(Dân trí) - Nữ bác sĩ ở TPHCM chia sẻ, bản thân từng chứng kiến một số đồng nghiệp có "thỏa thuận ngầm". Theo đó, hôm nay người này gánh việc cho người kia về sớm làm phòng mạch, và hôm sau xoay tua ngược lại.
Bác sĩ bật mí thỏa thuận "ngầm" để kiếm thêm thu nhập
(Dân trí) - Một bác sĩ ở TPHCM chia sẻ, bản thân từng chứng kiến một số đồng nghiệp có "thỏa thuận ngầm". Theo đó, hôm nay người này gánh việc cho người kia về sớm làm phòng mạch, và hôm sau xoay tua ngược lại.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có các buổi làm việc với nhiều bệnh viện công trên địa bàn và Sở Y tế TPHCM, về việc thực hiện tự chủ tài chính, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Hàng loạt bệnh viện phản ánh bất cập về giá thu phí dịch vụ khám chữa bệnh và việc giải ngân quỹ bảo hiểm y tế cùng nhiều lý do khác, khiến thu nhập của y bác sĩ bị ảnh hưởng. Trước thực trạng bác sĩ đi làm phòng khám tư sai quy định, tạo ra các ý kiến trái chiều trong xã hội.
Phóng viên Dân trí đã nhận được nhiều chia sẻ của nhân viên y tế đã và đang bám trụ hệ thống bệnh viện công lập, về những bất cập mà họ phải chịu đựng trong thời gian làm việc.
"Nếu làm quá giờ cũng không được tính thêm tiền"
"Hầu như mọi người phải làm xuyên giờ nghỉ trưa, có ngày phải nhịn ăn cho kịp tiến độ. Có lúc mệt quá, chúng tôi còn đùa bảo nhau: Cứ như vậy là dành hết thanh xuân cho bệnh viện luôn rồi, yêu đương gì tầm này nữa…", Bình, nữ điều dưỡng tại Bệnh viện quận Bình Tân (TPHCM) kể với phóng viên khi vừa trở về nhà sau ca trực kéo dài.
Tiếng là trực 24 giờ, nhưng hầu như ngày trực nào của Bình cũng bắt đầu từ 7h hôm trước, kết thúc vào 8-9h ngày hôm sau. Theo Bình, đã làm ở bệnh viện công thì không cần biết hết giờ trực hay không, bắt buộc phải hoàn thành xong công việc trong tua để bàn giao. Nếu làm chưa xong thì không được về, cho dù trước đó đã thức trắng đêm để chăm sóc bệnh nhân.
Gần đây nhất, khi đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát tại TPHCM, bệnh nhân từ khoa cấp cứu chuyển lên khoa của Bình liên tục. "Mặc dù đồng hồ báo 7h, đã hết giờ trực nhưng tôi và đồng nghiệp phải ở lại đến 11h hoàn thành xong công việc để bàn giao cho tua mới, rồi mới được về", nữ điều dưỡng nói.
Tình cảnh cũng không khả quan hơn với Bình trong những ngày làm hành chính. Có lúc bệnh nhân quá đông, tất cả điều dưỡng phải ở lại bệnh viện để làm các công việc như đi buồng chích thuốc, in các kết quả xét nghiệm, dẫn bệnh nhân thực hiện cận lâm sàng, kiểm tra trang thiết bị, thuốc men, vật tư… Nếu không may có ca bệnh trở nặng, thời gian làm việc của họ sẽ lại kéo dài thêm.
"Chúng tôi nhận được 95.000 đồng cho một ngày trực thường, còn rơi vào thứ bảy và chủ nhật thì được 115.000 đồng. Nếu làm quá giờ cũng không được tính thêm tiền", Bình nói và chia sẻ lúc đầu cũng thấy bất công, nhưng làm cực và bận rộn quá nên không còn thời gian để suy nghĩ.
Cũng từng rơi vào hoàn cảnh trên, Linh (điều dưỡng có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM) nhớ lại, có những ngày theo quy định cô chỉ làm đến 16h sẽ tan ca nhưng thực tế phải đến 19-20h mới xong việc. Còn ngày trực, chuyện thức trắng đêm, trễ giờ được giao xảy ra như cơm bữa.
"Tại bệnh viện tư, tôi chỉ cần làm đúng thời gian quy định. Nếu được yêu cầu tăng cường thì sẽ tính thêm tiền ngoài giờ, rất rõ ràng. Còn ở bệnh viện công, khoản tiền làm ngoài giờ không được trả", Linh nói. Hiện nữ điều dưỡng này đã chuyển đến một đơn vị y tế tư nhân tại quận 7.
Bác sĩ Hường có 12 năm gắn bó với một bệnh viện đa khoa hạng 1 ở TPHCM. Cô chia sẻ, chuyện làm xuyên giờ nghỉ trưa, không ăn, hay có ca mổ kéo dài tới 18-19h là bình thường với bác sĩ ngoại khoa. Nhưng ngoài thù lao mổ được quy định theo phân hạng kỹ thuật, không ai được nhận thêm tiền làm ngoài giờ.
"Việc nghỉ bù không đủ 1 ngày (với ca trực 24h) là thường xuyên. Chẳng ai tính thêm tiền cho đâu, tất cả đều coi việc làm ngoài giờ là trách nhiệm. Tôi đã lâm vào cảnh này, và tin phần lớn bác sĩ ở bệnh viện công đều như vậy", bác sĩ Hường nói.
Bác sĩ Thanh, làm việc tại Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) khẳng định, gần như nhân viên y tế nào trong hệ thống công lập cũng sẽ trải qua việc làm quá giờ "0 đồng", vì bệnh nhân đông, nhân lực không đủ, công việc thì nhiều. Ngoài khám chữa bệnh, nhân viên y tế bệnh viện công còn phải phụ trách những công việc hành chính, giấy tờ.
"Tôi chưa bao giờ trực 24h xong mà được nghỉ đủ 24h đúng quy định cả. Cứ trực từ 7h hôm trước đến 11h hôm sau, rồi 7h hôm sau nữa lại đi làm tiếp. Nhiều hôm trực xong nhưng bệnh nhân mình phụ trách có vấn đề cần can thiệp thủ thuật, mổ xẻ thì phải ở lại làm tiếp", bác sĩ Thanh tâm sự.
Sếp về sớm làm phòng mạch, lính gánh "còng lưng"
Phúc Nguyên, bác sĩ trẻ công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 kể, có ngày sau ca trực phải ở lại khoa mổ đến chiều, vì bệnh viện thiếu người. Hoặc trong giờ hành chính, dù tới hết ca mà bệnh còn đông vẫn phải ở lại khám không công.
"Đi mổ sau giờ trực, tôi không được tính thêm giờ làm, mà chỉ có thù lao mổ. Mỗi ca phẫu thuật loại 1 (như mổ tắc ruột, hoại tử, viêm phúc mạc - PV), bác sĩ được trả 90.000 đồng, loại 2 chỉ có 50.000 đồng", bác sĩ Nguyên tiết lộ.
Trước việc thu nhập thấp, đặc biệt là trong thời điểm sau dịch Covid-19, có những nhân viên y tế đã tìm cách làm thêm bên ngoài, thậm chí ngay trong giờ làm tại bệnh viện.
Ngọc Như, làm việc một bệnh viện tuyến quận ở TPHCM cho biết, 12h nhân viên y tế mới được ra ca buổi sáng. Tuy nhiên, trên thực tế, có hôm 11h, lãnh đạo khoa và thậm chí cả bác sĩ điều trị đã giao việc rồi bỏ về làm phòng mạch tại nhà. Nếu phòng bệnh do bác sĩ phụ trách có vấn đề gì phát sinh các bác sĩ khác trong khoa lại nai lưng ra gánh vác.
"Tôi từng chứng kiến ngay trong giờ trực, bác sĩ điều trị vẫn trốn về làm phòng khám. Bệnh mới, bệnh trở liên tục, điều dưỡng gọi điện thoại "cháy máy", nhưng vẫn không liên lạc được với bác sĩ. Hoặc nếu có gọi được, bác sĩ sẽ cho y lệnh miệng trước rồi ghi hồ sơ sau. Trong khi đó, nhân viên chúng tôi phải chấm công bằng vân tay nhiều năm nay, chỉ cần đi trễ, về sớm 5-10 phút là phải giải trình", điều dưỡng Như bức xúc.
Còn với bác sĩ Hường, cô từng chứng kiến một số đồng nghiệp "thỏa thuận ngầm", để hôm nay người này gánh việc cho người kia về sớm làm phòng mạch, và hôm sau xoay tua ngược lại. Vị bác sĩ khẳng định, điều này về quy định là không đúng, nhưng nếu vẫn đảm bảo được công việc chuyên môn thì có thể thông cảm, bởi ai cũng cần trang trải cuộc sống.
Bác sĩ Công, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cấp cứu ở hệ thống y tế công lập chia sẻ, khi còn làm tại bệnh viện ở Huế, anh từng gặp vài lãnh đạo khoa hiếm khi tham gia vào công tác chuyên môn.
"Phòng bệnh của trưởng khoa thường có 2 bác sĩ, ai làm có tâm sẽ hoàn tất mọi việc rồi mới bàn giao. Ngược lại thì họ chẳng làm gì, chỉ vào viện giao ban, họp hành rồi chạy về nhà làm việc riêng. Làm việc với trưởng khoa như vậy rất ức chế", bác sĩ Công nói.
* Tên các nhân viên y tế đã thay đổi.
Kỳ 2: Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc?
Chế độ phụ cấp thường trực cho nhân viên y tế
Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, quy định chế độ phụ cấp đối với người lao động tham gia thường trực như sau:
Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp: 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;
Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Thực hiện: Hoàng Lê