Thấy gì từ kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh?
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng tiếng Anh là môn học đường dài, cần đầu tư bài bản và có lộ trình. Một khi đã mất gốc, các em sẽ rất chật vật để đạt được mức điểm trên trung bình, chứ chưa kể đến mức điểm cao.
Phổ điểm hình " yên ngựa"
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2024, cả nước có hơn 906.000 thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh. Điểm trung bình của thí sinh đạt được là 5,51 điểm, cải thiện nhẹ so với mức 5,45 điểm của năm 2023. Điểm nhiều thí sinh đạt được là 4,6 điểm. Có hơn 565 em đạt điểm 10, cao hơn năm ngoái không quá nhiều. Tuy nhiên, có 14 em đạt điểm 0 và 145 em bị điểm liệt.
Xét về tổng quan phổ điểm nói chung, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay tiếp tục có hình dạng "yên ngựa", khác biệt so với tất cả các phổ điểm hình quả chuông đều của các môn thi khác. Nhìn chung, mặc dù có sự khởi sắc nhẹ về kết quả so với những năm trước, thì kết quả môn tiếng Anh vẫn thuộc nhóm thấp so với các môn học khác như Ngữ Văn, Vật Lý, Hóa học…
Khác biệt vùng miền
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng tiếng Anh là một môn học đường dài, cần đầu tư bài bản và có lộ trình. Để cải thiện năng lực và phản ánh được vào điểm số, các em học sinh khó có thể chỉ học "xổi".
Với sự khác nhau về điều kiện giữa các vùng miền, khả năng tiếp cận phương pháp giáo dục môn tiếng Anh chất lượng đang tương đối chênh lệch.
Tại khu vực thành thị, các gia đình thường có xu hướng đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm. Các trung tâm tiếng Anh cũng quy mô hơn, phương pháp giảng dạy mới mẻ, giáo viên bản ngữ trình độ cao. Ở chiều ngược lại, học sinh ở một số điểm vùng sâu vùng xa chỉ bắt đầu học ngoại ngữ bài bản từ khi lên cấp II, thậm chí cấp III.
Kết quả là sự khác biệt này thể hiện rõ ràng ở phổ điểm, khi các tỉnh thành lớn, trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… liên tiếp dẫn đầu danh sách địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất.
Đáng chú ý hơn cả, là sự khác biệt lớn giữa nhu cầu đầu ra của việc học tập và giảng dạy tiếng Anh. Giới hạn đề ra của đề thi trắc nghiệm chỉ có thể bao quát chủ yếu kỹ năng đọc - hiểu. Bên cạnh đó, các chuyên đề từ vựng và ngữ pháp được giảng dạy và phổ cập ở bậc THPT được đưa vào các câu hỏi có tính phân hóa, nên điểm thi tốt nghiệp THPT chưa chắc đã phản ánh hoàn toàn năng lực học sinh.
Hiệu ứng ngược
"Tôi quan sát thấy một xu hướng giảng dạy ở các trường trung học tại Việt Nam, là thầy và trò tập trung quá nhiều vào việc luyện đề, làm đề. Trong giáo dục, hiện tượng này được gọi là 'negative washback', khi việc dồn sức ôn luyện cho thi cử không những không mang lại hiệu ứng tích cực, mà còn ảnh hưởng lệch lạc đến cả quá trình giảng dạy", bà Yulia Tregubova, Tiến sĩ ngôn ngữ học, Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) nhận định.
"Nếu chỉ học tiếng Anh để đi thi, thì bạn giống như người 'đi săn' (hunting), chộp giật và ngắn ngày. Tôi thì khuyến khích học tiếng Anh kiểu 'canh tác' (farming) hơn - đó là đầu tư vào sự phát triển đường dài của học sinh", Tiến sĩ Yulia, người có hơn 20 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực ngôn ngữ học, cho biết.
Để xây dựng một nền tảng tiếng Anh vững vàng, bà Yulia Tregubova khuyến khích các em theo học các chương trình đào tạo toàn diện các kỹ năng tiếng Anh cho các mục tiêu học thuật, qua đó chuẩn bị cho các em tiếp xúc với bối cảnh học thuật mà các em sẽ trải nghiệm trong những năm học đại học, không chỉ tại Việt Nam mà ở bất cứ đâu trên thế giới.
Ví dụ tại BUV, đội ngũ chuyên gia ngoại ngữ đã xây dựng chương trình đào tạo tiếng Anh tương tự mang tên UniPath, bao hàm rất nhiều kỹ năng ngoại ngữ của các em như thuyết trình cá nhân và thuyết trình nhóm, thảo luận chuyên sâu, các bài hướng dẫn.
Ngoài ra, BUV cũng triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh THCS, tiền IELTS và IELTS tại bậc THPT, liên kết với các trường THCS & THPT công lập và tư thục lớn tại miền Bắc, với giáo trình bài bản, được thiết kế dựa trên nghiên cứu tâm lý cũng như đặc điểm của học sinh Việt Nam, bởi đội ngũ giảng viên bản xứ có chuyên môn cao.
Đối với IELTS cho bậc đại học, chương trình đào tạo "IELTS for University" của BUV phân chia nhiều cấp độ phù hợp với mọi đặc điểm học viên. Học viên sẽ được trải qua 96 giờ học trực tiếp, được tiếp cận kho tài liệu trên thư viện học liệu trực tuyến Canvas đồ sộ, kèm theo cam kết đầu ra đến từ BUV.
Đối với các học sinh ở xa thành phố, Tiến sĩ Yulia chia sẻ, BUV đang tính toán xây dựng một chương trình dạy tiếng Anh trực tuyến để có thể tiếp cận các em học sinh ở xa khu vực Hà Nội, mang đến cho các em cơ hội được tiếp cận với phương pháp đào tạo tiếng Anh văn minh và hiệu quả, hỗ trợ rút ngắn khoảng cách của các em với học sinh tại các thành phố lớn.