Trung Quốc: Cấm dạy thêm có thực sự giúp giảm áp lực cho phụ huynh?

Đức Chung

(Dân trí) - Tưởng chừng những điều luật cấm dạy thêm học thêm sẽ giúp làm giảm bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục ở Trung Quốc, nhưng thực tế có vẻ không như vậy.

Trung Quốc: Cấm dạy thêm có thực sự giúp giảm áp lực cho phụ huynh? - 1

Điểm số của con vẫn luôn là áp lực lớn đối với nhiều cha mẹ ở Trung Quốc (Ảnh: EPA).

Lớn lên ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc), cậu bé Nannan có thành tích học tập cực kì xuất sắc. Dù mới chỉ 7 tuổi, nhưng cậu bé đã giải được những bài toán dành cho trẻ 9-10 tuổi. Cậu bé cũng giỏi ngoại ngữ đến mức đang bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha bằng tiếng Anh.

Thành tích của Nannan được cho là nhờ công lớn của các gia sư mà mẹ cậu bé thuê. Như bao phụ huynh khác, mẹ của Nannan cho rằng kiến thức ở trong trường thôi là chưa đủ để con thành công trong xã hội đầy cạnh tranh này.

Nhưng mới tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã ra chính sách "đại tu" hệ thống giáo dục, nhằm hạn chế bất bình đẳng trong giáo dục, cũng như giảm áp lực tài chính cho phụ huynh học sinh. Kể từ đó, Nannan không còn được đi học thêm hoặc học gia sư nữa.

Nhằm tập trung mục tiêu giảm số lượng các lớp gia sư và bài tập về nhà, chính phủ Trung Quốc ban hành những điều luật "giảm kép". Những điều luật này gồm: yêu cầu những lớp học thêm, gia sư hiện tại không được thu tiền của phụ huynh học sinh, yêu cầu các trường tiểu học không giao bài tập về nhà, bỏ những bài kiểm tra không cần thiết để giảm thiểu áp lực cho học sinh.

Mặc dù vậy, những điều luật mới này khiến nhiều phụ huynh Trung Quốc cảm thấy lo lắng hơn. Áp lực điểm số khiến các bậc cha mẹ, đặc biệt là những gia đình có điều kiện, tìm cách lách luật như thuê giáo viên đến dạy như bảo mẫu. Tuy nhiên, không có nhiều giáo viên sẵn sàng lách luật để đi làm gia sư, và những người chịu làm thường đòi học phí rất cao. Một số phụ huynh khác chọn cách thuê gia sư chung với nhiều gia đình khác để giảm thiểu rủi ro.

Không những thế, các trung tâm giáo dục tư nhân còn khuếch đại nỗi lo lắng của các phụ huynh thông qua các chiến lược kinh doanh và các khẩu hiệu như: "Hãy để chúng tôi phát triển trí tuệ cho con bạn; không thì chúng tôi sẽ trau dồi kiến thức cho bạn bè của chúng".

Vô hình trung, để con mình không bị tụt lại phía sau, nhiều phụ huynh không quá dư dả đã phải tự mình dạy cho con mình, hoặc là dùng các ứng dụng trên điện thoại để quét câu hỏi và tìm câu trả lời. 

Theo www.wsj.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm