Điểm thi giáo dục công dân cao dựng đứng, sĩ tử ào ào đổi tổ hợp xét tuyển
(Dân trí) - Điểm trung bình môn giáo dục công dân (GDCD) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 8,29 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,0 điểm; phổ điểm lệch hẳn sang phải.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn GDCD tiếp tục gây "sốc" khi số lượng thí sinh đạt điểm cao chiếm ưu thế.
Môn thi này có 565.452 thí sinh trong tổng số hơn 1 triệu sĩ tử cả nước tự thi. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy điểm trung bình là 8,29 điểm, điểm trung vị là 8,5 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,0 điểm.
Môn thi này cũng có số điểm cao chiếm kỷ lục. Số điểm 10 là 14.693 (chiếm 89,4% số điểm 10 trên cả nước).
Ngoài ra, môn thi này có 185.776 thí sinh đạt từ 9-9,75 điểm (chiếm 32,9% số thí sinh dự thi).
Nếu tính từ mốc điểm giỏi (8-10 điểm), cả nước có 389.906 thí sinh ở ngưỡng điểm này (chiếm 68,96%).
Ở chiều ngược lại, số thí sinh có điểm liệt (từ 1 trở xuống) chỉ có 26 em (chiếm tỷ lệ 0.005%). Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5.492 (chiếm tỷ lệ 0.97%).
Mức điểm năm nay cao hơn năm trước khi kỳ thi 2022 có điểm trung bình là 8,03 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,5 điểm. Số thí sinh có điểm liệt là 30 (chiếm tỷ lệ 0,01%), số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5.723 (chiếm tỷ lệ 1,03%).
Nhận định về điểm thi môn GDCD, GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tỷ lệ điểm giỏi ở môn này thể hiện được năng lực của các em, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân tốt hơn.
Còn TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT nói môn này có nhiều điểm khá giỏi, đây là điều đáng mừng không có gì lo lắng.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác về xét tuyển đại học, ông Nguyễn Vinh San, Thạc sĩ về đo lường và đánh giá trong giáo dục, nhận định rằng đối với đề thi môn học sử dụng cho cả 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, thông thường mốc điểm trung bình có nhiều thí sinh đạt được nhất sẽ nằm mức 5-7 là phù hợp.
Đối với môn GDCD, ngày càng nhiều trường sử dụng tổ hợp có môn này để xét tuyển nên kết quả điểm thi tác động đến công tác xét tuyển.
"Phổ điểm quá lệch phải, chứng tỏ đây là một đề thi dễ và không phân loại được thí sinh. Đối với các ngành tuyển sinh sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau, thí sinh dùng kết quả môn GDCD sẽ có lợi thế hơn nếu không phân biệt chỉ tiêu theo tổ hợp. Trong khi hầu hết các trường không phân chỉ tiêu theo tổ hợp", ông San nói.
Theo ThS Vinh San, phổ điểm môn GDCD chỉ phù hợp để xét tốt nghiệp, chưa phù hợp để xét tuyển đại học. Từ đó, ông này cho rằng các năm tiếp theo sẽ phải điều chỉnh độ khó của đề thi nếu vẫn sử dụng môn này trong xét tuyển đại học.
Một giảng viên đại học cũng tiết lộ sau khi biết điểm thi, nhiều thí sinh đã "quay đầu" chọn tổ hợp xét tuyển.
"Có thí sinh nhờ tôi tư vấn chọn tổ hợp, em quyết định đổi tổ hợp xét tuyển có môn GDCD. Kết quả, điểm xét tuyển của em cao hơn 1,5 điểm", ông San cho hay.
Trên một số diễn đàn, nhiều học sinh rủ nhau đổi sang tổ hợp có môn GDCD bởi điểm số chênh lệch lớn, trong khi đa số các trường không phân biệt tổ hợp xét tuyển.