Tâm điểm
Nguyễn Minh Thư

Thuế chứng khoán và chuyện “dao mổ hay búa tạ”

Đề xuất bỏ cách thu thuế 0,1% trên mọi giao dịch bán chứng khoán, để chuyển sang thu 20% trên lợi nhuận ròng thực nhận trong dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang phân chia cộng đồng đầu tư với nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng tôi tin rằng, hướng đi này là một bước tiến tất yếu và cần thiết, dù cho con đường triển khai vẫn còn nhiều chông gai.

Không thể phủ nhận, cách tính thuế 0,1% hiện hành có một ưu điểm duy nhất là sự đơn giản. Nó vận hành như một loại "thuế khoán", dễ thu, dễ quản lý và đảm bảo một nguồn thu ổn định cho ngân sách. 

Nhưng sự đơn giản đó dẫn đến một nghịch lý: nhà đầu tư bán cắt lỗ, chấp nhận mất một phần tài sản của mình, vẫn phải trích một phần tiền thu về để nộp thuế. Đây là một nghịch lý đi ngược lại nguyên tắc cơ bản nhất của thuế thu nhập, đó là chỉ đánh thuế khi có lợi tức. Qua nhiều năm, sự bất hợp lý này đã âm thầm bào mòn niềm tin và tạo ra cảm giác bất công, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh. 

Vì vậy, việc chuyển đổi sang đánh thuế trên lợi nhuận thực tế là một sự sửa chữa cần thiết. Nguyên tắc "có lãi mới nộp thuế" và cho phép bù trừ giữa các khoản lãi lỗ trong năm không chỉ công bằng hơn, mà còn phản ánh đúng bản chất của hoạt động đầu tư vốn đầy rủi ro. Nó công nhận rằng không phải mọi quyết định đều sinh lời, và chỉ khi nhà đầu tư thực sự tạo ra thặng dư sau khi đã cân đối mọi rủi ro, họ mới có nghĩa vụ chia sẻ thành quả đó với xã hội. Đây là cách tiếp cận văn minh mà hầu hết các thị trường phát triển trên thế giới đều đã và đang áp dụng.

Thuế chứng khoán và chuyện “dao mổ hay búa tạ” - 1

Một nhà đầu tư đang quan sát diễn biến thị trường cạnh bảng điện tử của công ty chứng khoán (Ảnh: Đăng Đức).

Tuy nhiên, nút thắt của toàn bộ cuộc tranh luận nằm ở mức thuế suất dự kiến 20%. 

Nhiều người cho rằng mức này là quá cao, và lập luận "thuế chồng thuế" lại được đưa ra. Theo tôi, cần phải nói rõ, đây là một sự nhầm lẫn về bản chất kinh tế. Lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh, và họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp. Lợi nhuận của nhà đầu tư đến từ chênh lệch giá trên thị trường vốn, một sân chơi thứ cấp có quy luật vận động riêng. Đây là hai nguồn thu nhập hoàn toàn khác nhau, và việc đánh thuế trên cả hai là thông lệ phổ biến toàn cầu, không phải là đánh thuế hai lần trên cùng một đối tượng.

Vấn đề thực sự của mức thuế suất 20% nằm ở tính cạnh tranh. 

Chúng ta không vận hành trong một môi trường chân không. Một cái nhìn ra khu vực sẽ cho thấy bức tranh đáng suy ngẫm. 

Vấn đề không phải mức thuế thu nhập cá nhân Việt Nam cao hay thấp hơn sẽ thu hút vốn ngoại, bởi đây là luật thuế quy định cho cá nhân trong nước, không phải cho các tổ chức nước ngoài. Nhưng nhà đầu tư cá nhân đang làm nên sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên sàn chứng khoán TPHCM (HoSE), trong hai năm bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại (2023 - 2024) với tổng giá trị bán ròng hơn 112.000 tỷ đồng, thì nhà đầu tư cá nhân trong nước là đối trọng, mua ròng hơn 104.000 tỷ đồng. 

Bất kỳ chính sách thuế nào làm cho họ cảm thấy không công bằng, cũng cần được cân nhắc. Không chỉ so sánh với mức thuế tương đương tại các quốc gia khác, mà cần so sánh với các mức thuế của các loại hình đầu tư khác. Ví dụ, lãi tiền gửi tiết kiệm, hay mua trái phiếu chính phủ đều đang được miễn thuế. Thì mức thuế đánh trên lãi chứng khoán phải đủ hấp dẫn để nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường này, để nguồn tiền được rót vào đây thay vì các kênh đầu tư an toàn khác. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam càng hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân, thì cũng càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. 

Mặt khác, nếu đề xuất này được thông qua, nó sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho đa số nhà đầu tư cá nhân. Một số công ty nghiên cứu thị trường từng đưa ra thống kê là có đến 95% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ. Với họ, chính sách mới đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn phải nộp thuế nữa. 

Nhưng đề xuất trên cũng sẽ tạo ra tác động rất lớn đến nhóm đối tượng đặc biệt: những người lao động được hưởng cổ phiếu ưu đãi (ESOP). Với chi phí vốn gần như bằng không, hoặc tương đương một phần rất nhỏ với giá thị trường, khoản lợi nhuận khi bán ra của họ là khổng lồ, và mức thuế 20% sẽ là một khoản chi phí đáng kể. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về cấu trúc của các chương trình ESOP. 

Cuối cùng, tôi cho rằng hướng đi thay đổi chính sách thuế là đúng đắn, nhưng cách thức thực hiện mới là yếu tố quyết định thành bại. Mục tiêu không chỉ là tìm kiếm sự công bằng hay gia tăng nguồn thu, mà là kiến tạo một chính sách thuế giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Nó cần một sự cân bằng tinh tế giữa việc đảm bảo nghĩa vụ của người có thu nhập cao và việc duy trì sức hấp dẫn chung của một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Thay vì áp đặt một mức thuế suất cứng nhắc, các nhà làm luật nên cân nhắc một lộ trình áp dụng từ từ, hoặc một biểu thuế lũy tiến linh hoạt hơn. 

Một cuộc đối thoại sâu rộng và thực chất với các thành viên thị trường, cùng với những đánh giá tác động đa chiều một cách cẩn trọng, không chỉ là điều nên làm, mà là việc bắt buộc phải làm. 

Chúng ta cần một chiếc dao mổ phẫu thuật tinh vi, chứ không phải một chiếc búa tạ, để cuộc cải cách này thực sự là một cú hích cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Minh Thư là chuyên gia phân tích tài chính. Chị tốt nghiệp trường Kinh tế Quốc dân, có kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực phân tích tài chính và làm báo mảng kinh tế.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!