Tâm điểm
Đặng Việt Trinh

Mùa thi và chuyện "con nhà người ta"

Hơn 1 triệu sĩ tử vừa khép lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với những buồn vui xen lẫn. Trên mạng xã hội những ngày này, chúng ta như được vui lây niềm vui của những bạn làm được bài và phụ huynh các bạn đó; nhưng cũng chia sẻ với trạng thái lo lắng, thất vọng… từ những em làm bài thi không tốt. Tâm trạng này của các em sẽ tăng dần theo thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT và các trường Đại học, Cao đẳng công bố điểm chuẩn.

Điều tôi quan tâm khi đọc dòng trạng thái của những em làm bài thi không tốt là sự dằn vặt vì bị so sánh với "con nhà người ta".

Tôi từng đi thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, và cũng tự mình áp lực với bản thân là phải đỗ, phải đạt kết quả cao. Dẫu ôn luyện kỹ càng, song những ngày diễn ra kỳ thi quan trọng ấy, tôi không thể chợp mắt ngủ được đến nỗi mỗi sáng sớm bắt đầu buổi thi, tôi đều uống nước tăng lực vì sợ không tỉnh táo trong lúc làm bài. Gia đình động viên rằng nếu không đỗ nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 và còn hơn thế nữa, không đỗ đại học thì học nghề, không con đường này thì con đường khác, nhưng nhớ lại nỗi lo lắng, bất an trong tôi và chắc chắn là với nhiều bạn bè đồng trang lứa những ngày sau khi thi xong là rất lớn.

Mùa thi và chuyện con nhà người ta - 1

Các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại một điểm thi ở TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Mức độ sự lo lắng ấy tùy thuộc vào việc làm được bài thi hay không, nên sẽ khác nhau ở mỗi người, nhưng có điểm chung là khó lòng chia sẻ được với ai vì trong mắt bố mẹ và xã hội thì chúng tôi vẫn là trẻ con, là học sinh. Áp lực sẽ lớn hơn nhiều nếu đặt trong bối cảnh so sánh phải "bằng bạn bằng bè".

Sau này trong quá trình quăng quật trưởng thành và mưu sinh, tôi nhận ra, xung quanh mình nhiều người không đỗ đại học, không học đại học vẫn có thể thành công, vẫn có sự nghiệp. Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa đánh giá thấp vai trò của tấm bằng đại học, mà tôi muốn đề cập đến vấn đề là sự thành công của một con người không hoàn toàn bị trói buộc, bị định giá bởi một con điểm, một kỳ thi, một tấm bằng.

Giữa những màn khoe điểm số, thành tích của con trên mạng xã hội, giữa tình cảnh bước chân ra ngõ là sự tò mò hỏi han đỗ hay trượt,… các bậc phụ huynh luôn có tâm lý muốn khoe con để hãnh diện, để tự hào, để thỏa mãn về "công trình của mình", về hành trình nuôi dạy con khôn lớn, thành công. Tâm lý này là dễ hiểu và thành công nào cũng đáng tự hào, đáng trân trọng.

Nhưng, số lượng em vào được trường đại học nhóm trên hay đi du học trong số hơn 1 triệu em tốt nghiệp PTTH hàng năm chỉ là thiểu số, đa số còn lại rõ ràng phải có con đường khác, phù hợp với năng lực, hoàn cảnh cũng như ý chí của bản thân để vào đời. Sự học là cả đời, mà đời thì muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ, muôn ngàn ngã rẽ. Không nhất thiết "con của bạn đồng nghiệp với mẹ mình đỗ Ngoại thương thì mình cũng phải đỗ Ngoại thương".

Sự kỳ vọng của bậc làm cha làm mẹ luôn là động lực để con em tiến bước, nhưng ranh giới giữa "áp lực tạo nên kim cương" và "càng áp lực càng thất vọng" nhiều khi là mong manh.

Tôi không thể nói nên làm như thế nào vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Phải chăng suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ với con mình. Một cuộc nói chuyện, một cái ôm động viên ở ngoài đời thật tưởng đơn giản, nhưng lại có thể rất khó khăn nếu chúng ta ưu tiên dành thời gian lên mạng hơn là dành thời gian để ngồi xuống với con mình. Không người làm cha làm mẹ nào vì thèm khát bảng điểm, thành tích con nhà người ta mà phủ nhận, rẻ rúng sự nỗ lực của con em mình. Và đừng để trẻ con phải gánh trên vai giấc mơ quá lớn của cha mẹ, để chúng tự ti về chính bản thân mình ngay… trong chính nhà mình.

Ở lứa tuổi 17, 18 dễ vui, dễ buồn, dễ tổn thương ấy, cảm giác dẫu "dùi mài kinh sử" cày nát đề thi, dốc hết tâm can, sức lực để quyết tâm đỗ trường đại học mơ ước, vào ngành học yêu thích nhưng không may bị "tạch" sau kỳ "vượt vũ môn", đó là một cú sốc, nỗi đau không dễ vượt qua. Huống hồ cộng hưởng thêm thái độ không phù hợp của bậc cha mẹ có thể dẫn đến hệ lụy khó lường.

Thất bại luôn là một phần của cuộc sống. Há chẳng phải chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, trải qua bao cuộc mưa dập gió vùi, trải qua hằng hà sa số bài kiểm tra của cuộc đời, đã vấp váp và đã từng thất bại, nhưng đó đâu phải ngày tận thế?

Mọi bậc làm cha mẹ đều đã từng là những đứa trẻ. Và chúng ta đã hạnh phúc, vui sướng nhường nào khi mỗi lần đầu tiên trong đời có sự đồng hành, dõi theo của cha mẹ. Từ những bước chân chập chững đầu tiên, từ những lần bi bô tập nói, từ lần đầu tiên biết yêu, biết thất tình,… và lần này - lần đầu tiên bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong đời, con em hẳn luôn muốn chúng ta đồng hành, sát cánh. Để dẫu con nhận về kết quả không như mong đợi, dẫu con hoang mang, tiếc nuối, đầy nghi ngại về bản thân, thì vẫn luôn có bàn tay ấm áp của cha mẹ.

Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!