Loại rau trong lẩu gà là "khắc tinh" của ung thư
(Dân trí) - Tất cả những phần của cây đều được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền trong hàng trăm năm nay.
Cây ngải cứu là một loại cây cỏ có giá trị cao, có mùi hương đặc biệt, được sử dụng như một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe.
Ngải cứu có thân màu trắng bạc hoặc xanh bạc, lá có màu vàng-xanh và hoa có dạng búp có màu sáng hoặc vàng nhạt. Tất cả những phần của cây đều được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền trong hàng trăm năm nay.
Ngải cứu là một loại cây có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp giảm các vấn đề về tiêu hóa và đường ruột như: táo bón, buồn nôn, nôn và loét.
Ngải cứu thường được dùng trong các món tần hoặc kết hợp cùng gà như: gà tần, lẩu gà...
Hỗ trợ ngừa ung thư
Nghiên cứu của Rana và cộng sự (2018) đã chỉ ra rằng, các hợp chất chống viêm trong ngải cứu có thể giảm viêm và giảm đau. Cụ thể, hợp chất flavonoid và sesquiterpenes trong ngải cứu đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào viêm và sản xuất các cytokine.
Đáng nói, phản ứng viêm mãn tính là một trong những tác nhân dẫn đến ung thư.
Cây ngải cứu cũng chứa artemisinin độc đối với một số tế bào ung thư. Các tế bào ung thư chứa hàm lượng sắt cao hơn các tế bào khỏe mạnh, khiến cho chúng dễ bị độc do artemisinin. Theo một nghiên cứu, artemisinin phản ứng với sắt để tạo thành các gốc tự do tiêu diệt tế bào ung thư.
Tốt cho xương khớp và đường ruột
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đông y xem ngải cứu là một vị thuốc có tính hơi ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam.
Trong y học cổ truyền, ngải cứu được sử dụng để điều trị đau khớp, một triệu chứng phổ biến của viêm khớp. Ngải cứu có một số thành phần hoạt chất có tác dụng giảm đau trong trường hợp viêm khớp.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 90 người trường thành có viêm khớp gối cũng cho thấy công dụng này. Bệnh nhân được thoa thuốc mỡ ngải cứu 3% trong 3 lần mỗi ngày giúp cải thiện mức độ đau và chức năng vận động. Trong khi những người không điều trị, mức độ đau và cứng khớp không giảm.
Ngải cứu cũng thường được sử dụng để giảm đau bụng kinh và cũng như để kích thích chu kỳ kinh nguyệt.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngải cứu có thể điều trị đau bụng kinh nguyên phát. Một nghiên cứu khác cho thấy có thể dùng ngải cứu để điều trị các cơn bốc hỏa do mãn kinh.
Theo một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Nutrients vào năm 2020, việc sử dụng chiết xuất ngải cứu đã giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm ruột. Các hoạt chất trong ngải cứu có khả năng làm giảm vi khuẩn có hại trong đường ruột và tăng cường sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột.
Ngải cứu cũng có tác dụng điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa từ thời Ai Cập cổ đại. Đặc tính chống lại ký sinh trùng này được xem như là một tác dụng của thujone. Tuy nhiên, những bằng chứng về tác dụng đặc hiệu này vẫn chỉ mang tính chất lịch sử.
Tác dụng phụ của ngải cứu
Ở một số người, ngải cứu gây ra các phản ứng dị ứng như hắt hơi, xoang hoặc phát ban. Những người bị dị ứng với đào, táo, cà rốt, cần tây, hoa hướng dương và một số loại cây khác nên tránh ăn ngải cứu.