Áp lực "sinh Rồng Vàng"
Hai giờ đêm, mẹ tôi nhắn tin. Thường tôi không thích nhận tin nhắn vào lúc nửa đêm vì đa phần đều là tin không vui. Trộm vía, mẹ nhắn chị dâu tôi mới hạ sinh con đầu lòng. Gia đình tôi không nặng nề về tuổi tác nhưng mẹ tôi cũng vui mừng khi có cháu tuổi Rồng.
Việc sinh nở của anh chị tôi diễn ra tự nhiên, không có chủ đích phải sinh con vào một năm nào nhất định. Con cái là lộc trời ban, sinh năm nào, tuổi nào cũng là điều đáng quý. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, tuổi Rồng (Thìn) là một trong 4 tuổi đẹp nhiều người muốn sinh con, bên cạnh tuổi Dậu, Hợi và tuổi Ngọ.
Báo chí ghi nhận số lượng các ca khám chữa sinh con tăng vọt tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Cơn sốt "săn Rồng Vàng" náo nhiệt từ đầu năm nay để sinh con cho kịp cuối năm. Báo Dân trí dẫn lời bác sĩ Phạm Thúy Nga, trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - nam học (Bệnh viện phụ sản Hà Nội), cho hay từ năm 2023 đến nay số lượng bệnh nhân tăng vọt. Nhiều cặp vợ chồng tìm đủ mọi cách để có con trong năm nay, nên dù bác sĩ đã khuyến cáo sức khỏe sinh sản hoàn toàn bình thường, họ vẫn thực hiện IUI (phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Áp lực phải sinh con năm rồng khiến các cặp vợ chồng này muốn "chắc ăn" có con tuổi Rồng.
Các nước châu Á, đặc biệt trong khu vực Đông Á, chia sẻ chung niềm tin về việc sinh con trong năm Rồng sẽ đem lại may mắn và thành công cho trẻ. Liệu niềm tin trên có căn cứ hay không? Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 bởi hai nhà nghiên cứu Naci H. Mocan và Han Yu từ Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (NBER) đã đưa ra một vài câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu về những người sinh năm Rồng trong nhiều thập kỷ với cơ sở dữ liệu từ Trung Quốc - đây là điểm quan trọng vì quan điểm sinh con năm Rồng của người Mỹ gốc Á chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác biệt so với người châu Á. Kết quả cho thấy có mối tương quan giữa sinh con năm Rồng và một số chỉ số về mức độ thành công của trẻ em.
Ví dụ, những người sinh trong năm Rồng có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao hơn 14% so với những người sinh ra trong năm khác. Trẻ em sinh năm Rồng cũng có điểm số cao hơn trong các kỳ thi như thi đại học, điểm GPA trong giai đoạn trung học.
Kết quả trên có thể kết luận rằng trẻ sinh năm Rồng sẽ thành công hơn không? Không hẳn. Thành công của trẻ sinh năm Rồng không phụ thuộc vào yếu tố chiêm tinh hay thiên bẩm mà được định hình bởi ba yếu tố: Kỳ vọng cao hơn của cha mẹ; mức độ đầu tư của cha mẹ trong việc học của con; và giảm thời gian việc nhà cho trẻ sinh năm Rồng.
Với niềm tin rằng con sinh năm Rồng sẽ thành công, nhiều bậc cha mẹ đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc cho con hơn. Đây là một ví dụ điển hình cho "feedback loop" (tạm dịch: Vòng lặp phản hồi) khi kết quả của một hệ thống được sử dụng để củng cố cho những giá trị đầu vào. Cha mẹ sinh con năm Rồng tin rằng con sẽ thành công nên sẽ đầu tư nhiều hơn vào con cái dẫn đến tỷ lệ thành công của con cao hơn, rồi sau đó lại dựa vào những kết quả này để củng cố niềm tin rằng, sinh con năm Rồng sẽ dẫn đến thành công của trẻ.
Cha mẹ đầu tư vào chất lượng giáo dục của con cái là điều đúng đắn. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào một năm sinh nhất định có thể khiến cha mẹ dành bớt sự quan tâm nếu con sinh vào năm khác hoặc với gia đình có nhiều hơn một con. Khi trẻ con cảm nhận được sự quan tâm cũng như công sức của bố mẹ dành cho trẻ năm Rồng nhiều hơn, khả năng cao các em có thể cảm thấy bất mãn, phản kháng và ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Sinh năm Rồng mang lại cho trẻ một số lợi thế, phần lớn từ sự đầu tư của gia đình. Vậy ở chiều ngược lại, trẻ sinh năm Rồng có gì bất lợi không? Câu hỏi trên nếu nhìn rộng ra sẽ là: Trẻ sinh ra trong những năm với tỷ lệ sinh rất cao có bất lợi không?
Câu trả lời là có. Nhìn một cách cảm quan, phụ huynh và các gia đình sẽ là người cảm nhận rõ áp lực này nhất. Số lượng trẻ tăng cao đẩy việc ghi danh cho con vào trường học trở nên cạnh tranh hơn, nhiều trẻ sẽ không thể học được ở những ngôi trường mong muốn và viễn cảnh đạp cửa xếp hàng, xếp chỗ cho con vào lớp Một có thể sẽ diễn ra trong 5-6 năm nữa. Đông trẻ sinh ra trong một năm đồng nghĩa với tỷ lệ chọi vào đại học sẽ cao hơn sau 18 năm, tỷ lệ cạnh tranh công việc cao hơn sau 22 năm, giá nhà cửa có thể sẽ đẩy cao hơn khi số lượng nhà cửa không tăng trong khi nhu cầu cao vút.
Cách đây 2 tuần, New York Times đăng tải bài viết "It's me, Hi, I am the Problem. I am 33 (tạm dịch: Là tôi đây, xin chào, tôi là vấn đề. tôi 33 tuổi)" đề cập sự bùng nổ dân số của thế hệ sinh năm 1991, 1992 tại Mỹ. Bài viết đưa ra rất nhiều vấn đề thế hệ đông dân phải gánh chịu: Thị trường việc làm ảm đạm, giá nhà cửa tại Mỹ tăng chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp trồi sụt. Đi ngược lại lịch sử với thế hệ những người sinh năm 1955-1965, thời điểm bùng nổ dân số tại Mỹ hậu chiến tranh, tỷ lệ người vô gia cư cũng cao hơn trong nhóm này.
Tôi nghĩ rằng trẻ sinh vào năm nào không quá quan trọng, thậm chí sinh trong năm được coi là "năm xấu" theo chiêm tinh học cũng có những lợi thế nhất định với tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn trong nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, nhiều gia đình phương Tây coi trọng tháng sinh của trẻ nhỏ hơn là năm sinh. Nghiên cứu được thực hiện tại nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng, trẻ sinh đầu năm sẽ có lợi hơn trong một số lĩnh vực như khả năng tiếp cận kiến thức, năng lực thể thao. Giả sử trường học chấp nhận cho trẻ sinh từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 nhập học vào lớp Một, trẻ sinh đầu năm có sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ hơn đến gần một năm so với trẻ sinh cuối năm - tất nhiên trong điều kiện giả định rằng phương pháp nuôi dạy của các bậc phụ huynh không khác nhau quá nhiều.
Tại Anh, trẻ sinh sau tháng 9 sẽ nhập học lớp Một cùng với học sinh sinh vào năm sau. Cùng học lớp Một, trẻ sinh vào tháng 9 năm trước sẽ có lợi hơn rất nhiều so với trẻ sinh vào tháng 8 năm sau. Nghiên cứu được Trường Kinh tế London thực hiện vào năm 2007 cho thấy, trẻ sinh vào tháng 8 (năm sau) có khả năng đạt được ngưỡng năng lực học thuật ở tuổi lên 7 thấp hơn 25% so với trẻ sinh vào tháng 9 (năm trước). Mặc dù khoảng cách này sẽ thu hẹp chỉ còn khoảng 5% ở tuổi 16, đây vẫn là một điều cần được các phụ huynh và nhà giáo dục quan tâm.
Quay lại với câu chuyện sinh con năm Rồng, "cơn sốt" sinh năm Rồng không chỉ diễn ra tự nhiên mà đôi khi được các chính phủ nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia châu Á chạm ngưỡng rất thấp. Khuyến khích trẻ sinh năm Rồng thực chất là khuyến khích tỷ lệ sinh của một quốc gia. Tôi coi đây là một điểm thú vị khi tại nhiều nước, dù chính phủ đưa ra nhiều biện pháp khuyến sinh trong vài năm trở lại đây, nhưng người dân vẫn không quá mặn mà. Tuy nhiên, với niềm tin "sinh con năm Rồng sẽ thành công", các cặp đôi không cần sự can thiệp hay khuyến khích của chính phủ. Giới chức trách Trung Quốc đang hy vọng năm Rồng sẽ mang đến một cơn mưa mát lành cho "cơn khát" trẻ nhỏ tại quốc gia với tỷ lệ sinh đang ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.
Khuyến khích sinh nở cần phải đi cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng mỗi quốc gia. Các quốc gia có thể mở thêm trường học khi trẻ năm Rồng vào lớp Một không? Số lượng việc làm hay nhà cửa có thể tăng cao hơn khi nhóm tuổi này bước vào độ tuổi lao động hay không? Nhìn xa hơn nhu cầu của trẻ tuổi Rồng, liệu những nhu cầu về mặt sinh nở và nuôi dạy con cái của các cặp đôi có được đáp ứng không? Chính phủ có san sẻ những gánh nặng kinh tế - xã hội với các gia đình trong việc nuôi dạy trẻ hay không?
Nếu những câu hỏi trên có câu trả lời, có lẽ bài toán dân số sẽ phần nào có lời giải, không chỉ với việc sinh con trong năm Rồng mà trong bất cứ năm nào.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!