Tâm điểm
Bích Diệp

"Chút quà biếu cảm ơn" trị giá tiền tỷ

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, hàng năm, trước khi tổ chức mua sắm giấy in, bà Tô Mỹ Ngọc - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng - đều đến gặp, đặt vấn đề và được ông Nguyễn Đức Thái - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) - đồng ý giúp đỡ, tạo điều kiện được trúng các gói thầu, gói mua sắm, cung cấp giấy in cho NXB.

Các vụ hối lộ được cho biết diễn ra liên tiếp, định kỳ từ năm 2017 đến năm 2021 với những túi tiền chứa hàng tỷ đồng. Các thếp tiền mệnh giá 500.000 đồng gói kín trong giấy trắng hoặc giấy xi măng, để vào túi giấy và được đặt dưới sàn nhà hay cạnh chân bàn.

Ngoài ra, ông Thái còn nhận hối lộ 4,9 tỷ đồng từ ông Nguyễn Trí Minh - nguyên Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát. Tiền hối lộ được ông Minh đựng vào túi nylon màu đen, hay là để trong hộp bánh.

Chút quà biếu cảm ơn trị giá tiền tỷ - 1

Ông Nguyễn Đức Thái (Ảnh: NXB Giáo dục).

Cơ quan điều tra xác định, với việc giúp đỡ hai doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in, ông Thái đã 15 lần nhận hối lộ, tổng 24,9 tỷ đồng.

Những túi tiền chứa hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng được đề cập đến là "chút quà biếu cảm ơn" để "sang năm nhờ giúp đỡ tiếp".

Nếu theo dõi báo cáo tài chính hàng năm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thì thấy rằng mức thu nhập của ông Nguyễn Đức Thái không phải là thấp. Lấy ví dụ trong năm 2021, ông Thái nhận mức lương 544,3 triệu đồng, cộng thêm 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác, tổng thu nhập là hơn 664 triệu đồng. Tuy vậy những con số này lại chẳng thấm vào đâu nếu so với "chút quà biếu" ở trên.

Những bọc tiền lặng lẽ ở chân bàn, lặng lẽ đưa vào két sắt mà "sức mạnh" khó lời nói nào so sánh được.

Theo kết luận điều tra, mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, được thực hiện hàng năm, giá giấy in chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.

Không khó để chúng ta hình dung hệ lụy của hành vi tham nhũng theo như cáo buộc.

Đáng nói, cả 15 lần nhận hối lộ của ông Thái đều diễn ra ở phòng làm việc của NXB và tiền hối lộ được ông Thái cất vào két trong phòng làm việc ngay sau khi khách ra về. Và như vậy, những giao dịch "ngầm" và phạm pháp được thực hiện rất bình thản ngay trong phòng làm việc của lãnh đạo đặt tại trụ sở cơ quan.

Quá trình tố tụng vụ án sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định pháp luật, tuy nhiên ở giai đoạn hiện nay, có thể nói những thông tin từ kết luận điều tra được đăng tải trên báo chí đã giúp công chúng nhìn thấy những "vùng tối", những hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng đã đưa ra các kiến nghị cần thiết như được nêu trong kết luận điều tra, ở đây từ góc độ một khách hàng gián tiếp của NXB, là người có con đang đi học và hàng năm đều phải mua sách từ NXB, trước hết tôi muốn nói lời cảm ơn việc điều tra, làm rõ những "vùng tối" như nêu trên.

Sự việc kéo dài nhiều năm và ông Thái không thể một tay che cả bầu trời. Trong quá trình diễn ra hoạt động đấu thầu với những vi phạm, tiêu cực như vậy, tôi và có lẽ nhiều người khác không khỏi thắc mắc rằng những tiếng nói chống tiêu cực trong nội bộ NXB ở đâu? Và chẳng nhẽ không một doanh nghiệp trượt thầu oan uổng nào cảm thấy bất thường?

Rõ ràng, qua vụ án này một lần nữa cho thấy chúng ta cần tiếp tục tìm giải pháp khắc phục hạn chế của công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ; tăng cường hơn nữa công tác này để tự phát hiện tham nhũng không còn bị nhận xét là "khâu yếu".

Những con số mà báo chí đăng tải cũng cho thấy việc hối lộ tiền mặt đã được các bị can thực hiện rất dễ dàng, trót lọt (cho đến khi bị phát hiện, điều tra). Chính vì vậy, nhìn từ góc độ phòng chống tham nhũng thì việc xác định sự luân chuyển của dòng tiền hối lộ rất quan trọng, khi mà chúng ta đã có quy định rõ ràng những giao dịch (trong đó gửi/rút tiền) giá trị lớn đều phải báo cáo theo quy định hiện hành.

Vấn đề kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản cũng cần đi vào thực chất hơn. Tiền lương, thu nhập lãnh đạo vẫn được NXB báo cáo định kỳ thế nhưng quà cảm ơn, những bọc tiền đặt dưới chân bàn, nằm trong két sắt để ngay phòng làm việc lại chẳng ai biết.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!