9 tháng, các bệnh viện ở TPHCM xài "lố" hơn 400 tỷ đồng bảo hiểm y tế
(Dân trí) - "Năm nay, mới chỉ trong 3 quý đã vượt 423 tỷ đồng và gần như không thể thu lại. Quá bất công, thiệt thòi cho các bệnh viện, bỏ tiền, bỏ công mà thu lại không đủ" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động của ngành y tế 9 tháng đầu năm và triển khai hoạt động trọng tâm quý IV năm 2022, diễn ra chiều 14/10, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH) cho biết, BHXH đang chuẩn bị kinh phí 4.000 tỷ đồng để cấp cho các bệnh viện trong quý IV, dự kiến từ đây đến cuối tháng 10 sẽ cấp toàn bộ.
Bà Hằng chia sẻ, vì năm nay Tết đến sớm, do đó các bệnh viện cần có sự chuẩn bị để tự chủ, không bị động trong nguồn tiền thưởng cho nhân viên y tế. Dự kiến đến từ nay đến tháng 11, phía BHXH sẽ chuyển 20% kinh phí chưa được giải ngân của quý IV năm 2021 và quý I, II năm 2022 cho các đơn vị.
Theo bà Hằng, trong 9 tháng đầu năm, tổng mức chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện ở TPHCM đã vượt hơn 400 tỷ đồng. Trong khi quý IV chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nếu Chính phủ chưa sửa Nghị định 146 (hướng dẫn thi hành Luật BHYT) thì các bệnh viện phải thanh toán theo tổng mức đã dự kiến trước đó, các phần vượt sẽ không được thanh toán. Vì vậy, cần phải cân đối lại tổng mức.
"Năm nay giá thuốc không thay đổi, các bệnh viện cũng không lên xuống hạng, chỉ có việc gia tăng số lượt khám chữa bệnh, nên phải cân lại tổng mức bằng cách cân đối lại số lượt khám chữa bệnh, nếu không khi tăng tổng mức sẽ không thuyết minh được" - bà Hằng nói.
Kế đến, bà Hằng yêu cầu các trung tâm y tế, trạm y tế rà soát lại điều kiện, giấy phép hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn, vì vừa qua khi rà soát, BHXH phát hiện có trường hợp người đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn ở trạm nhưng lại không có mặt ở trạm.
Ngoài ra, trong thời gian chờ phân bổ lại thẻ BHYT đã hết hạn, BHXH TPHCM sẽ mở rộng biên độ thẻ hộ gia đình đăng ký tại các BV, tối đa là 100.000 thẻ.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, một trong các khó khăn trong 9 tháng đầu năm là việc nhiều bệnh viện chưa được cơ quan BHXH thanh toán chi phí điều trị BHYT vượt tổng mức thanh toán. Điều này càng làm tình trạng mất cân đối thu chi gia tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ, vật tư y tế theo quy định.
"Một số bệnh viện đã sa vào nợ nần kéo dài. Vừa rồi, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - PV) cũng có nói về 3 "chữ bất" ở các giám đốc bệnh viện: Đó là bất an, bất ổn, bất lực" - ông Thượng chia sẻ.
Từ đó, Ông Thượng kiến nghị TPHCM cần có Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
"Năm nay, mới chỉ trong 3 quý đã vượt 423 tỷ đồng và gần như không thể thu lại, trong quý 4 sẽ còn tăng, có thể cả ngàn tỷ. Quá bất công, thiệt thòi cho các bệnh viện, bỏ tiền, bỏ công mà thu lại không đủ" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế TPHCM 3 tháng cuối năm
Trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022, ông Thượng cho biết, Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phòng chống sốt xuất huyết, kiểm soát dịch bệnh mới nổi đậu mùa khỉ. Đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng. Dù vậy, ông cũng chia sẻ khó khăn trong việc thuyết phục cha mẹ cho con em tiêm, nhất là khi sắp triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Kế đến, củng cố tổ chức, bộ máy một số cơ sở trực thuộc ngành y tế; đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. TPHCM cũng tập trung triển khai đề án phát triển y tế cộng đồng và hoàn thiện đề án phát triển khu công nghiệp dược. Ngoài ra, ngành y tế sẽ phát triển trạm cấp cứu vệ tinh đường thủy thuộc địa bàn Cần Giờ.
Cuối cùng, Sở Y tế TPHCM sẽ đăng ký 2 đề tài đổi mới sáng tạo, về mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và triển khai tích hợp hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người dân gắn liền chương trình xử lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế, lập hồ sơ điện tử.