Bộ trưởng GD-ĐT: "Nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân dẫn tới dạy thêm"
(Dân trí) - "Việc trang bị và nhồi nhét kiến thức chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm và học thêm", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.
Dạy thêm trực tuyến cần phải lên án!
Tại buổi chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn liên tục được các đại biểu hỏi về các vấn đề xoay quanh việc dạy thêm, học thêm. Có đại biểu cho rằng, cần cấm dạy thêm, có đại biểu cảm thấy cần có cách quản lý khác, chứ không thể cấm dạy thêm, học thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại: "Việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm".
Trước câu hỏi của đại biểu về việc gần đây xuất hiện dạy trực tuyến, dạy online, nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng đáp: "Tôi phải khẳng định ngay là bình thường thì đã cần phải ngăn. Khi học trực tuyến, học sinh còn căng thẳng hơn, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung thì càng là công việc chúng ta cần phải lên án".
Ông Nguyễn Kim Sơn viện dẫn, trong Thông tư số 09 ban hành ngày 30/3 quy định về dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp.
"Nếu các trường thấy học sinh đi học quá các giờ theo quy định, tôi đề nghị các sở giáo dục, các địa phương cũng cần phải kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có bố trí quá giờ quá hay không, có hiện tượng này hay không? Quan điểm là chúng tôi cũng sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để nói rằng chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn việc này", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của đại biểu tranh luận cho rằng việc dạy thêm - học thêm là nhu cầu thực tế, cần có cách quản lý khác thay vì cấm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích kỹ hơn về khái niệm "cấm".
Việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài trường và cả những người không làm việc trong cơ sở giáo dục là nhu cầu không thể cấm được.
Dạy thêm do nhồi nhét kiến thức
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước đây Bộ GD-ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng luật đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong luật đầu tư.
Tuy nhiên, việc dạy thêm - học thêm mà nếu giáo viên bớt các nội dung giảng dạy chính thức, hoặc dạy trước nội dung trên lớp là bị cấm. Điều này nằm trong đạo đức nhà giáo. Nếu có các giáo viên dạy thêm như vậy thì mới là điều cần lên án.
"Theo yêu cầu các tỉnh, các sở giáo dục cũng đều đã có những văn bản quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm. Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ rà soát thêm nội dung này để một số vấn đề mà các đại biểu nêu có liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm được xử lý thấu đáo", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc dạy thêm - học thêm cần có những giải pháp chuyên môn và cả giải pháp về tinh thần, thái độ xã hội. Bộ GD-ĐT đang thực hiện các giải pháp về chuyên môn, trong đó có việc đổi mới giảng dạy của một số môn cũng nhằm tăng cường năng lực tự học, sáng tạo của học sinh.
"Việc nhồi nhét kiến thức chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm và học thêm. Thời gian sắp tới, trong các phương án đổi mới kiểm tra vào các giai đoạn 2025, chúng tôi cũng tính đến điều chỉnh phương án thi trung học phổ thông và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này.
Trên thực tế, các phụ huynh của học sinh cũng có tâm lý muốn con em học để ứng thí hơn là chú ý đến việc các con em của mình học để phát triển bản thân các cháu.
Đây cũng còn là một vấn đề tâm lý xã hội cần phải điều chỉnh, xem việc học có phù hợp với con mình hay không hay là cả nhóm bạn đi học nên cũng cho con đi học. Đó là một yếu tố về mặt tâm lý xã hội, dư luận xã hội, tâm lý của phụ huynh, việc này chúng tôi nghĩ là cần một giải pháp mang tính tổng thể", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.