Dạy thêm như thế nào là đàng hoàng
Dạy thêm và học thêm từ lâu trở thành một chủ đề gây tranh luận ở nước ta. Có thể nói đây là nhu cầu chính đáng xuất phát từ cả phía giáo viên và học sinh. Trong bối cảnh giáo dục phổ thông hiện nay, việc học tập trên lớp theo chương trình khó có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu học tập của tất cả học sinh.
Sự phân hóa về năng lực học sinh là điều tất yếu, và nhu cầu học thêm để bồi dưỡng kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi hay đơn giản là để theo kịp chương trình học là một thực tế. Chưa kể đến, ngày nay, nhu cầu học thêm rất đa dạng bởi người học có nguyện vọng học rất nhiều nội dung với mục đích khác, không chỉ để đi thi.
Đối với nhà giáo, dạy thêm là cơ hội để họ phát huy năng lực và giúp họ có thêm thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống trong bối cảnh lương giáo viên còn khiêm tốn. Đồng thời, như một lẽ rất nhân văn, có rất nhiều người thầy nhận thức được cần giúp đỡ, bồi dưỡng học sinh để các em có thể đạt được nguyện vọng của mình khi điều kiện dạy học trên lớp không đáp ứng được.
Mặc dù xuất phát từ những nhu cầu chính đáng, nhưng nói đến dạy thêm và học thêm là nói đến một vấn đề gây bức xúc với nhiều người. Vì sao? Vì trong nhiều trường hợp, học thêm không còn là một lựa chọn tự nguyện mà trở thành áp lực bắt buộc, khiến các bậc phụ huynh thêm khoản chi phí đáng kể ngoài học phí chính thức và khiến các em học sinh thiếu thời gian vui chơi, giải trí, thậm chí mất đi cơ hội phát triển bản thân một cách cân bằng.
Đó là chưa nói đến những biến tướng. Thay vì hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện, học thêm giờ đây thường tập trung vào việc "nhồi nhét" kiến thức, luyện "mẹo mực, làm theo mẫu" để đạt điểm cao trong các kỳ thi. Điều này không chỉ làm mất đi sự hứng thú học tập, khả năng tự học của học sinh mà còn gây ra những căng thẳng, mệt mỏi, gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho giáo dục.
Ngoài ra, việc dạy thêm và học thêm còn gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục. Những học sinh có điều kiện kinh tế kém hơn sẽ gặp khó khăn trong việc theo kịp bạn bè, dẫn đến sự chênh lệch về cơ hội học tập và phát triển.
Thêm vào đó, tâm lý của phụ huynh và học sinh cũng góp phần làm cho dạy thêm và học thêm trở nên phổ biến. Ở Việt Nam, truyền thống hiếu học và tâm lý "đua học" đã khiến nhiều phụ huynh không tự tin vào khả năng tự học của con em mình, dẫn đến việc họ cảm thấy cần phải cho con đi học thêm để đạt kết quả tốt hơn.
Chính vì những vấn đề nêu trên, rất cần xây dựng hành lang pháp lý về dạy thêm, học thêm, và Thông tư 17 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thành tố trong hành lang đó.
Thông tư 17 đã cố gắng đưa ra các biện pháp quản lý, nhưng trong thực tế, việc thực thi và giám sát gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung đây vẫn là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sửa đổi Thông tư 17 và đưa dự thảo Thông tư mới ra lấy ý kiến, với tinh thần như một vị đại diện của Bộ phát biểu trên báo chí là "Thầy cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng tuyệt đối không được ép buộc".
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giáo viên được phát huy hết khả năng chuyên môn, tăng thu nhập chính đáng, học sinh được bổ sung kiến thức theo nhu cầu tự nguyện, và không xảy ra việc ép buộc?
Dự thảo Thông tư mới đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trên những quy định lâu nay, nhưng thực tế là nguyên nhân học thêm rất đa dạng và thường là "tế nhị" với phụ huynh và học sinh trong việc đưa ra quyết định có học thêm (ngoài nhà trường) hay không với giáo viên dạy chính khóa.
Về phía các thầy cô, nhiều giáo viên tham gia dạy thêm ngoài giờ nhưng không được ghi nhận hoặc khó có hình thức nào để quản lý được chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc thiếu kiểm soát về thời gian lao động của giáo viên, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của họ, và cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa.
Một yếu tố không thể bỏ qua là lợi ích kinh tế trong dạy thêm, học thêm. Đối với giáo viên, đây là nguồn thu nhập quan trọng để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, khi lợi ích kinh tế chiếm ưu thế, mục tiêu giáo dục có thể bị ảnh hưởng. Việc dạy thêm có thể trở thành một công cụ để kiếm tiền hơn là để hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện.
Thông tư mới cũng cố gắng phân biệt rõ giữa dạy thêm trong trường và ngoài trường, đồng thời mở ra cơ chế xã hội hóa cho dạy thêm ngoài trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo rằng các học sinh tham gia học thêm sẽ nhận được chất lượng giáo dục tương xứng với số tiền mà phụ huynh bỏ ra.
Để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm, cần có một cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Bộ Giáo dục cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, thử nghiệm các mô hình quản lý mới và đảm bảo rằng chính sách đưa ra phải phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cả giáo viên lẫn học sinh.
Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện chất lượng giáo dục chính khóa, đảm bảo rằng học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính thức mà không cần phải đi học thêm. Điều này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giảng dạy và đổi mới phương pháp giáo dục, nhất là thu nhập của nhà giáo từ lương.
Đồng thời, cần có các quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc dạy thêm ngoài giờ, đảm bảo rằng việc này phải phục vụ mục tiêu giáo dục chứ không phải chỉ vì lợi ích kinh tế. Việc kiểm soát chất lượng dạy thêm, học thêm cần được tăng cường, đồng thời phải có các biện pháp bảo vệ quyền lợi của học sinh và giáo viên.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh, đồng thời cần có những chính sách toàn diện và thực tiễn hơn để đảm bảo rằng mục tiêu giáo dục không bị lãng quên trong cuộc chạy đua về lợi ích kinh tế.
Tác giả: PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; nhà sáng lập chương trình Toán tư duy dựa trên trải nghiệm POMath.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!