Tâm điểm
Đỗ Chí Nghĩa

Khi Thủ tướng khen "Bắc Bling"…

"Bắc Bling đã tạo động lực, truyền cảm hứng, làm mới lại văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Rất mong các bạn quốc tế hóa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ra thế giới, dân tộc hóa văn minh nhân loại đến với dân tộc chúng ta". Đối thoại với 300 đại biểu thanh niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành lời khen ngợi đến ca sĩ Hòa Minzy và tác phẩm âm nhạc "Bắc Bling" như thế!

Thành công của ca sĩ và nhóm làm nghệ thuật cũng là niềm vui chung của những người quan tâm và yêu mến văn hóa nước nhà. Âm hưởng văn hóa dân gian, làn điệu quan họ được hiện đại hóa, hiệu ứng công nghệ âm thanh, ánh sáng được tận dụng, nhưng vẫn giữ được hồn cốt làng quê của "người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình"…

Khi Thủ tướng khen Bắc Bling… - 1

Khoảnh khắc Hòa Minzy được bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính được cô hào hứng chia sẻ trên trang cá nhân (Ảnh: Facebook nhân vật).

Tôi nhớ đến câu chuyện về nghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi, nguyên Phó trưởng đoàn quan họ Bắc Ninh. Từ thập niên 1970, 1980 lúc điều kiện rất khó khăn, anh đã dành thời gian cặm cụi vào thư viện, đọc tài liệu về quan họ, về các loại hình dân ca khác, đến lịch sử quê hương, nghệ thuật… Thế rồi, anh trở thành người đầu tiên dẫn chương trình bằng cách kể chuyện về quan họ, bằng những kiến thức anh thu nạp được mấy chục năm qua. Công chúng thích thú, đón nhận nhiệt tình vì được hiểu sâu về từng làn điệu, lịch sử từng câu hát, và người dẫn có thể hát luôn cho khán giả nghe… Đó là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân yêu quan họ, cố gắng giữ gìn quan họ.

Còn bây giờ, các gạo cội liền anh, liền chị… có thể yên tâm với thế hệ trẻ đang làm mới quan họ, với sự hỗ trợ của công nghệ, nguồn lực, sự ủng hộ của công chúng và cả những chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa rất thiết thực!

Khi các phim ra rạp đạt doanh thu cả trăm tỷ đồng không còn là chuyện lạ, khi các clip âm nhạc nở rộ với chất liệu dân gian, sân khấu hiện đại, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng bùng nổ, lan truyền mạnh mẽ qua các mạng xã hội, khi các nghệ sĩ rất trẻ được mời đến dự các cuộc gặp mặt và đối thoại với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn rất mới mẻ, thăng hoa của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Đã có những bộ phim thu về tới 550 tỷ đồng như phim "Mai" của Trấn Thành, có những hiện tượng như Sơn Tùng - MTP liên tiếp lập kỷ lục, gây sốt với những sản phẩm âm nhạc mới lạ, rồi Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn.

Năm trước có "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" thì tháng 3 năm nay, "Bắc Bling" vừa trình làng đã cán mốc hơn 90 triệu lượt views! Điều thú vị là tài khoản TikTok của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong hôm 26/3 cũng rất "bắt trend" khi đăng video về chuyến thăm Việt Nam đã lồng nhạc nền ca khúc "Bắc Bling" thu hút tới hơn 3,7 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận!

Nói một cách công bằng, những thành công kể trên dù rất đáng khích lệ những vẫn còn là khiêm tốn. Chúng ta chưa có một làn sóng công nghiệp văn hóa tầm mức như Hallyu (làn sóng) của Hàn Quốc, và chắc còn lâu nữa mới mong có những ban nhạc tung hoành khắp thế giới như BTS hay BlackPink với trị giá cả tỷ USD.

Để có một nền công nghiệp văn hóa đạt doanh thu đến 120 tỷ USD, xuất khẩu hơn 10 tỷ USD mỗi năm, Hàn Quốc đã có những chính sách vượt trội với các quỹ hỗ trợ rất lớn. Họ tận dụng và phát huy từ rất sớm các nền tảng công nghệ số để đưa công nghiệp văn hóa ra thế giới. Người Hàn Quốc không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để quảng bá văn hóa. Thậm chí điệu nhảy Gangnam Style với hơn 4 tỷ lượt người xem trên Youtube đã được sử dụng cho lễ nhậm chức của Tổng thống Park Guyn- hye…

Với phương châm "văn hóa đi trước kinh tế", các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc đã nâng cao vị thế quốc gia thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ các sản phẩm tiêu dùng, dẫn đầu thị hiếu và xu hướng trang phục, mỹ phẩm, đồ điện tử… trên phạm vi toàn cầu…

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ vai trò của văn hóa trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình": "Văn hóa không chỉ giúp định hình bản sắc quốc gia mà còn là sức mạnh mềm quan trọng, giúp Việt Nam khẳng định vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế". Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là dành sự quan tâm đặc biệt cho văn hóa, với tầm nhìn chiến lược dài hạn, những quyết sách mạnh mẽ và sự động viên thiết thực.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa với nguồn lực lên tới 256 nghìn tỷ đồng được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ đem lại nguồn sinh lực mạnh mẽ hơn cho văn hóa. Sự vào cuộc của các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng, ví dụ như Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đang thúc đẩy chỉ số đánh giá mức độ hấp dẫn các đoàn làm phim của các địa phương (PAI), đến tháng 11/2024 đã có 47 tỉnh thành tham gia…

Khi những "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" hay "Bắc Bling" được Thủ tướng nhắc đến và khen ngợi, chúng ta cảm nhận rõ sự kích hoạt các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đang tạo đà mới cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật lan tỏa và thăng hoa.

Tôi cứ hình dung sang năm, APEC tổ chức tại Phú Quốc, hội tụ lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, những tác phẩm như "Bắc Bling" được trình diễn, trang phục người quan họ biến ảo trong làn điệu dân ca cách tân đầy ngẫu hứng biết đâu sẽ làm đắm say cả những vị khách khó tính nhất. Biết đâu những "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai"... sẽ làm bạn bè bất ngờ với cách chúng ta làm văn hóa và đưa văn hóa Việt ra thế giới...

Văn hóa luôn song hành với kinh tế, thậm chí đi trước kinh tế là kinh nghiệm thành công rất đáng để chúng ta tham khảo và sáng tạo theo cách của mình!

Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, ông cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!