Bị "tuýt còi" vì vẽ thêm việc
Câu chuyện đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện đúng nội dung quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đã được đặt ra từ lâu, ít nhất cũng hơn 20 năm trước. Luật Đất đai 2003 đã có một chương riêng quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai. Thủ tục hành chính nào, cần những giấy tờ gì, thực hiện trong bao lâu được quy định rất rõ ràng, mạch lạc.
Thế nhưng, trên thực tế triển khai, nhiều cán bộ giải quyết thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Văn phòng đăng ký) vẫn cứ theo tư duy của mình mà yêu cầu thêm giấy tờ. Tôi vẫn còn nhớ khi đó, có một cụ ông tuổi đã ngoài 80 cằn nhằn với tôi rằng cụ làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi cả tên cụ bà (ghi tên vợ và tên chồng). Tên của 2 cụ được ghi trên Sổ hộ khẩu với tình trạng hôn nhân là vợ và chồng. Thế nhưng cán bộ giải quyết cứ đòi cụ phải nộp Giấy đăng ký kết hôn. Cụ bực bội nói lớn: Vợ chồng tôi đã ngoài 80, đều là bộ đội từ thời chống Pháp, kết hôn tại đơn vị đóng quân thì làm gì có Giấy đăng ký kết hôn…
Trải qua bao lần chúng ta quyết tâm cải cách hành chính, trong thực tế, đến giờ nhiều Văn phòng đăng ký vẫn tiếp tục đưa ra đòi hỏi không thuộc phận sự của mình. Vừa qua, người dân nhiều nơi ở TPHCM phản ánh tình trạng một số chi nhánh Văn phòng đăng ký cứ đòi "kiểm tra hiện trạng", tức là cử cán bộ xuống nhà dân đo đạc lại đất đai, nhà cửa… khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ.
Thủ tục này rất đơn giản, chỉ là sang tên "sổ hồng" hay "sổ đỏ" từ người chuyển quyền sang người nhận chuyển quyền nếu các bên tham gia không có yêu cầu xác định lại diện tích. Trường hợp có vướng mắc về nhà thì cơ quan quản lý nhà chịu trách nhiệm. Đòi "kiểm tra hiện trạng" là thêm thủ tục, không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Vì sao cơ quan quản lý cứ thích cử cán bộ xuống nhà dân?
Để giải quyết tình trạng "vẽ thêm việc" của một số chi nhánh Văn phòng đăng ký nêu trên, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu thực hiện đúng các quy định tại khoản 5 điều 224 của Luật Đất đai 2024, Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, không làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý khác. Hoan nghênh TPHCM đã có chỉ đạo kịp thời để uốn nắn những lệch lạc nằm ngoài quy định của pháp luật hiện hành, cản trở sự phát triển chậm lại.
Chuyện "vẽ thêm việc" để làm có thể suy đoán ra nhiều lẽ, có thể "vẽ việc" để thu thêm tiền, có thể gây khó khăn để dân phải "bôi trơn"...
Trong thực tế, thủ tục hành chính cho một trường hợp chuyển quyền nhà đất ở ta hiện nay mất khoảng 30 ngày, mặc dù quá trình chuyển đổi số ở nước ta đã được khởi động từ 20 năm trước rồi. Ngân hàng Thế giới đã có 2 dự án trong vòng 20 năm giúp ta chuyển đổi số phục vụ quản lý đất đai. Nhìn sang nước bạn Thái Lan, quốc gia có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khá tương đồng với ta, họ chỉ mất có 1 ngày để làm thủ tục tương tự.
Nhiều năm qua, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta luôn thuộc nhóm đứng đầu. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Chính phủ nước ta tổ chức "Đối thoại về tham nhũng đất đai" với sự tham gia của nhiều tổ chức phát triển quốc tế. Báo cáo của phía quốc tế được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và có trách nhiệm. Họ chỉ ra 2 dạng tham nhũng: Một là tham nhũng lớn từ chênh lệch giá đất giữa giá nhà nước (rất thấp) và giá thị trường (rất cao), làm cho chủ dự án đầu tư được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thu lợi lớn; và hai là tham nhũng vặt từ việc gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Tham nhũng vặt kiểu "bôi trơn" bằng "phong bì" có giá trị nhỏ nhưng số lượng lại lớn nên tổng cũng lớn.
Nhiều người dân vẫn bàn tán rằng để được cấp "sổ đỏ" thì phải "bôi trơn", đất ở các đô thị phát triển giá khá cao nên "bôi trơn" cũng "vất vả hơn". "Bôi chưa đủ trơn" thì có nhiều vấn đề phát sinh như vướng quy hoạch, vướng dự án, vướng hành lang an toàn công trình, vướng di tích lịch sử, chờ đo đạc lại, chờ ý kiến cấp trên... "Bôi đủ trơn" rồi thì cũng có nhiều lý do để thuyết trình rằng mọi vướng mắc đã giải quyết xong.
Nước ta có khoảng 25 triệu hộ gia đình, giả sử không phải tất cả mà chỉ một phần trong số 25 triệu hộ này khi cần làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho 1 thửa đất, phải "bôi trơn" mất 1 triệu đồng thì nhân lên con số là rất lớn. Trong thực tế có những hộ sở hữu nhiều thửa đất và ngoài thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì họ còn phải làm nhiều thủ tục hành chính khác nữa.
Chúng ta có rất nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) như miễn hay giảm thuế một thời gian nhất định, giảm tiền thuê đất,... Tôi cũng có nhiều dịp chuyện trò với một số nhà đầu tư nước ngoài, họ nói rằng chúng tôi không cần những ưu đãi về tài chính, điều chúng tôi cần nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính sao cho có định hạn rõ ràng để chúng tôi chủ động kế hoạch tài chính của doanh nghiệp, hơn nữa "đối với doanh nghiệp, thời gian là thời cơ, chậm luôn có nguy cơ tuột mất thời cơ".
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mang tính toàn cầu, đây chính là giá đỡ để thực hiện kỷ nguyên thông minh mà công nghệ chủ đạo là trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật" (IoT), để tiến tới một thế giới xử lý tác vụ theo thời gian thực (real time) và trực tuyến (online). Kết quả là trong cõi người trăm năm có thể làm được tổng công việc của cả nghìn năm.
Ở ta vẫn còn quá chậm chạp. Chuyển đổi số dù đã phát huy hiệu quả ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác, song trong lĩnh vực đất đai thì chưa giúp được dân làm các thủ tục hành chính nhanh hơn một cách đáng kể. Đó là chưa nói tới những mục tiêu xa hơn, hiệu quả hơn như quy hoạch theo mô hình 4D, giám sát và đánh giá việc thực thi pháp luật, thay đổi quy trình sản xuất sang phát triển sạch, giảm số lượng lao động trong khu vực công, nâng cao chất lượng lao động.v.v.
Người dân vẫn ngậm ngùi với câu thành ngữ mới "...không vội được đâu!".
Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!