Để công vụ trở thành một giá trị xã hội
Khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng cán bộ, công chức có vi phạm và bị xử lý theo quy định. Quyết tâm và nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước một mặt đã củng cố lòng tin của nhân dân, mặt khác cũng đồng thời làm nổi bật hơn nhu cầu về đội ngũ cán bộ Nhà nước có đủ phẩm chất, năng lực và trong sạch.
Các văn bản xây dựng và chỉnh đốn Đảng được ban hành gần đây cũng đề cập nhiều hơn đến vấn đề xây dựng "đạo đức và văn hóa công vụ" nhằm góp phần cải thiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền cũng như cả hệ thống chính trị.
Mới đây, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và thúc đẩy tiến trình thiết lập những cơ sở vững chắc cho sự hình thành một nền đạo đức công vụ văn minh và hiện đại, Bộ Nội vụ công bố dự thảo "Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ", gồm 5 Chương, với 25 Điều.
Bản Dự thảo đã đặt ra những yêu cầu khá chặt chẽ về phẩm chất đạo đức công vụ, đề ra khung tham chiếu có tính nguyên tắc để ban hành những quy định cụ thể hơn nhằm điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, và cách thức ứng xử trong các mối quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức.
Những phẩm chất hàng đầu được yêu cầu với cán bộ khu vực công là "Chính trực, Liêm chính, Khách quan, Công bằng, Bình đẳng". Theo đó, mỗi cán bộ, công chức được yêu cầu phải luôn ý thức và hành động với sự trung thực, trách nhiệm, không được bao che vi phạm, không được lợi dụng vị trí của mình để sách nhiễu, phiền hà, mưu lợi cá nhân. Cùng với đó là yêu cầu thực thi nhiệm vụ "chí công, vô tư", không được phân biệt đối xử giới, dân tộc, tôn giáo, xuất thân, hay địa vị xã hội.
Những phẩm chất cần có với cán bộ Nhà nước cũng nhấn mạnh yêu cầu về tác phong và thái độ làm việc. Cán bộ khu vực công được yêu cầu phải luôn giải quyết công việc với ý thức về sự "Đúng mực và Thận trọng", "Tận tụy và Kịp thời", "Năng lực và Chuyên cần".
Ngoài yêu cầu về "Năng lực", các yêu cầu về tác phong và thái độ thực thi công vụ rất trừu tượng nên sẽ khó đo lường, có thể gây ra tranh cãi khi đánh giá. Bởi vậy, nếu không xây dựng được hệ thống chỉ báo cụ thể hơn nữa gắn với từng bối cảnh đơn vị thì khả năng điều chỉnh của nhóm quy định này sẽ gặp nhiều thách thức trên thực tế.
Một điểm rất đáng chú ý với nhóm quy định phẩm chất là cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta được yêu cầu "không tham gia đình công". Đây là quy định nhằm bảo đảm sự vận hành liên tục của hệ thống cơ quan Nhà nước; không tham gia đình công sẽ giúp đội ngũ cán bộ Nhà nước trở thành trụ cột cho sự ổn định chính trị - xã hội, cho dù đất nước có xảy ra bất cứ tình huống nào.
Sẽ hoàn thiện hơn nếu Nghị định về đạo đức công vụ bổ sung thêm "Danh dự" là một yêu cầu về phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cá nhân khi xác định làm việc cho khu vực công thì cần đặc biệt ý thức cao hơn về danh dự và giữ gìn danh dự cho bản thân và cơ quan, đơn vị.
Thực thi công vụ không chỉ để bảo vệ lợi ích công, thể chế công, gia tăng sự ủng hộ chính sách công, mà còn phải hướng đến đề cao và lan tỏa các giá trị công, được xã hội ủng hộ. Nhấn mạnh phẩm chất trọng danh dự sẽ góp phần đẩy lui thói khôn lỏi, ích kỷ thiển cận, chỉ chăm chăm thủ lợi cá nhân nhưng lại bao biện, trốn tránh trách nhiệm mỗi khi để xảy ra vi phạm, bất chấp phản ứng của người khác.
Cùng với các yêu cầu về phẩm chất chung, định hình ý thức và hành vi cá nhân, Dự thảo Nghị định cũng đề ra hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa tổ chức với công dân, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với cấp trên và cấp dưới, quan hệ với cá nhân và tổ chức nước ngoài, quan hệ với giới thông tấn và báo chí. Các quy định khá khái quát, có thể trở thành bộ khung để mỗi cơ quan, đơn vị chi tiết hóa thành những quy định cụ thể hơn nữa, áp dụng phù hợp với bối cảnh đặc thù của từng đơn vị.
Một điểm đáng chú ý nữa là yêu cầu đạo đức công vụ ở nước ta không chỉ giới hạn trong phạm vi nơi làm việc và thực thi nhiệm vụ. Dự thảo Nghị định còn đề ra những nguyên tắc cho việc ứng xử trong gia đình, tại nơi cư trú, tại những nơi công cộng, và giao tiếp qua điện thoại. Chấp hành tốt các quy định này sẽ góp phần định hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như là một nhóm xã hội kiểu mẫu, tuân thủ chuẩn mực cả trong và ngoài không gian công sở.
Có thể coi là một thiếu sót khi Dự thảo Nghị định chưa đề ra những quy định cho hình thức giao tiếp, ứng xử của cán bộ Nhà nước khi tham gia và sử dụng các mạng xã hội. Trên phạm vi toàn cầu, các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng trở thành một không gian "tương tác ảo nhưng hậu quả thật", có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung.
Số lượng cán bộ ở nước ta sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp, thu thập thông tin, giải trí…chắc chắn sẽ gia tăng. Bởi thế, yêu cầu về đạo đức công vụ cần bổ sung thêm các nguyên tắc sử dụng mạng xã hội vào Điều khoản quy định ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức tại những nơi công cộng.
Một đặc điểm được giới nghiên cứu chỉ ra trong sự thành công thần kỳ của nhiều quốc gia khu vực Đông Á, có nhiều tương đồng với nước ta, là đã hình thành được một đội ngũ cán bộ công quyền tinh anh, giỏi về chuyên môn, mẫu mực về tác phong và ý thức làm việc, và luôn có khát khao cống hiến cho quốc gia, dân tộc.
Tại Nhật Bản và Singapore, cán bộ chính quyền đã trở thành một tầng lớp xã hội có vị thế cao, được nể trọng. Làm việc cho khu vực công, hay gắn bó với công vụ không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm sống. Hơn thế, công vụ đã trở thành một giá trị xã hội, được đề cao và coi trọng, được nhiều người lựa chọn để xây dựng sự nghiệp cho cuộc đời mình.
Để công vụ trở thành một giá trị xã hội ở nước ta trong tình hình mới, từ đó thu hút được những người tài năng và ham cống hiến thì bên cạnh cơ chế tuyển dụng, sử dụng, và chế độ đãi ngộ, tất yếu cần phải thiết lập được môi trường làm việc hiện đại, văn minh dựa trên nền tảng là những giá trị phổ quát và tiến bộ về đạo đức công vụ.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!