Các đại án là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng
(Dân trí) - Bên cạnh thống kê nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm minh vì tham nhũng, Chính phủ nhận định việc khởi tố, điều tra các đại án là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng.
Nội dung này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Báo cáo được thực hiện theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Hơn 1.000 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có mặt thuyên giảm, chỉ số nhận thức về tham nhũng của Việt Nam ngày càng tăng… là những kết quả nổi bật sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng, theo Chính phủ, đã từng bước đi vào nề nếp.
"Việc xác minh theo kế hoạch hàng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là bước đột phá, yếu tố quan trọng, cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức", theo báo cáo của Chính phủ.
Thống kê cho thấy trong 10 năm đã có hơn 8,2 triệu lượt người kê khai. Các bộ, ngành, địa phương đã xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với gần 8.000 người, trong đó có 162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập.
Nhiều quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng cũng được Chính phủ ban hành với xu hướng ngày càng chặt chẽ hơn.
1.141 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, theo thống kê của Chính phủ.
Bên cạnh đó, gần 5.000 cán bộ, công chức vi phạm về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, cũng bị xử lý.
Chính phủ cho biết việc các quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và xử lý vi phạm đã ghi nhận kết quả tích cực. Từ năm 2009 đến năm 2020, có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra được tăng cường, chú trọng vào lĩnh vực "nóng", dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư như: Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, tài chính…
Trong 10 năm, qua gần 74.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 2 triệu cuộc thanh tra chuyên ngành, toàn ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 17.000 tập thể, hơn 23.000 cá nhân; đồng thời kiến nghị thu hồi hơn 351.000 tỷ đồng và 104.216ha đất; chuyển cơ quan điều tra 804 vụ.
Qua hoạt động thanh tra cũng phát hiện 670 vụ và 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất. 434 vụ cùng 665 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Nhiều cán bộ cấp cao "dính chàm"
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, các vụ án, vụ việc về tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá.
Minh chứng được viện dẫn là hàng loạt đại án như vụ Nguyễn Đức Kiên, Ngân hàng ACB; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng Vietinbank; vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan Trịnh Xuân Thanh; vụ Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đất đai" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Theo nhận định của Chính phủ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động chọn khâu đột phá để phát hiện, đấu tranh trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc như y tế, giáo dục, chứng khoán, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Điển hình là vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đưa hối lộ; vụ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ Chủ tịch HĐQT Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...
Theo Chính phủ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có những chuyển biến nổi bật và rõ nét ở từng giai đoạn của quá trình thực hiện Chiến lược và Công ước.
Từ việc bước đầu nhận diện và từng bước khắc phục các vấn đề về "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo" trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2010-2015, tới giai đoạn 3 của Chiến lược và thực thi Công ước đã phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
"Việc khởi tố, điều tra các vụ đại án là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng", theo đánh giá của Chính phủ.
Trong 2 năm cuối của thực hiện Chiến lược và Công ước, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh cả ở cấp độ Trung ương và địa phương, tạo được sự chuyển biến đồng bộ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", góp phần đưa phòng chống tham nhũng trở thành xu thế "không thể đảo ngược" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá.
Trong gần 3.000 vụ án và hơn 5.600 bị cáo bị kết án tham nhũng, Chính phủ cho biết nhiều đối tượng tham nhũng là cán bộ cấp cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng và Nhà nước, đều đã bị xử lý nghiêm minh.
Với dự báo tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, tài sản tham nhũng lớn và xảy ra cả ở khu vực trong lẫn ngoài Nhà nước, Chính phủ nhấn mạnh cần có những giải pháp căn cơ, đột phá.