1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Ukraine điều khiển vũ khí phương Tây gắn trên tiêm kích Liên Xô

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ tiết lộ cách mà Ukraine điều khiển vũ khí phương Tây gắn trên các tiêm kích từ thời Liên Xô có thiết kế không tương thích.

Cách Ukraine điều khiển vũ khí phương Tây gắn trên tiêm kích Liên Xô  - 1

Su-27 của quân đội Ukraine được gắn máy tính bảng trong buồng lái (Ảnh chụp màn hình: Quân đội Ukraine).

Lực lượng Không quân Ukraine đang sử dụng iPad hoặc máy tính bảng trong buồng lái của các máy bay phản lực thời Liên Xô để có thể tích hợp nhanh chóng các loại vũ khí không đối đất hiện đại của phương Tây.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante ngày 24/5 đã xác nhận thông tin này.

Ông LaPlante cho biết: "Hãy nghĩ về những chiếc máy bay mà Ukraine có, chúng không phải là F-16 mà là máy bay thời Liên Xô hoặc do Nga sản xuất. Khi hợp tác với Ukraine, chúng tôi đã có thể tích hợp nhiều vũ khí của phương Tây và khiến chúng hoạt động trên máy bay của Ukraine bằng cách để phi công điều khiển iPad. Các phi công Ukraine đã có thể tác chiến ngay 1 tuần sau khi chúng tôi huấn luyện họ".

Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về cách thức hoạt động chính xác của phương pháp này, nhưng một đoạn video xuất hiện trên mạng internet dường như đã hé lộ một phần về cơ chế điều khiển vũ khí bằng máy tính bảng.  

Theo đó, đoạn video do Không quân Ukraine đăng tải cho thấy bên trong một chiếc Su-27 được trang bị máy tính bảng. Tiêm kích này đang tiến hành nhiều cuộc tấn công tầm thấp chống lại các radar của Nga bằng tên lửa AGM-88 HARM do Mỹ sản xuất.

Trên máy tính bảng, thông tin về bản đồ định vị được hiển thị. Chưa rõ cách phi công Ukraine điều khiển vũ khí từ chiếc máy tính như thế nào. Tuy nhiên, việc chiếc máy tính bảng được đặt chắn lên phần lớn bảng điều khiển trong chiếc Su-27 cho thấy nó dường như được sử dụng làm "đầu não" cho tiêm kích.

Ngoài tên lửa HARM, Ukraine cũng sử dụng các tiêm kích thời Liên Xô để thả bom thông minh JDAM-ER do phương Tây sản xuất hay bom Hammer của Pháp.

Theo The Drive, các vũ khí phương Tây gắn trên Su-27 có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu có tọa độ đã biết, và chúng được lập trình sẵn trên đường bay trước khi tiêm kích cất cánh.

Sau đó, phi công đưa máy bay tới khu vực, thả vũ khí và để nó bay tới mục tiêu bằng hệ thống dẫn đường quán tính được hỗ trợ GPS.

Nhược điểm của chiến thuật này là tiêm kích sẽ chỉ tấn công được các mục tiêu đã lên kế hoạch sẵn, giảm đi tính linh hoạt của các trận không chiến. Ví dụ, trong một cuộc đối đầu, tiêm kích Ukraine sẽ chỉ có thể làm các nhiệm vụ tấn công dự định từ mặt đất mà không thể phóng vũ khí vào các mục tiêu mới khi tham gia tác chiến.

Đó là lý do mà Ukraine nhiều lần mong muốn nhận được tiêm kích phương Tây, ví dụ như F-16, để chúng tương thích với các tên lửa và bom của NATO sản xuất, mang tới hiệu quả cao hơn. 

Ngoài ra, dường như để gắn vũ khí phương Tây lên các tiêm kích như MiG-29 hay Su-27, Ukraine cũng cần phải điều chỉnh các giá treo vũ khí để tương thích với những quả tên lửa hay bom vốn chỉ được trang bị cho máy bay của Mỹ và đồng minh sản xuất.

Theo The War Zone
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine