Đặt tên đại học: Ngôn ngữ hay pháp lý?
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được nâng cấp lên thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Việc nâng cấp bằng cách bỏ bớt chữ "Trường" đi là rất độc đáo. Và vì vậy việc này đang gây ra không ít các ý kiến tranh luận trên mạng xã hội - nghiêm túc có, vui đùa có.
Tuy nhiên, việc nâng cấp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên thành Đại học Bách khoa Hà Nội là căn cứ vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của các cơ quan quản lý.
Các khoản 3, 4, Điều 4 của Luật trên giải thích:
"3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Đơn vị thành viên là trường đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học".
Như vậy, theo quy định của pháp luật, chỉ có đại học mới có các trường đại học thành viên, chứ trường đại học thì không thể có các trường đại học thành viên của mình. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội muốn có các trường đại học thành viên của mình, thì buộc lòng phải đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thực ra, cách đây không lâu, Thành phố Thủ Đức đã được thành lập trong Thành phố Hồ Chí Minh. Theo logic thành phố có thể được thành lập trong thành phố, thì tại sao trường đại học lại không thể được thành lập trong trường đại học? Thật không may, câu trả lời là không! Thành phố thành lập trong thành phố không vi phạm quy định của pháp luật. Trường đại học thành lập trong trường đại học thì lại đi ngược với Điều 4 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Một điều không may rất lớn khác là pháp luật đã được thông qua, nhưng ngôn ngữ vẫn không chịu nghe theo. Vấn đề có thể đổi tên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội hay không là một vấn đề ngôn ngữ hơn là một vấn đề pháp lý. Cụ thể, đổi tên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đúng về pháp luật, nhưng sẽ sai về ngôn ngữ.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, đại học là danh từ chỉ một cấp học. Thông thường, chúng ta có ba cấp học chính là tiểu học, trung học và đại học. Đại học vì vậy là một cấp học, không phải là một thiết chế cung cấp dịch vụ đào tạo cấp đại học. Muốn chỉ một thiết chế cung cấp dịch vụ đào tạo cấp đại học chúng ta phải lựa chọn các danh từ chỉ thiết chế như vậy. Các danh từ đó là: viện hàn lâm, học viện, viện, trường…
Trong trường hợp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì thiết chế phù hợp nhất nên lựa chọn là Học viện Bách khoa Hà Nội. Trong Học viện Bách khoa Hà Nội sẽ có các trường đại học và các viện nghiên cứu.
Cuối cùng, cho dù làm luật là làm chính sách hơn là làm văn, thì sự tham gia của các nhà ngôn ngữ vào quá trình soạn thảo văn bản vẫn rất quan trọng. Bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt sẽ giúp cho pháp luật dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống hơn.
Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!