Đô thị nén và rừng cây giữa thủ đô
Mới đây khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã gợi mở rằng Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" ở khu vực đô thị trung tâm với định hướng trong thành phố có rừng.
Hà Nội đất chật người đông, nói đến rừng cây ở khu vực trung tâm chắc nhiều người nghĩ "nhiệm vụ bất khả thi". Nhưng thực tế các đô thị lớn và chật chội như Paris (Pháp), New York (Mỹ), Singapore… đều có những công viên trung tâm rộng lớn, rừng cây trong thành phố. Vì vậy vấn đề là quyết tâm làm hay không, chứ không phải Hà Nội hay TPHCM không thể làm được mô hình trong thành phố có rừng.
Tất nhiên để làm được điều đó thì một trong những điều kiện tiên quyết là phát triển đô thị nén, nhường quỹ đất cho công viên và cây xanh. Theo nhiều chuyên gia, đô thị nén không chỉ "nhà cao tầng" mà quan trọng hơn là giải quyết đồng bộ các vấn đề giao thông, năng lượng, không gian công cộng…
Những khu vực như Linh Đàm, khu cao tầng dọc theo trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu ở Hà Nội chỉ đơn thuần là "nhồi cao ốc" vào một diện tích đất khiến mật độ dân số tăng lên, gây quá tải hạ tầng mà không phải đô thị nén đúng nghĩa, vì diện tích dành cho giao thông, công viên, cây xanh… không thay đổi, thậm chí là bị thu hẹp, cắt xén. Người dân sinh sống trong các khu "nhồi cao ốc" vẫn phải tham gia giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy), chịu đựng tắc đường, không khí ô nhiễm hàng ngày.
Để hướng tới phát triển đô thị nén dĩ nhiên cần "bàn tay" của nhà quản lý, nhưng việc thay đổi tư duy của người dân cũng đóng vai trò quan trọng. Trước hết người dân cần thay đổi tư duy nhà ống và xe máy. Hiện nay nhiều người vẫn có tư duy tích góp, vay mượn tiền để mua miếng đất nho nhỏ, xây căn nhà chồng lên vài tầng làm chỗ an cư.
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều khu đất vốn là đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng rồi chia nhỏ ra bán để người dân xây nhà với quy hoạch tự phát, không có hệ thống cấp thoát nước đầy đủ. Từ đây hình thành những con hẻm nhỏ chật chội, chạy lòng vòng, khiến việc cung cấp các dịch vụ đô thị cơ bản như y tế, giáo dục, phát triển mạng lưới giao thông, tổ chức phòng cháy chữa cháy… gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Chi phí để cải tạo những khu dân cư tự phát này sẽ là một con số khổng lồ, nhất là khi chính quyền địa phương có nhu cầu giải phóng mặt bằng để phát triển giao thông công cộng, để hình thành các dự án đô thị nén dọc theo trục giao thông kết nối khu trung tâm và ngoại thành…
Quan sát thực tế cho thấy, cùng một diện tích đất nếu phát triển đô thị tự phát theo kiểu "vết dầu loang" thì đó sẽ là tập trung của rất nhiều loại hình nhà ở, còn nếu phát triển đô thị nén sẽ giúp cho nhiều hộ dân có nhà ở trong các khu chung cư thống nhất và việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu dễ dàng hơn. Hơn nữa, đô thị nén với trường học, siêu thị, bệnh viện… trong nội khu giúp người dân giảm số lần phải ra đường để đưa đón con đi học, đi siêu thị mua đồ ăn…, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhìn sang các nước có đô thị phát triển trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc… thì tỷ lệ người dân sinh sống trong những căn nhà riêng dưới mặt đất là rất thấp. Đa số cư dân ở các nước này đều sinh sống trong những căn hộ chung cư. Ở Hàn Quốc chẳng hạn, nhà riêng lẻ chiếm 20,6% và nhà dạng căn hộ chiếm 79,4%. Trong đó, căn hộ cao tầng chiếm 63,5%. Tỷ lệ sở hữu nhà ở đất nước này là 56,1%.
Một vấn đề khác từ thực tế cải tạo các khu chung cư cũ 3-5 tầng suốt 40 năm qua ở Hà Nội là nhiều người dân ở các phường nội đô thường bám mặt đường để kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ ăn uống... Vì vậy khi phát triển đô thị nén, việc giải phóng mặt bằng và thuyết phục những người dân này lên ở nhà cao tầng rất khó khăn vì họ cho rằng như vậy là "mất đường làm ăn". Hơn nữa, hầu hết các khu chung cư khi cải tạo xong thì tầng một nơi có lợi thế về kinh doanh buôn bán sẽ có giá rất cao, tiểu thương không thể thuê được. Đây là những lực cản rất lớn với đô thị nén mà chính quyền địa phương cần tính toán giải pháp.
Tóm lại, để hình thành đô thị nén và hiện thực hóa giấc mơ rừng trong phố thì việc đầu tiên cần hạn chế các dự án chuyển đất nông nghiệp sang đất ở và phát triển những khu nhà liền kề thấp tầng (nhà ống) ở thành phố, qua đó kiểm soát mật độ xây dựng khu trung tâm cũng như ngoại thành theo hướng cao hơn, sâu hơn (phát triển không gian ngầm), dành diện tích cho giao thông công cộng, cây xanh, mặt nước…
Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường nhà ở bằng các chính sách hướng tới giảm chi phí xây nhà cao tầng, giảm chi phí sinh hoạt trong các khu chung cư… Cùng với đó, quá trình di dời trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà xưởng ra khỏi khu trung tâm cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh để mật độ xây dựng không những giảm xuống mà còn tăng lên vì tình trạng "nhồi cao ốc".
Ước mơ về những khu rừng trong thành phố tuy khó nhưng không phải là không thể thực hiện được. Hà Nội từng đưa một khu chợ truyền thống ở khu vực đất kim cương thành phố sách, thành địa chỉ văn hóa và không gian công cộng chứ không phải là cao ốc hay siêu thị, qua đó cho thấy khi có quyết tâm thì chính quyền địa phương và người dân hoàn toàn có thể làm được những việc tưởng chừng không thể.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!