1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz

(Dân trí) - Một số nguyên thủ quốc gia hôm qua đã tới Ba Lan dự sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz (27/1/1945). Những nạn nhân sống sót đã kêu gọi thế giới không để tội ác tương tự lặp lại với người Do Thái.

 
 
Hình ảnh của những đứa trẻ sống sót sau khi trại tập trung

Hình ảnh của những đứa trẻ sống sót sau khi trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng. (Ảnh: BBC)

Các nghi thức  kỷ niệm được tiến hành tại Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã, nằm cách thủ đô Vácsava của Ba Lan 286km. Buổi lễ có sự hiện diện của các quan khách nước ngoài, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng lãnh đạo của một số nước đồng minh thời chiến.

Auschwits là cái tên gợi lên những ký ức kinh hoàng trong thế chiến II. Trước khi Hồng quân Liên Xô giải phóng trại này vào ngày 27/1/1945, khoảng 1,1 triệu người đã bị Đức Quốc xã sát hại, trong đó phần lớn là người Do Thái.

Hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz và các quan khách dự lễ kỷ niệm ngày 27/1.(Ảnh: 

Hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz và các quan khách dự lễ kỷ niệm ngày 27/1.(Ảnh: AFP)

Hôm qua 27/1, nhà chức trách Ba Lan đã dựng nên một lều trại lớn để đón tiếp hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz trở về dự lễ kỷ niệm và tưởng nhớ những người đã khuất. Buổi lễ hôm qua có lẽ là dịp đánh dấu số lượng lớn nhất những người sống sót tham dự sự kiện này.  

Hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz và các quan khách dự lễ kỷ niệm ngày 27/1.(Ảnh: 

Ông Yuda Widawski, 96 tuổi, là một trong số những người sống sót trong trại tập trung Auschwitz có mặt tại buổi lễ kỷ niệm hôm qua. (Ảnh: Getty)

Buổi lễ kỷ niệm bắt đầu bằng một buổi hòa nhạc cổ điển, sau đó những người còn sống sót tại trại Auschwitz được chào đón. Nạn nhân còn sống Roman Kent (86 tuổi) phát biểu tại lễ tưởng niệm: “Chúng tôi, những người sống sót không muốn quá khứ đau thương lặp lại với con em mình trong tương lai”.

Chủ tịch Hội đồng Do Thái Thế giới Ronald S Lauder phát biểu trong buổi lễ: “Hiện những người Do Thái đang nằm trong vòng nguy hiểm, bị nhắm đến chỉ vì họ là người Do Thái”. “Một lần nữa, những cậu bé Do Thái lại không dám đội mũ truyền thống trên đường phố Paris, Budapest, London hay thậm chí là Berlin", ông nói.

Hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz và các quan khách dự lễ kỷ niệm ngày 27/1.(Ảnh: 

Buổi lễ hôm qua 27/1 có lẽ là dịp đánh dấu số lượng lớn nhất những người sống sót tham dự sự kiện kỷ niệm này. (Ảnh: AFP)

Theo BBC, số các hành vi chống Do Thái ở Pháp đã tăng gấp đôi trong năm 2014 lên hơn 850 trường hợp. Hồi đầu tháng này, một siêu thị Do Thái đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công khủng bố làm rung chuyển thủ đô nước Pháp.

Trước khi rời Paris đến dự lễ kỷ niệm tại Ba Lan, Tổng thống Hollande lên án việc chống Do Thái tại Pháp và khẳng định trước đông đảo người Do Thái tại một đài tưởng niệm ở Holocaust rằng “Pháp là quê hương của các bạn”. 

Trước lễ kỷ niệm ngày 27/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã phát biểu rằng: "Thật ô nhục khi người Do Thái phải đối mặt với những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực". Bà Merkel khẳng định: "Chính quyền Đức đã chiến đấu phản đối việc chống Do Thái và tất cả các hành động phân biệt chủng tộc ngay từ đầu". 

Tổng thống Nga Vladimir Putin(trái) ngày 27/1 tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng Do Thái 

Tổng thống Nga Vladimir Putin(trái) ngày 27/1 tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng Do Thái ở Mátxcơva. (Ảnh: AFP)

Trong ngày kỷ niệm trọng thể tại Ba Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng Do Thái ở Mátxcơva cùng với Trưởng giáo sỹ Do Thái Nga, Berel Lazar. Dù Hồng quân Liên Xô đã giải phóng trại Auschwitz năm 1945, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã quyết định không tham dự lễ kỷ niệm tại Ba Lan sau những rạn nứt giữa Mátxcơva và Vácsava xoay quanh vấn đề Ukraine.
Thoa Phạm
Theo BBC