Bài học đau xót cho nhân loại từ "địa ngục" Auschwitz
Mỗi lần tới dịp kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5), tôi lại nhớ chuyến đi tới trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), và vẫn còn rùng mình vì những điều mắt thấy, tai nghe.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Auschwitz giống như một khu nghỉ mát. Những vườn cây um tùm. Táo, lê, đào, mận… chín đỏ rủ xuống bóng cây dịu mát. Không một ai, nếu không được biết trước, lại có thể nghĩ rằng đây lại từng là "địa ngục ở trần gian".
Auschwitz là một mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt do Đức Quốc xã dựng lên tại vùng lãnh thổ Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khu trại tập trung lớn nhất rộng 40km2, nằm giữa một thung lũng kín đáo, nhiều cây xanh rất tốt cho việc ngụy trang. Có lẽ đây là một trong những lý do Đức Quốc xã chọn nơi này làm trại tập trung. Đây cũng là đầu mối của các tuyến đường sắt lớn từ khắp châu Âu đổ về: Đức, Ý, Nga, Phần Lan…
Chúng tôi dừng lại khá lâu trước cổng trại. Đứng lặng trước những hàng rào kẽm gai, trước cái cổng sắt có màu sơn kẻ sọc. Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số nạn nhân của các trại tập trung, trong đó nhiều nguồn đáng tin cậy nhận định hơn 1 triệu người đã bước qua cái cổng sắt quái gở của Auschwitz để rồi không bao giờ trở về với cuộc sống. Các nạn nhân đa phần là người Do Thái, người Digan, tù binh là Hồng quân Liên Xô, người dân từ các nước châu Âu…
Người giới thiệu với chúng tôi hôm ấy là một người Ba Lan. Anh đã từng theo Hồng quân trở về giải phóng Auschwitz. Vào phòng xem phim tư liệu - "thủ tục" đầu tiên của những người đến tham quan Auschwitz, tôi để ý tới một tấm biển viết bằng tiếng Anh trước cửa phòng: "Cấm trẻ em dưới 15 tuổi". Phải đi hết một vòng tham quan và nghĩ lại những thước phim tư liệu ấy mới hiểu hết ý nghĩa của tấm biển.
Bộ phim dài chưa đến 30 phút, tập hợp tư liệu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những đoạn phim của Đức Quốc xã quay cảnh trại giam, các thủ thuật giết người… Hai nhà báo của Romania và Cộng hòa Séc ngồi cạnh tôi đã không chịu nổi những cảnh tượng khủng khiếp trên phim, cả hai xin phép ra khỏi buồng chiếu. Những phút cuối của bộ phim, tôi cũng không còn nhớ được gì nữa. Nhiều cảnh tượng khiến tôi phải nhắm mắt lại vì khủng khiếp quá. Đó là những cảnh trẻ em bị treo ngược và bọn lính dùng lưỡi lê đâm vào các em như đâm vào những hình nộm…
Kết thúc bộ phim là cảnh Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, giải phóng những người tù còn lại ở Auschwitz. Những đoàn người, trong đó có rất nhiều trẻ em khiếp sợ không dám bước ra khỏi cổng trại. Họ cứ đứng ngây ra, không tin là mình đã được cứu sống.
Ám ảnh nhất trong bộ phim là các lò hơi ngạt. Để những người tù bước ra khỏi buồng giam của mình được yên tâm, lính Đức Quốc xã nói với họ rằng: Họ sắp được đi tắm.
Sau khi "phòng tắm" đã chật ních người, những chiếc vòi hoa sen bắt đầu hoạt động. Bọn lính đóng cửa phòng lại và lùi ra xa, ra tận con đường chính. Những người tù chỉ kịp nhìn thấy một đám sương mù, hệt như hơi nước phun ra từ những chiếc vòi hoa sen. Rồi họ ngã vật xuống, chồng lên nhau, không ai kịp kêu lên một tiếng.
Đó là luồng hơi độc, với nồng độ cực mạnh mà bọn lính bơm vào phòng qua những chiếc vòi hoa sen.
Hơn một tiếng đồng hồ, sau khi tất cả các nạn nhân trong phòng đã chết, bọn lính đeo mặt nạ phòng độc bước vào phòng. Chúng xúc những xác chết lên các toa goòng nằm rải rác trên một tuyến đường sắt nhỏ nối liền từ căn phòng đến lò thiêu. Bọn lính đã biến những người dân vô tội ở Auschwitz, những người vừa đi trên con đường có bóng cây um tùm kia thành những nắm tro được đóng vào các thùng sắt tây chỉ trong 5 tiếng đồng hồ.
Trại tập trung Auschwitz hôm nay vẫn còn các kho đựng đầy tóc, giày dép, vali, bàn chải đánh răng... của nạn nhân. Người giới thiệu cho hay rằng, những gì chúng tôi thấy chỉ là một phần mười số "kho" mà Đức Quốc xã đã phi tang trước khi Hồng quân tiến vào. Ở Auschwitz còn lại 7.000 cân tóc đủ màu: vàng, vàng hoe, đen, bạc trắng của hàng triệu nạn nhân.
Buổi chiều, chúng tôi đến đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã mất tại khu trung tâm của trại, bên cạnh một bức tường còn lỗ chỗ vết đạn - nơi lính Đức Quốc xã xử bắn tù nhân. Một nhà báo đến từ Cộng hòa Séc kể rằng ông nội anh đã ngã xuống ở đây. Anh nói với tôi "Không thể nào hiểu được, hoàn toàn không thể hiểu được cả triệu người đã bị giết chết ở một nơi rất thơ mộng này. Đây thực sự là bài học đau xót cho cả nhân loại! Thời nào cũng vậy, phải ngăn chặn những tên bạo chúa! Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn hoàn toàn những tên bạo chúa, những hành động giết người hàng loạt dưới bất cứ hình thức và danh nghĩa nào".
Tôi lặng lẽ gật đầu đồng ý với anh. Chuyến tham quan nặng nề nhất trong cuộc đời tôi, không thể nào quên được và cũng giúp tôi hiểu rằng: Nhân loại không thể mất cảnh giác!
Tác giả: Nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) nguyên là Tổng biên tập Báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!