để qua đó giảm tính tiêu cực của thị trường  

Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!