Tâm điểm
Nguyễn Thành Nhân

Dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Nhà tôi ở quận Gò Vấp, nơi có tỷ lệ "chọi" tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập cao nhất TPHCM. Lý do đơn giản là dân số mỗi năm đều tăng trong khi trên địa bàn quận chỉ có 4 trường THPT.  

Những ngày hè nắng nóng gay gắt này, tôi quan sát thấy một số quán cà phê gần nhà vào buổi tối hay cuối tuần thường có các nhóm học sinh chăm chú làm bài tập với một giáo viên. Nhóm nhỏ, giáo viên hướng dẫn kỹ cho từng học sinh. Không khí học rất thoải mái, đôi lúc cười đùa.

Tôi học cao học ở một trường đại học ở phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Nhiều khi buổi chiều trong quán cà phê gần trường, tôi cũng chứng kiến bàn bên có một thầy một trò đang trong buổi học phụ đạo. Dù không muốn "nghe trộm" nhưng qua cuộc trò chuyện giữa thầy và trò ngay cạnh mình, tôi biết thầy giáo này được phụ huynh nhờ cậy củng cố kiến thức cho con họ để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Dạy thêm - học thêm là một thực tế lâu nay, dù có những ý kiến khác nhau về thực tế này, thậm chí nhiều người đề nghị cấm thì dạy thêm vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức: tại Trung tâm, tại nhà và tại các quán cà phê…

Dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện? - 1

Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 (Ảnh: Hoàng Chung).

"Sức sống" của dạy thêm - học thêm có lẽ dựa trên một nhu cầu có thật trong xã hội và nhu cầu đó đặc biệt lớn trong bối cảnh nền giáo dục, thi cử nhiều áp lực, cạnh tranh gay gắt ở các thành phố lớn hiện nay.

Thử đặt mình vào vị trí một phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10 ở quận Gò Vấp, chắc chắn là tôi sẽ cho con học thêm để yên tâm trước tỷ lệ "chọi" cao như vậy. Nhất là nhìn sang các gia đình khác đều cho con học thêm thì tôi rất khó để đi ngược xu hướng.

Văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay là Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 5/2012. Đến năm 2016 Luật Đầu tư (sửa đổi) bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy việc cấp phép cho hoạt động dạy thêm theo Thông tư 17 bị vô hiệu.

Đến tháng 8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17. Đây là các điều quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm và người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm...

Theo nhiều giáo viên thì tình trạng pháp lý của dạy thêm hiện nay là "cấm nửa vời". Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tức là trở lại quy định tại Luật Đầu tư trước khi sửa đổi vào năm 2016.

Vậy nên cấm tuyệt đối với dạy thêm hay chấp nhận thực tế này như một ngành nghề kinh doanh với các điều kiện nhất định nào đó?

Nhìn ra thế giới thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á "loay hoay" và "đau đầu" với việc quản lý dạy thêm. Đây từng là một ngành kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc và gần đây nước này đã cấm dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm trực tuyến. Tuy nhiên như chính báo chí nước này phản ánh, lệnh cấm không xóa ngay được dạy thêm - học thêm ở Trung Quốc, mặc dù bị hạn chế song nó vẫn tồn tại dưới các biến tướng khác nhau, rất nhiều phụ huynh vẫn tìm cách cho con học thêm dù chi phí cao hơn nhiều so với trước đây.

Hàn Quốc từng cấm tất cả tiết học ngoại khóa (học thêm) nhưng do nhu cầu thực tế quá lớn nên việc dạy thêm vẫn tồn tại và phát triển; phổ biến hiện nay là các trung tâm dạy thêm tư nhân ngoài giờ học (hagwon) - một dạng trường tư thục hợp pháp, dạy kèm để giúp học sinh đạt được thành tích cao.

Tại Việt Nam, TPHCM cũng từng chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan từ năm học 2016 - 2017, tuy nhiên ngay sau khi ban hành chủ trương này thì thành phố đã phải quy định lại theo hướng "nới lỏng" và chưa xóa dạy thêm - học thêm trong nhà trường.

Theo Thường trực Thành ủy TPHCM thì trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới, phương pháp thi cử còn nặng về kiểm tra kiến thức nên nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận phụ huynh, học sinh. Vì vậy, việc triển khai chủ trương chấm dứt dạy thêm - học thêm tràn lan cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh, học sinh và đội ngũ thầy cô giáo.

Diễn biến ở TPHCM kể trên cho thấy giữa ý chí xóa dạy thêm - học thêm và thực tiễn nền giáo dục của nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách. Và nếu tiếp cận theo hướng duy ý chí thì chưa chắc đã đạt được mục đích mà có thể còn phản tác dụng, tạo thêm những áp lực với phụ huynh, học sinh và các giáo viên do phải đối phó với "lệnh cấm".

Thiết nghĩ, trong lúc chưa thể cấm hoàn toàn dạy thêm - học thêm thì nên xem đây như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó tạo hành lang pháp lý quản chặt hơn lĩnh vực này. Chúng ta không "cấm nửa vời" và cũng không "thả nổi".

Ngành giáo dục cần xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Trong đó, đối với những việc đã xác định trong diện nghiêm cấm thì cần quản lý chặt chẽ và đưa ra chế tài nặng hơn nếu có vi phạm, cụ thể như "không dạy thêm đối với học sinh tiểu học"; "không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm"; "không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa"; "việc dạy thêm - học thêm được tổ chức trong nhà trường phải trên cơ sở tự nguyện của học sinh"; "không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày"...

Một trong những vấn đề dư luận lo ngại lâu nay với dạy thêm, là tình trạng giáo viên bớt xén nội dung chính thức để dạy chui, dạy lén. Ở đây, việc giáo viên dạy thêm nên được xem là quyền của người lao động, như y bác sĩ được đăng ký làm ngoài giờ ở cơ sở khác sau giờ làm việc chính thức. Cổng thông tin của ngành y tế có thể dễ dàng tra cứu, bác sĩ nào, chứng chỉ hành nghề số mấy, đơn vị công tác/nơi làm việc, thời gian làm việc. Vậy thì ngành giáo dục cũng nên tham khảo để quản lý hoạt động dạy thêm của giáo viên theo hướng tương tự ngành y.

Khi có các quy định chặt chẽ, công tác quản lý dạy thêm - học thêm của cơ quan chức năng sẽ bài bản, khoa học hơn. Không chỉ thanh tra, kiểm tra tại địa điểm tổ chức dạy thêm, mà việc dạy thêm trực tuyến, dạy thêm qua các nền tảng điện tử,… cũng có mô hình để nhận diện, đưa vào khuôn khổ quản lý.

Tóm lại, chúng ta sẽ tiến tới một tương lai không có dạy thêm - học thêm, nhưng trong lộ trình tiến tới tương lai đó thì cần có những quy định để quản lý hoạt động này, đề ra những điều kiện nhằm đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên.

Một việc không thể không nhắc tới là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục. Đảm bảo đời sống của các thầy, cô là một trong những việc thiết thực nhất để tiến tới xóa dạy thêm.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân là phóng viên của một tạp chí về pháp luật, làm việc tại TPHCM. Hiện anh học cao học chuyên ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!