DNews

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga

Minh Phương Bùi Ann

(Dân trí) - Ukraine không còn nhiều thời gian và nhiều lá bài mặc cả khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ tư và Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này.

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga

Năm 2025 báo hiệu những diễn biến quan trọng đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Đây là khoảng thời gian các bên tìm cách gây sức ép tối đa với đối phương bằng cách này hay cách khác nhằm giành ưu thế trong bất cứ cuộc hòa đàm tiềm năng nào trong thời gian tới. Nga đang có ưu thế hơn, song Ukraine cũng có những "quân bài mặc cả" nhất định.

"Quân bài" trung chuyển khí đốt

Sau một thời gian đánh tiếng, Ukraine chính thức ngừng vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu từ ngày 1/1, chấm dứt thỏa thuận kéo dài 5 năm giữa tập đoàn Gazprom của Nga và tập đoàn Naftogaz của Ukraine. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh năng lượng của châu Âu và có tác động khác nhau tới các bên liên quan. 

Tất nhiên, khi lựa chọn bước đi này, Ukraine đã phải chấp nhận tổn thất. Việc chấm dứt trung chuyển khí đốt sẽ khiến cho Ukraine mất đi một khoản thu không nhỏ. Trong những năm gần đây, doanh thu của tập đoàn Naftogaz của Ukraine từ trung chuyển khí đốt lên tới hơn 1 tỷ USD. 

Không có nguồn khí đốt trung chuyển cũng có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh các dịch vụ lưu trữ khí đốt của Ukraine cho EU. Hiện nay, tập đoàn Naftogaz của Ukraine có cơ sở lưu trữ lớn nhất châu Âu với công suất 30,9 tỷ m3, trong đó 10 tỷ m3 dành cho các thương nhân nước ngoài. 

Thực tế cho thấy, nếu tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine, các bên sẽ cùng có lợi ích về kinh tế, nhưng Kiev sẵn sàng chấp nhận tổn thất và coi năng lực trung chuyển khí đốt là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga.

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga - 1

Ukraine ngừng trung chuyển khi đốt Nga đến châu Âu từ ngày 1/1 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, theo giới quân sát, quân bài này của Kiev không thực sự hiệu quả bởi các bên đã chuẩn bị cho kịch bản Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga. Tác động của việc ngừng vận chuyển khí đốt đối với EU lại khác biệt đáng kể so với những gì có thể xảy ra cách đây vài năm.

Năm 2009, trong 2 tuần Nga ngừng cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine đã gây ra sự hoảng loạn và khủng hoảng trên diện rộng với khu vực. Tuy nhiên, lần này các nước châu Âu khá bình tĩnh, giá khí đốt ở châu Âu chỉ tăng nhẹ. 

Sở dĩ, ảnh hưởng lần này không quá nặng nề là bởi EU trước đó đã tiến hành dần các bước để giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. EU từng bước đưa ra các biện pháp nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và củng cố thị trường nội khối. 

Do vậy, bất chấp gánh nặng của giá năng lượng và chi phí đầu tư tăng, EU đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm phụ thuộc vào khí đốt đường ống của Nga. Thị phần khí đốt tự nhiên của Nga (cả đường ống và LNG) trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, tăng 35% vào năm 2015 lên 41% vào năm 2020, tuy nhiên con số này giảm xuống chỉ còn 9% vào năm 2023. 

Đến cuối năm 2024, lượng khí đốt Nga vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu chỉ còn 15 tỷ m3, trong đó 13 tỷ m3 đến Slovakia và tiếp tục đến EU, phần còn lại đến Moldova. Đây là một phần nhỏ so với trước kia. 

Tác động của việc ngừng vận chuyển năm 2025 này cũng nhỏ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng khí đốt năm 2021 hay các đợt tăng giá mạnh năm 2022. 

Tuy nhiên, tác động của việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine lại không đồng đều đối các quốc gia thành viên.

Đến năm 2024, khí đốt của Nga thông qua Ukraine chỉ chiếm 5% nguồn cung cấp khí đốt của EU, nhưng Áo, Hungary và Slovakia lại phụ thuộc đáng kể vào tuyến này. Với các nước đó, khí đốt từ Nga chiếm từ 65% đến 78% lượng nhập khẩu, và từ 12% đến 22% tổng mức tiêu thụ năng lượng.  Vì vậy, ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ khiến những quốc gia này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trước việc đường ống qua Ukraine ngừng hoạt động, châu Âu hiện phải tìm một giải pháp thay thế cho lượng khí đốt còn thiếu đó, bằng cách mua thêm khí hóa lỏng (LNG) hoặc giảm mức tiêu thụ, bao gồm cả việc sử dụng nhiều than hơn. Hiện tại, giá thị trường của LNG cao hơn đáng kể so với giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021.

Hai dây chuyền nhà máy LNG mới với công suất hàng năm là 36 tỷ m3 đã được xây dựng và đang chuẩn bị được đưa vào hoạt động tại Mỹ. Một số nhà máy tại Mỹ, Canada và Mexico cũng sắp hoàn thành. Đây có thể là cơ hội giúp châu Âu đa dạng nguồn cung năng lượng. 

Thời gian tới, nhu cầu  khí đốt của  châu Âu đối với Nga có thể giảm dần do kế hoạch REPowerEU của EU đặt mục tiêu là hoàn toàn không phụ thuộc vào tất cả các loại nhiên liệu của Nga vào năm 2027. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư đã được thực hiện vào năng lượng ít carbon và xây dựng các nhà máy LNG mới.

Sự chuyển dịch từ khí đốt của Nga sang thị trường LNG sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể ở EU và các quốc gia sản xuất LNG,  điều này làm tăng nguy cơ phụ thuộc lâu dài. 

Chẳng hạn, Mỹ, quốc gia cung cấp 50%  LNG cho châu Âu vào năm 2023, đã ủng hộ các thỏa thuận mua hàng dài hạn. Điều này không những kéo dài sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch mà còn có thể trì hoãn việc áp dụng công nghệ xanh trong việc thực hiện mục tiêu RePowerEU. 

Nhìn chung, trong ngắn hạn đến trung hạn EU có thể không phải đối mặt với những tác động quá lớn, vì lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Nga vốn đã giảm 6 lần kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. 

Tuy nhiên, gia tăng phụ thuộc vào LNG cũng có nguy cơ làm chậm quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, EU sẽ phải đối mặt với hệ quả chính trị. Giá khí đốt và việc một số quốc gia mất phí trung chuyển như Slovakia có thể gây căng thẳng cho nội bộ EU và làm phức tạp thêm sự phối hợp chính sách giữa các quốc gia. 

Đối với Nga, quân bài này có thực sự gây sức ép đủ mạnh? Xét theo báo cáo của tập đoàn Gazprom trong 9 tháng đầu năm 2024, việc ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine khiến Nga mất khoảng 10% doanh thu và gần một nửa lợi nhuận của bộ phận khí đốt thuộc tập đoàn Gazprom.

Năm 2025, tỷ lệ này sẽ thấp hơn một chút do doanh thu và lợi nhuận tăng từ việc xuất khí đốt sang Trung Quốc. Gazprom dự kiến xuất khẩu 38 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc, khoảng 25 tỷ m3 khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và 15 tỷ m3 sang châu Âu qua đường ống TurkStream đi qua Biển Đen. Do đó, 15 tỷ m3 khí đốt mà Gazprom mất do Ukraine ngừng trung chuyển chỉ chiếm khoảng 16% danh mục xuất khẩu của họ.

Mặc dù vậy, bài toán về thu nhập phức tạp hơn nhiều. Giả sử việc vận chuyển qua Ukraine vẫn được duy trì, giá khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn ở mức 300 USD/1.000 m3. Với giá này, trong trường hợp ngừng vận chuyển, thì Nga đã mất khoảng 4,5 tỷ USD/năm. 

Ngược lại, nếu  giả định việc chấm dứt vận chuyển qua Ukraine sẽ khiến giá tăng khoảng 100 USD/1.000 m3 cho 40 tỷ m3 còn lại mỗi năm được bán cho thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, thì Nga gần như không chịu tổn thất nào. Tuy nhiên, các tính toán này chỉ là tạm thời, vì sự xuất hiện sắp tới của các nguồn cung cấp LNG mới trên thị trường có khả năng bù đắp cho sự thiếu hụt. 

Vì vậy, tổn thất về kinh tế đối với Nga vẫn còn là điều cần xem xét và cân nhắc dựa trên tình hình thực tế. 

Ở khía cạnh khác, việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng với Nga về địa chính trị. Trong lịch sử, lợi thế khí đốt đã củng cố vị thế của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, ảnh hưởng này giờ đây có thể đang bị tác động. Hơn nữa, với việc mất tuyến trung chuyển qua Ukraine, kết nối đường ống của Nga với thị trường khí đốt EU, hiện chỉ phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ, có thể khiến Nga thay đổi chính sách với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài ra, khi khí đốt của Azerbaijan đang nổi lên như một giải pháp thay thế khả thi cho châu Âu, thì ảnh hưởng của Nga trong quan hệ địa chính trị với Azerbaijan có khả năng sẽ bị ảnh hưởng theo. 

Như vậy, bài toán về kinh tế giờ đây còn kéo theo bài toán về chiến lược trong khu vực, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược năng lượng khu vực của Nga.

"Quân bài" tài nguyên khoáng sản

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Một quân bài khác mà Ukraine đang nắm giữ là nguồn tài nguyên đất hiếm và các khoáng sản khác. Kiev chỉ thực sự dùng đến quân bài này khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. 

Trong bản "Kế hoạch chiến thắng" gửi đến ông Trump vào tháng 11 năm ngoái, ông Zelensky đã gợi mở một thỏa thuận đặc biệt với các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, liên quan đến việc cùng bảo vệ các nguồn tài nguyên quan trọng có tại Ukraine, đầu tư chung và sau đó là khai thác tiềm năng kinh tế.

Động thái này nhằm lôi kéo Tổng thống Trump vào một thỏa thuận đổi đất hiếm và các khoáng sản của Ukraine lấy viện trợ hoặc cam kết an ninh của Mỹ, giúp Kiev có vị thế mạnh nhất trong đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn nhấn mạnh  Kiev sẽ không "cho không" tài nguyên thiên nhiên của mình, mà sẽ hướng tới một quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi.

Đề xuất của ông Zelensky ngay lập tức thu hút sự quan tâm của ông Trump trong bối cảnh Mỹ muốn mở rộng nguồn cung tài nguyên, đặc biệt là đất hiếm.

"Chúng tôi đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Ukraine, trong đó họ sẽ đảm bảo những gì chúng tôi cung cấp cho họ bằng đất hiếm và những thứ khác của họ. Chúng tôi đang đầu tư hàng trăm tỷ USD. Họ có lượng đất hiếm tuyệt vời. Tôi muốn có sự an toàn về đất hiếm, và họ sẵn sàng làm điều đó", ông Trump nói.

Ukraine sở hữu 20 loại khoáng sản và kim loại quan trọng của thế giới với trữ lượng có thể lên tới 26.000 tỷ USD. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ukraine là nguồn cung tiềm năng chính về các vật liệu bao gồm titan, lithium, berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken.

Đây là những nguyên liệu quan trọng đối với các lĩnh vực cả quân sự và dân sự như sản xuất xe điện, radar, thiết bị điện tử. Những khoáng sản này có thể giúp Mỹ vượt xa Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh tài nguyên.

Mỹ là nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng 60% và chế biến gần 90% tổng lượng đất hiếm trên thế giới, ban bố lệnh cấm khai thác và sản xuất đất hiếm tại nước này. Động thái này làm dấy lên lo ngại công nghệ phương Tây sẽ bị tê liệt do thiếu nguồn cung đất hiếm.

Vì lý do này, việc tìm kiếm và mở rộng nguồn cung đất hiếm trở thành một trong những ưu tiên của chính quyền ông Trump.

Tuy nhiên, trớ trêu là phần lớn lượng lớn tài nguyên của Ukraine tập trung ở các khu vực bị Nga kiểm soát hoặc gần nơi giao tranh khốc liệt.

Theo nhóm nghiên cứu "We Build Ukraine và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, tính đến nửa đầu 2024, khoảng 40% nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

"Điểm yếu lớn nhất của kế hoạch này là hầu hết các nguồn dự trữ đều nằm ở các khu vực do Nga kiểm soát hoặc rất gần tiền tuyến, nghĩa là không ai có thể khai thác và xử lý các vật liệu này", ông Wolf-Christian Paes, học giả cấp cao về xung đột vũ trang tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Ông Paes cũng nhấn mạnh: "Sẽ rất khó để tiếp cận những tài sản này nếu không có hòa bình lâu dài ở Ukraine. Một lệnh ngừng bắn là không đủ".

Nếu Mỹ muốn đảm bảo nguồn cung đất hiếm và một số khoáng sản khác, chính quyền của ông Trump sẽ phải tìm cách giúp Ukraine giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ hoặc ít nhất là duy trì các vùng lãnh thổ còn kiểm soát.

Tuy nhiên, ở kịch bản tệ hơn, chính quyền của ông Trump sẽ ủng hộ một thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng - điều mà nhiều người lo ngại sau phát biểu gần đây của ông.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, ông Trump nói: " Ukraine có thể đạt được thỏa thuận, hoặc không. Họ có thể trở thành người Nga một ngày nào đó, hoặc không. Nhưng chúng tôi đã đổ một số tiền lớn vào Ukraine, và tôi muốn lấy lại". Điều mà ông quan tâm là việc thu lại lợi nhuận từ khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Cho dù là kịch bản nào, đó chắc chắn không phải thỏa thuận dễ dàng với Ukraine.

Theo các nguồn thạo tin, phái đoàn Mỹ đã đề xuất thỏa thuận trao cho Washington quyền khai thác 50% trữ lượng khoáng sản tương lai của Ukraine, nhưng ông Zelensky từ chối vì cho rằng đề xuất không công bằng, chưa bao gồm các điều khoản đảm bảo ninh cho Ukraine.

Những bất đồng hiện nay liên quan đến điều khoản thỏa thuận khoáng sản khiến mối quan hệ giữa Ukraine và chính quyền Trump rạn nứt. Trong khi ông Zelensky chỉ trích ông Trump "sống trong không gian sai lệch thông tin do Nga tạo ra", ông Trump gọi Tổng thống Ukraine là "nhà độc tài không qua bầu cử".

Nắm trong tay lá bài quan trọng, song Ukraine cũng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc chấp nhận một thỏa thuận không như mong đợi, hoặc từ chối và Mỹ sẽ cắt viện trợ.

Christopher Chivvis, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, bình luận: "Tổng thống Trump hoàn toàn có thể quyết định từ bỏ Ukraine".

Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ đây là chiến thuật đàm phán của ông Trump nhằm buộc Kiev phải chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào trong các cuộc đàm phán đã bắt đầu giữa Nga và Mỹ. Nói cách khác, Ukraine không có nhiều lựa chọn.

Quân bài Kursk

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga - 3

Ukraine hiện kiểm soát hơn 400km2 lãnh thổ ở tỉnh Kursk của Nga (Ảnh: TASS).

Kursk trở thành quân bài mặc cả của Ukraine sau khi quân đội nước này bất ngờ mở chiến dịch tấn công và kiểm soát khoảng 1.300km2 ở vùng đất biên giới này của Nga vào tháng 8 năm ngoái.

Sức mạnh của quân bài này đang giảm dần khi Nga đã giành lại phần lớn lãnh thổ bị Ukraine kiểm soát ở Kursk.

Chiến dịch Kusk là một quyết định vô cùng khó khăn với Ukraine trong bối cảnh thiếu thốn nhân lực, trang thiết bị, vật lộn để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Giới chức Kiev ban đầu khẳng định chiến dịch Kursk nhằm buộc Nga chuyển hướng nguồn lực khỏi miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, càng về sau, Kiev càng cho thấy họ coi đây là quân bài họ cần phải giữ để cải thiện vị thế trên bàn đàm phán với Nga bất chấp đánh đổi bằng tổn thất không nhỏ.

Tổng thống Zelensky mới đây đề nghị đổi lãnh thổ Kursk lấy lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Ý tưởng này ngay lập tức đã bị Moscow bác bỏ. "Đây là điều không thể. Nga chưa bao giờ và sẽ không thảo luận về việc trao đổi lãnh thổ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.

Tổng biên tập báo Nezavisimaya Gazeta, ông Konstantin Remchukov, nói: "Rõ ràng Moscow sẽ không khởi động đàm phán chừng nào họ chưa đẩy được những người lính Ukraine cuối cùng ra khỏi Kursk".

Theo dữ liệu nguồn mở chiến trường, Moscow hiện kiểm soát gần 20% Ukraine, tương đương hơn 112.000 km², trong khi Kiev kiểm soát khoảng 450km² vùng Kursk.

"Các vùng lãnh thổ ở Kursk mà Ukraine hiện nắm giữ không thực sự giá trị. Tuy nhiên, việc giữ lãnh thổ của Nga có thể là một lá bài quan trọng với Ukraine khi Kiev cân nhắc đến việc mặc cả để lấy lại lãnh thổ hoặc những thứ khác mà họ muốn từ Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai", nhà phân tích Angelica Evans tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định.

George Barros, một chuyên gia về xung đột tại ISW, nói Kursk có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, song không có gì chắc chắn rằng Nga sẽ thỏa hiệp. Hoặc nếu có đàm phán, chúng cũng khó diễn ra ngay lập tức và Ukraine sẽ cần phải tìm cách giữ thành quả ở Kursk làm con bài thương lượng.

Tháng trước, Ukraine đã tiến hành một đợt tấn công mới ở Kursk, động thái này "có khả năng mang lại cho Kiev đòn bẩy ngoại giao", Can Kasapoğlu, một chuyên gia chính trị - quân sự tại Viện Hudson, nhận định.

Nếu các cuộc đàm phán bắt đầu trước khi Nga đẩy lùi được lực lượng Ukraine khỏi khu vực này, Ukraine vẫn có thể tìm ra cách để đổi lấy sự nhượng bộ từ Nga bằng cách rút lui khỏi Kursk.

Khi đó, 2 bên có thể sẽ thỏa hiệp về lãnh thổ. Theo đó, Nga vẫn giữ quyền kiểm soát các khu vực họ đã giành được ở Ukraine, nhưng sẽ ngừng giao tranh. Ukraine và phương Tây không chính thức công nhận việc sáp nhập 4 tỉnh gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk và Donetsk vào Nga.

Hai bên sẽ quy định rằng các tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết một cách hòa bình tại một thời điểm nào đó trong tương lai, có thể là 10 năm hay 15 năm.

3 quân bài mặc cả của Ukraine trước đàm phán tiềm năng với Nga - 4

Tỉnh Kursk của Nga nằm giáp biên giới Ukraine (Ảnh: NBC).

Theo Telegraph, FT

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine