Khi dư luận gọi tên một số nghệ sĩ, người nổi tiếng
Những ngày qua, vụ việc Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị cáo buộc sản xuất hàng giả liên quan đến kẹo Kera… chưa lắng xuống, thì dư luận lại "dậy sóng" khi 573 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện.
Không chỉ là quy mô, số lượng và cung cách thực hiện hành vi vi phạm mà điều khiến mọi người hoang mang chính là đồ ăn thức uống, những thứ tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, bị phát hiện kém chất lượng, thổi phồng tác dụng, thậm chí là hàng giả.
Qua các sự việc trên, một lần nữa dư luận gọi tên một số nghệ sĩ, người nổi tiếng đã và đang nhiệt tình quảng cáo cho các nhãn hàng sữa như những thứ thực phẩm "thần tiên" dành cho mọi người. Có thể nói tình trạng này diễn ra rất nhức nhối thời gian qua và đã đến lúc cần đặt ra những câu hỏi thẳng thắn về nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của các nhà quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs (từ trái sang phải) tại buổi họp báo chiều 14/3 (Ảnh: Quang Huy).
Trên thực tế, với bất cứ sự việc nào, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề và nguyên nhân từ nhiều phía. Phải nói rằng thương mại điện tử đã mang đến những tiện ích to lớn không thể phủ nhận đối với người tiêu dùng và là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Nhưng những hệ lụy của nó hết sức rõ ràng, và đang đặt ra bài toán cho mọi người.
Quảng cáo sản phẩm trên nền tảng số giúp thông tin nhanh chóng và đầy đủ cho người tiêu dùng, nhưng kèm theo đó là rủi ro về chất lượng. Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng với xã hội tham gia quảng bá sản phẩm, mà không phải trường hợp nào cũng biết chất lượng của nó như thế nào.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng vốn được nhiều người hâm mộ hoặc theo dõi, song tình cảm đó đã bị lợi dụng để lôi kéo, thậm chí lừa dối khách hàng. Trước hết nói về trách nhiệm của những người tham gia quảng cáo. Họ cần phải nhận thức về trách nhiệm của mình đối với sản phẩm mà họ giới thiệu trước công chúng.
Quảng cáo sản phẩm khác với đóng phim, diễn kịch nơi mà các nghệ sĩ chỉ "diễn" theo kịch bản và đạo diễn. Quảng bá sản phẩm trước hết đòi hỏi sự trung thực, chính xác về những thông tin của sản phẩm khi mang đến với công chúng.
Vì thế, ai đó dù không biết rõ mà vẫn tán dương chất lượng một sản phẩm để kiếm lời là có lỗi, bịa đặt ra những câu chuyện từ trải nghiệm bản thân để lôi kéo người dùng nhằm thu lợi bất chính là một việc làm trơ trẽn, đáng xấu hổ! Đáng buồn thay hiện tượng này không phải là hiếm gặp trong giới showbiz (giải trí).
Nói đi phải nói lại. Điều đáng buồn không kém là sự thiếu thận trọng và cả tin của không ít người tiêu dùng khi mua sản phẩm được quảng cáo qua các nền tảng số. Không ít người bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo hoa mỹ, ngon ngọt về chất lượng, về giá cả, về ưu đãi, quà tặng… rồi sẵn sàng bỏ tiền ra để rước họa vào người.
Đây là điều đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng dường như nhiều người vẫn bỏ qua. Thậm chí có nhiều người, nhất là một bộ phận giới trẻ sẵn sàng mua sản phẩm chỉ vì sự hâm mộ (thái quá) và niềm tin vô căn cứ dành cho "thần tượng" của mình. Đáng tiếc, trong số các "thần tượng" đó, một số cá nhân lại có những hành vi lệch chuẩn khiến các mạng xã hội tràn ngập những câu chuyện giải trí không lành mạnh, tạo ra xu hướng xấu gây hệ lụy lâu dài cho đời sống văn hóa của đất nước.
Hiện tượng "cuồng thần tượng" cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho một số nghệ sĩ, người nổi tiếng (và cả tai tiếng) có "đất diễn" qua quảng cáo và bán sản phẩm để kiếm bạc tỷ bất chấp lương tâm và trách nhiệm xã hội.
Điều cuối cùng mà cũng là điều đáng nói nhất, đó là cơ quan có trách nhiệm đã làm gì để cho tình trạng này kéo dài? Kiểm soát thị trường với hàng triệu sản phẩm đương nhiên là câu chuyện không hề dễ dàng, ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được quảng cáo một cách công khai trên các phương tiện truyền thông chính thức, các sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội. Liệu một sản phẩm được giới thiệu ra công chúng có được qua một quy trình kiểm soát hay không, và cơ quan nào chịu trách nhiệm công việc này?
Tại sao có những sản phẩm kém chất lượng bán tràn lan, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng chỉ được phát hiện khi chính người tiêu dùng mang đến cơ quan kiểm định và lên tiếng về sự việc?
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng liên quan trực tiếp không thể "vô can" khi để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự như vụ kẹo Kera, sữa giả….
Mong rằng dư luận sẽ sớm chứng kiến một cơ quan nào đó đứng ra nói rõ nguyên nhân của tình trạng trên từ góc độ quản lý, đưa ra giải pháp có hiệu quả để giảm dần và chấm dứt tình trạng đáng báo động này.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!