Hàng trăm bệnh nhân thập tử nhất sinh được cứu sống nhờ ECMO
(Dân trí) - Trong năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện kỹ thuật ECMO cho 118 bệnh nhân, trong đó nhiều ca nặng được cứu sống. Đến nay, Bệnh viện đã triển khai phương pháp này được hơn 15 năm.
Ngày 25/4, tại buổi khai trương Đơn vị đào tạo giả lập ECMO, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) là một phương pháp thay thế chức năng của phổi và tim để hỗ trợ sự sống cho những bệnh nhân được xác định có tổn thương nặng do suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp.
"Đây là kỹ thuật chuyên sâu nhất trong chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, để thực hiện được, nhân viên y tế cần phải có kỹ năng nhuần nhuyễn về thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, xử trí tai biến và theo dõi sát bệnh nhân", PGS Cơ cho biết.
Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện kỹ thuật ECMO được hơn 15 năm, trở thành kỹ thuật thường quy, với số bệnh nhân ngày càng tăng.
Trong năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện kỹ thuật ECMO cho 118 trường hợp.
Theo PGS Cơ, ECMO là một kỹ thuật khó. Bệnh viện Bạch Mai cũng là môi trường hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực triển khai ECMO cho các địa phương.
Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc và thực hiện kỹ thuật của Trung tâm Hồi sức tích cực ngày càng được cải thiện, giảm rõ rệt các tai biến xảy ra nên học viên khó đạt được phản xạ cần thiết để xử trí khi gặp tai biến ở môi trường thực tế của bệnh viện địa phương - những bệnh viện mà số ca thực hiện ECMO hàng năm ít.
Vì thế, với mô hình đào tạo bằng giả lập giúp học viên thành thục về thực hiện kỹ thuật, tự tin khi xử trí các tai biến hoặc diễn biến bất thường của bệnh, cập nhật các kỹ thuật mới trong điều trị cũng như theo dõi hoạt động hệ thống ECMO, đặc biệt không ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân khi điều trị tại Trung tâm Hồi sức.
Phòng giả lập có đầy đủ trang thiết bị, mô hình để giả lập các tình huống, biến cố hay gặp trong thực hành lâm sàng, các tình huống sẽ được thay đổi, cập nhật liên tục tùy thuộc vào tiến bộ của y khoa.