Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Liều vaccine và viên thuốc ở xã nghèo

Tham gia đoàn công tác lên một số tỉnh miền núi, tôi chứng kiến những bất hợp lý của công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch rất cần có giải pháp khắc phục.

Chuyến đi gần đây, tôi cùng đoàn công tác lên khám bệnh ở một xã nghèo thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, được trò chuyện với ông trạm trưởng và nhận thấy một vấn đề chắc không xảy ra riêng tại địa bàn tỉnh này.

Là xã khó khăn nên Tân Lạc được cấp ngân sách xây mới trạm y tế rất khang trang, nhân lực 7 người cũng gọi là đủ nhưng hoạt động không hề mấy khởi sắc. Ở ngoài nhìn vào thì khuôn viên nhà cửa đẹp song "nội thất" bên trong chẳng có gì.

Mỗi bệnh nhân đến khám ở trạm y tế xã Tân Lạc chỉ được phát thuốc trong danh mục hạn chế theo phân tuyến, nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự đi khám ở tuyến trên về, ra trạm nhận thuốc thì trạm không có thuốc như vậy để cấp.

Liều vaccine và viên thuốc ở xã nghèo - 1

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và các thành viên trong đoàn công tác cùng nhân viên y tế địa phương khám bệnh cho người dân ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: CTV)

Bệnh nhân nghèo thông thường sẽ bỏ đơn thuốc đắt tiền, quay lại với thuốc có trong danh mục của xã. Người có điều kiện hơn thì quay lại tuyến tỉnh/trung ương tái khám hoặc gửi mua thuốc. Việc nhờ người khác mua thuốc rồi gửi về xã rất tốn kém và bất hợp lý với các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Cá biệt, tôi gặp một bác bị tai biến mạch máu não đang dùng đơn thuốc của bệnh viện Bạch Mai, không có điều kiện tái khám nên bác nhờ con gái mua ở Hà Nội rồi gửi về. Hàng tháng bác ra xã lĩnh thuốc bảo hiểm và uống luôn cả 2 đơn! Xem 4 loại thuốc của cả 2 đơn thấy giống hệt nhau, chỉ khác là hàng chính hãng và hàng generic (bản sao của thuốc biệt dược), vậy là bệnh nhân đã dùng gấp đôi liều. Bệnh chưa chữa được đến đâu nhưng e rằng bệnh nhân chuốc lấy cái tác dụng phụ của "lắm thầy thối ma".

Trước đó, trong chuyến công tác Hà Giang, tôi vừa lên đến nơi thì nhận một tin đầy lo lắng khi dịch bạch hầu bùng phát ở huyện Mèo Vạc và các huyện lân cận. Hơn 100 ca mắc bệnh chủ yếu là trẻ em và thanh niên, đã có ca tử vong vì diễn biến quá nhanh.

Hệ thống phòng dịch được khởi động, sự nhiệt huyết của nhân viên y tế dự phòng vẫn còn nguyên nhưng nói đến mua sắm phòng dịch ai cũng "lắc đầu lè lưỡi". Điều này rất dễ hiểu vì tòa án ở Hà Giang vừa xử vi phạm liên quan vụ Việt Á với bản án rất nặng…

Trong bối cảnh như vậy, rất may là lãnh đạo tỉnh quyết đoán. Bí thư Tỉnh ủy bỏ cuộc họp ở tỉnh khác lộn ngược về ngay trong đêm; Chủ tịch tỉnh quyết ngay tại một cuộc họp để chỉ định thầu mua vaccine tiêm phủ  vùng dịch.

Nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh và nếu có vaccine kịp thời, dịch bạch hầu sẽ sớm được dập tắt ở Hà Giang. Tuy nhiên, nghĩ về tương lai nếu những dịch bệnh phức tạp khác bùng phát thì tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra, vì suy cho cùng phòng, chống dịch là công việc của lực lượng y tế, nếu việc mua sắm phòng dịch thực hiện theo cách "thà an toàn còn hơn" thì rất khó đáp ứng yêu cầu trong những tình huống khẩn cấp.

Với người dân đô thị chuyện tiếp cận cơ sở y tế, thuốc chữa bệnh, vaccine… phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kinh tế, hoàn toàn không có rào cản về địa lý. Đơn cử, để tiêm phòng bạch hầu thì người dân đô thị có thể ra phường hỏi thông tin hoặc đơn giản hơn là đến cơ sở tiêm dịch vụ nơi gần nhất. Đây là điều không thể với người dân ở xã nghèo miền núi.

Rõ ràng, quy trình phòng chống dịch bệnh mới nổi trong thời kỳ hậu Covid cần được sớm ban hành và áp dụng trong cả nước, qua đó nâng cao năng lực phòng chống dịch hơn nữa cho các tỉnh miền núi, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cơ chế mua sắm phòng dịch cần công khai, minh bạch và cũng rất cần kịp thời, không trở thành rào cản về hành chính.

Còn về giải quyết bài toán sử dụng thuốc ở tuyến thấp nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của người dân, tôi cho rằng cần mở rộng danh mục các thuốc được sử dụng ở tuyến xã. Không có lý nào cùng một người bệnh bị phân biệt về thuốc ở các tuyến khác nhau. Các trung tâm y tế huyện cũng nên rà soát danh mục thuốc cập nhật để có thuốc tốt cho bệnh nhân của mình.

Nên chăng chúng ta cho mở nhà thuốc tại trung tâm y tế để cung cấp những thuốc ngoài danh mục cấp phát, qua đó tạo cơ chế phục vụ những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chính hãng. Ở đây cần cơ chế thống nhất, đặc biệt là giá mặt bằng được phép cho thuê làm nhà thuốc.

Trước đây tôi đã thăm một số trạm y tế xã, phường có mô hình này hoạt động khá hiệu quả, nhưng bị dừng lại vì chưa có cơ chế cho sử dụng diện tích công để tư nhân hoặc bản thân các nhân viên trạm thuê làm nhà thuốc.

Công khai, minh bạch là cơ chế tốt nhất để phục vụ nhu cầu của người dân và nâng cao thu nhập của nhân viên y tế.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!