Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Lái xe không được mang dép lê?

Thực ra câu nói đúng là "lái xe không nên mang dép lê" - "không nên" chứ không phải "không được", vì hiện chưa có quy định nào ngăn cấm. Tuy nhiên vụ tài xế tông 17 xe máy ở Hà Nội mới đây một lần nữa cho thấy các tài xế rất nên chú ý đến điều này.

Lúc 17h ngày 5/4, tại nút giao Võ Chí Công - đường Xuân La, tài xế điều khiển ô tô 5 chỗ đến nút dừng đèn đỏ, xe ô tô bất ngờ di chuyển với tốc độ cao tông thẳng vào đám đông 17 xe máy, làm nhiều người bị thương nặng, trong đó có cháu bé 3 tuổi. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế đạp nhầm chân ga. Người đàn ông 63 tuổi đã giám định sức khỏe hoàn toàn bình thường, không mắc bệnh tim mạch, xét nghiệm không có nồng độ cồn và ma túy.

Vậy nhưng tai nạn vẫn xảy ra!

Là người đã lái xe 15 năm trời, thay đổi 4 đời xe mới đủ nhãn hiệu, thường xuyên lái đường trường và lái cả những cung đường rất khó, tôi hiểu rằng lái xe quan trọng nhất là phản xạ có điều kiện.

Ở đây tôi không đề cập đến trường hợp tài xế xe 5 chỗ nêu trên, vì sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tôi muốn bàn đến một thực tế mà tôi quan sát được, đó là nhiều người học lái xe bì bõm sai nhiều hơn đúng, đơn giản nhất là chỉnh khoảng cách ghế họ cũng sai, tư thế ngồi và cách đặt tay lên vô lăng cũng sai, chưa nói đến những kĩ thuật và kĩ năng rất quan trọng khác đều sai hết, vì thế mới xảy ra chuyện "đạp chân phanh nhầm thành chân ga".

Lái xe không được mang dép lê? - 1

Chiếc xe ô tô gây tai nạn liên hoàn với 17 xe máy (Ảnh: H.T.)

Lỗi đạp nhầm ga rất nguy hiểm. Nếu bạn từng lái xe sẽ hiểu, khi có thói quen đặt chân lên bàn đạp phanh, bàn chân của bạn sẽ hình thành "trí nhớ cơ bắp" và bạn có thể đạp phanh ngay khi gặp phải điều gì đó, nhưng tất cả chỉ là khi não của bạn tỉnh táo và không phải trong trường hợp khẩn cấp.

Tình huống khẩn cấp sẽ rất khác. Có những trường hợp não chỉ huy phải đạp phanh, nhưng vì quá gấp nên chỉ huy nhầm thành đạp chân ga, tức là phản xạ có điều kiện sai, dẫn đến hiện tượng đạp nhầm chân ga như đạp phanh, thế là tai nạn xảy ra.

Ví dụ khác rất hay gặp, nhiều người trong quá trình lùi đạp nhầm chân ga, nguyên nhân thực ra rất đơn giản. Đầu tiên là do khả năng định vị không gian kém nên kĩ năng lùi không tốt. Thứ hai, tốc độ xe chậm trong quá trình lùi nên cần phải đạp nhẹ ga để tăng tốc, đến khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc đơn giản là phải đạp phanh, não chỉ huy đạp phanh nhưng lại chỉ huy nhầm thành đạp chân ga do phản xạ có điều kiện bị sai, thế là xe tăng tốc đột ngột, thảm họa sau đó vài giây.

Bình thường không ai dùng chân ga làm chân phanh, sự nhầm lẫn chỉ xảy ra trong trường hợp khẩn cấp, khi đó thì hậu quả khôn lường.

Chính vì vậy, tư thế chân rất quan trọng, giúp phát triển trí nhớ chính xác, tạo phản xạ có điều kiện đúng, bất kể tình huống khẩn cấp nào xảy ra cũng sẽ không bị nhầm, các tài xế cần rèn luyện tư thế chân đúng ngay từ buổi đầu đi tập lái xe.

Trở lại với vụ ô tô tông 17 xe máy, tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn ở nút giao Võ Chí Công, hình ảnh clip hiện trường cho thấy, người đàn ông bước ra khỏi xe với đôi dép lê. Mọi người còn nhớ vụ tai nạn xảy ra vào 7h sáng ngày 20/11/2019, tại cầu Hòa Mục hướng Lê Văn Lương đi Láng Hạ (Hà Nội), khiến 1 người tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương, 5 phương tiện bị thiêu rụi trong đó có chiếc Mercedes. Tại cơ quan công an, người phụ nữ gây tai nạn đã khai đi giày cao gót, đạp nhầm chân ga mất kiểm soát.

Đi giày đế phẳng lái xe là an toàn nhất. Bởi vì, đi giày đế phẳng sẽ tăng size chân giúp cho cố định gót chân và tiếp cận bàn chân với bàn đạp phanh và bàn đạp ga được dễ dàng, góc bàn chân phù hợp với chi tiết thiết kế xe, cảm nhận của bàn chân cũng tốt nhất. Giày không bị tụt, không bị vướng mắc, không bị kẹt. Giày cũng tăng ma sát, không bị trơn trượt, đặc biệt là giày thể thao lái xe thuận lợi và an toàn.

Đi dép lê và giày cao gót rất nguy hiểm khi lái xe. Do kích thước của dép lê không bằng giày, cảm nhận chân không tốt, dép dễ bị tuột gây kẹt phía dưới bàn đạp, quai dép dễ móc vào bàn đạp, ma sát không tốt nên dễ bị trượt, đi dép khó tạo lực chắc chắn và ổn định như giày.

Đi giày cao gót tương tự như lái xe ở tư thế "kiễng chân". Rõ ràng với giày cao gót, thì gót chân không chạm sàn, nên không thể thực hiện các động tác chân chính xác. Cảm giác chân cũng rất kém. Giày cao gót dễ bị kẹt. Về cơ bản, cả dép lê và giày cao gót đều dễ bị phân tâm khi lái, ví dụ như tìm vị trí bàn đạp, tìm một chiếc dép tự dưng bị mất.

Ngay cả chân trần cũng nguy hiểm, vì mấu chốt của vấn đề là tăng size chân và chống trơn trượt, đó là hai ưu tiên hàng đầu. Không chỉ ma sát với bàn đạp, mà ngay cả ma sát giữa bàn chân và đế giày cũng rất quan trọng, cũng giống như chạy bộ với đôi chân trần, với dép lê, với giày cao gót, giày da đế thấp, giày thể thao.

Trên thế giới, đến nay vẫn chưa có quốc gia nào đưa vào luật quy định lái xe không được đi chân trần, không được mang dép lê hay dép quai hậu, không được đi giày cao gót. Một số nơi có quy định xử phạt hành chính nhưng cũng không nhiều. Nói chung đi gì khi lái xe là tùy bạn.

Trên quan điểm pháp lý, người lái xe có thể mang bất kì loại giày dép nào, kể cả đi chân trần cũng hợp pháp. Tuy nhiên, những nghiên cứu trên thế giới cho thấy, dép lê và giày cao gót là hai thủ phạm dễ gây tai nạn. Vì thế mà bằng cách này cách khác, các quốc gia đều khuyến cáo để lái xe an toàn thì đừng đi dép lê, đừng đi giày cao gót, tốt nhất là đi giày thể thao, nếu không thì cũng nên đi giày da bình thường.

Ở góc độ đảm bảo an toàn giao thông, có lẽ các cơ quan chức năng nên nghiên cứu bổ sung quy định phải đi giầy hoặc dép quai hậu khi lái xe ô tô.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!