DMagazine

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, hiện ngành y đang gặp sức ép về thu nhập và thiếu thốn nhân sự, nên các bệnh viện sẽ thấy nhiều khó khăn khi áp dụng quy định của Luật Viên chức.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, hiện tại ngành y đang gặp sức ép về thu nhập và thiếu thốn nhân sự, nên các bệnh viện sẽ thấy nhiều khó khăn khi áp dụng quy định của Luật Viên chức.

Bên cạnh những tranh cãi về việc bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện có phù hợp hay không, mọi người còn đặt ra câu hỏi là làm cách nào để nhân viên y tế không vì "cơm áo gạo tiền " mà bước qua lằn ranh pháp luật.

"Dùng giờ công để làm ngoài là sai, không có gì bàn cãi"

Trao đổi cùng phóng viên Dân trí, bác sĩ T., Trưởng khoa Tim mạch một bệnh viện ở TPHCM cho rằng, quy định nhân viên y tế phải xin phép cơ quan chủ quản để đi làm thêm là hợp lý. Vì khi xảy ra tai biến y khoa, người ta sẽ đặt vấn đề bác sĩ này ở bệnh viện nào, chuyên môn đủ chưa mà ra ngoài khám chữa bệnh, đồng thời truy trách nhiệm quản lý và gây ảnh hưởng đến đơn vị chủ quản.

"Nếu tay nghề chưa đạt mà đi làm lung tung, gây tai biến sẽ mang tiếng cho bệnh viện. Thực tế, tôi cũng có biết bác sĩ ra ngoài làm mấy chỗ nhưng không xin phép cơ quan", bác sĩ T. nói.

Theo bác sĩ T., khi hệ thống công lập không lo đủ kinh tế cho gia đình nhân viên, bệnh viện có thể tạo điều kiện để họ làm thêm bên ngoài, miễn sao tốt nhất cho người bệnh, đừng làm bậy, làm hại bệnh nhân là được.

Bác sĩ M., công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 lại cho rằng, quy định phải xin phép cụ thể khi đi làm thêm là bất cập, không phù hợp với quy luật cung cầu.

"Thực tế, tôi không chỉ làm ở một phòng khám mà còn sắp xếp thời gian rảnh để làm những nơi phù hợp khác, và có lúc công việc đến bất ngờ. Nếu tôi làm ở 10 phòng khám thì không thể kê khai chi tiết hết tất cả cho Ban giám đốc bệnh viện được. Tôi nghĩ nếu thực hiện, chỉ nên làm bảng xin phép đi làm ngoài giờ chung.

Nếu tôi làm quá sức, không đảm bảo năng suất lao động thì bệnh viện có thể tự đánh giá qua kết quả công việc, để chấp nhận cho làm tiếp hoặc ngưng hợp đồng. Còn dùng giờ công để làm ngoài là sai, không có gì bàn cãi", bác sĩ M. nói.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 1

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 2 chạy thận cho bệnh nhân trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật Gia đình, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích, hiện nay, tình trạng các bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác đến các bệnh viện tư diễn ra ngày một nhiều.

Nguyên nhân thường xuất phát do áp lực công việc lớn, thu nhập thấp không tương xứng, môi trường làm việc và các chế độ chính sách chưa đủ hấp dẫn… Ngoài ra, còn do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu. Từ đó dẫn tới tình trạng, các y bác sĩ chọn làm thêm hoặc chuyển hẳn đến các cơ sở tư nhân để tăng thu nhập.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Hùng cho biết, ngoài Điều 14 của Luật Viên chức quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian, tại Khoản 7, Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề y và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh) có quy định:

"Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau. Tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký".

Ngoài ra, ngày 17/7/2018, Sở Y tế TPHCM đã ban hành "Kế hoạch triển khai thực hiện việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành y tế thành phố". Trong kế hoạch có yêu cầu không để xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động tham gia khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính tại các cơ sở y tế ngoài công lập khi chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 2
Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 3

Như vậy, đã có hành lang pháp  lý về việc nhân viên y tế hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ làm việc. Luật sư Hùng cho rằng, những quy định trên là hợp lý, vì thực tế vẫn có tình trạng y bác sĩ sử dụng giờ làm việc hành chính, giờ làm việc "công" để hành nghề "tư". Điều đó gây ra rất nhiều nguy cơ, không chỉ dừng lại ở việc vi phạm pháp luật, mà còn có những rủi ro khi chẳng may xảy ra biến chứng y khoa… bác sĩ đó lại không đăng ký làm ngoài giờ, không xin phép hay báo cáo với lãnh đạo khoa.

Đợi sửa luật thì nhân viên y tế "khó sống"

Ở chiều ngược lại, khi mức lương các bác sĩ nhận được rất thấp và không đủ trang trải cuộc sống thì việc làm thêm, thậm chí rời công sang tư là điều dễ hiểu .

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những bác sĩ bệnh viện công có thể đến với bệnh nhân bên ngoài mà vẫn đảm bảo giờ làm việc, vẫn hoàn thành trách nhiệm, không vi phạm quy định?

Luật sư Hùng đề nghị, ngành y tế cần phải thay đổi nhiều chính sách phù hợp nhằm giữ chân các y, bác sĩ, tạo điều kiện cho họ cống hiến, gắn bó với nghề. Trong đó, quan trọng nhất là việc cải thiện thủ tục hành chính về khám chữa bệnh, thay đổi quy chế tiền lương phù hợp với công sức lao động, cải thiện môi trường làm việc bằng cách đầu tư, kiểm soát việc mua sắm các trang thiết bị y tế, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động.

Trong khi chờ đợi quy định pháp luật hoàn thiện để cân bằng lợi ích, bệnh viện cần tìm các giải pháp để cải thiện thu nhập một cách chính đáng cho bác sĩ, như tạo điều kiện cho họ làm thêm, làm ngoài giờ ngay tại nơi mình công tác.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 4

Luật sư đề nghị cần cải thiện thủ tục hành chính, thay đổi quy chế tiền lương phù hợp với công sức lao động của nhân viên y tế (Ảnh: Hoàng Lê).

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, ông hoàn toàn thấu hiểu và biết có những bác sĩ làm ở bệnh viện công nhưng không thể đi làm ngoài giờ, không được hợp tác với bệnh viện khác, khiến họ không đủ sống và phải xin nghỉ việc. Thời điểm hiện tại, khi tình hình lương bổng và thu nhập khó khăn, điều này càng dễ xảy ra.

Tuy nhiên, trong trường hợp bác sĩ dùng thời gian làm việc bình thường, vẫn chấm công, vẫn đăng ký có mặt tại bệnh viện nhưng đi làm ngoài là hành vi vừa vi phạm quy định, vừa không an toàn cho bệnh nhân. Theo PGS.TS Dũng, cơ số nhân sự trong bệnh viện đã được tính toán vừa đủ. Nếu nhân viên y tế tự ý đi ra ngoài làm thiếu hụt cơ sơ đó, để giám đốc gọi loa đến mới phát hiện không có mặt, hoặc có xin nhưng lãnh đạo bệnh viện không cho mà vẫn đi thì đã làm sai và sẽ ảnh hưởng đến công việc tại đơn vị. Việc đi làm thêm chỉ có thể thực hiện khi bác sĩ làm ngoài giờ, sau ca trực.

Bác sĩ Dũng chia sẻ, hiện tại ngành y đang gặp sức ép về thu nhập và thiếu thốn nhân sự nên có thể nhiều đơn vị sẽ thấy nhiều khó khăn khi vận dụng pháp luật. Nhưng về cơ bản, nội dung của Luật Viên chức là phù hợp.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 5
Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 6
Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 7

Chuyên gia y tế công cộng phân tích, sau thời gian làm việc vất vả kéo dài trong viện, nhân viên y tế cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Hầu như các nghiên cứu đều cho thấy, làm quá 40 giờ một tuần sẽ làm tăng nguy cơ sai sót và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân viên y tế. Nếu đi làm thêm quá mức, tối khám phòng mạch kéo dài rồi ban ngày "ngủ gà ngủ gật", thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc, điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Kế đến là ở góc độ mâu thuẫn lợi ích. Bác sĩ nếu làm chính ở một nơi, sau đó làm ngoài ở chỗ khác rồi đưa luôn bệnh nhân từ bệnh viện theo, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và chất lượng điều trị của bệnh nhân không có điều kiện kinh tế. Ngoài ra, khi bác sĩ ở bệnh viện công, đặc biệt ở cơ sở y tế lớn ra ngoài làm là đang đem cả thương hiệu của bệnh viện đi, không phải với tư cách một "bác sĩ vô danh".

Còn ở góc độ cá nhân, bác sĩ Dũng mong muốn các bệnh viện tìm cách tăng thu nhập ngay tại nơi làm việc chính, để họ sống được bằng đồng lương. Nếu không thể thực hiện điều này, hãy tạo điều kiện cho y bác sĩ có thể làm thêm ở ngoài, nhưng cần đảm bảo 2 điều kiện.

Thứ nhất, phải đảm bảo được công việc cơ quan, không gây hiện tượng "móc nối", lôi kéo bệnh nhân ra ngoài, khiến bệnh nhân phải trả tiền nhiều hơn để được điều trị, vừa thiệt thòi cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện.

Thứ hai, phải giữ được uy tín của bệnh viện chủ quản. Thực hiện được điều này thì không những có thể làm tăng thu nhập cho nhân viên y tế mà còn tăng khối lượng và chất lượng dịch vụ y tế cho toàn xã hội, bao gồm những bệnh nhân ở tỉnh xa hay bệnh nhân có nhu cầu điều trị đặc thù.

"Trong điều kiện lý tưởng, bác sĩ chỉ nên làm một nơi để toàn tâm toàn ý phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân và sự phát triển của bệnh viện. Nhưng điều này gần như không thể có. Do đó, tôi mong rằng cơ chế của ngành y tế và các lãnh đạo bệnh viện thông cảm, tạo điều kiện cho nhân viên y tế đi khám ngoài để đáp ứng cuộc sống, thay vì áp dụng cứng nhắc các quy định", PGS.TS. Đỗ Văn Dũng bày tỏ.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 8

Chuyên gia mong bệnh viện tạo điều kiện cho nhân viên y tế đi làm ngoài giờ để đáp ứng cuộc sống (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ với phóng viên, việc "ăn gian" giờ công để làm tư là vấn đề xảy ra không chỉ riêng trong ngành.

Trả lời câu hỏi Quốc hội có nên xem xét để thay đổi Luật Viên chức cho phù hợp với thực tế ngành y hay không, bà Lan khẳng định, không thể sửa luật chỉ vì nhân viên y tế, vì luật còn áp dụng với những vị trí việc làm khác tại đơn vị sự nghiệp công lập. Bà cho rằng, dù đi đâu, làm việc gì thì nhân sự vẫn nên xin phép, để cơ quan chủ quản nắm được và có những xử lý phù hợp khi cần. Nhưng nếu đã làm sai luật thì không ai dám xin.

Bà Lan đề nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp thay đổi cơ chế tài chính cho bệnh viện, để thu nhập hợp lý hơn. Từ đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

"Chỉ cần thù lao ở bệnh viện công thỏa đáng thì bác sĩ sẽ không cần phải vậy (làm bên ngoài sai quy định - PV). Đợi sửa được luật thì người ta khó sống nổi", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói.

Trái chiều bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Ngành y gặp khó? - 9

Thực hiện: Hoàng Lê