Cô gái tố sếp ép chạy bộ 7 km/tuần, đọc sách đến mờ mắt
(Dân trí) - Một nữ nhân viên công sở tố cấp trên ép tất cả nhân sự trong công ty phải chạy bộ đều đặn mỗi tuần, đọc sách theo chỉ định của sếp, chưa kể đủ loại yêu cầu vô lí khác.
Chạy bộ để làm người… thành công
"Tôi từng làm cho một công ty mà ở nơi đó, sếp bắt nhân viên nữ phải chạy bộ 7 km/tuần, nam chạy 12 km/tuần. Có một thành viên trong nhóm bị bệnh tim, đến xin không chạy thì bị mắng, đến mức tôi phải khóc lóc thì sếp mới đồng ý", A. (Hà Nội), nữ nhân viên công sở bức xúc, nói trong đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội.
A. cho biết, mặc dù nhân viên trong công ty phải tăng ca rất nhiều, mệt nhoài mà cấp trên vẫn áp đặt văn hóa chạy bộ, đọc sách mỗi ngày. Các nhân viên phải báo cáo việc chạy, kết quả đọc bằng hình ảnh trong nhóm chat.
"Người sếp ấy nói rằng nếu chúng tôi không có thói quen chạy bộ và đọc sách thì sẽ không bao giờ trở thành người thành công. Mỗi ngày, nhân viên phải làm việc từ 8-17h. Về được đến nhà dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước, con cái, gia đình… sớm nhất cũng 21h mới xong, sau đó mỗi người còn phải chạy bộ, đọc sách để báo cáo sếp, đâu còn thời gian nghỉ ngơi", A. kể lại.
Tưởng chừng sự cố gắng của mình sẽ được công nhận nhưng A. và nhiều nhân sự khác lại mệt mỏi khi liên tục bị sếp gọi vào họp riêng do tốc độ chạy quá chậm, bị cật vấn vì muốn tham gia môn thể thao khác thay cho chạy bộ.
Đáng nói hơn, tuần trước, khi đồng nghiệp của A. nhập viện, người sếp chẳng những không hỏi thăm mà còn cáu gắt, mắng nhiếc vì nữ nhân viên không hoàn thành chỉ tiêu chạy trong ngày.
Với việc đọc sách, vị sếp ép nhân viên quay video hoặc ghi âm mỗi ngày để báo cáo trong nhóm. Và để sếp kiểm tra, các nhân viên buộc phải đọc sách do sếp chọn, theo sở thích của sếp, nếu không cũng bị gọi vào họp riêng và nghe mắng.
"Thói quen chạy bộ và đọc sách là rất tốt, nhưng cũng phải tùy vào hoàn cảnh, thể trạng, thời gian của mỗi người. Việc áp đặt các chỉ tiêu ngoài công việc như thế là sai, khiến nhân viên cảm thấy rất khó chịu", A. nói.
Vì không chịu nổi đủ thứ áp đặt, A. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc.
Việc vặt không công phổ biến ở văn phòng
Đoạn clip "bóc phốt" sếp của A. thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. Phía dưới phần bình luận, không ít nhân sự xác nhận và bày tỏ sự bức xúc về tình trạng tương tự.
Thực tế, trong những trường hợp này, văn hóa công sở được đề ra một cách vô lý. Lấy cớ xây dựng văn hóa công sở, người lãnh đạo, quản lý thậm chí thường xuyên sai vặt, ép nhân viên làm nhiều việc ngoài chuyên môn mà không được trả tiền.
Thu Hà (25 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ, cô cũng mệt mỏi khi bị cấp trên sai vặt, phải làm cả những việc ngoài chuyên môn.
Có lần, đang tất bật với việc ở văn phòng, Hà lại nhận tin nhắn từ sếp: "Em xuống hồ cá soi đèn, phụ chị sửa ống nước nhé!".
Không dám từ chối sếp, Hà lẳng lặng rời bàn, dù việc cần xử lý còn đang ngổn ngang, dang dở. Trong khi các đồng nghiệp khác ngồi lặng trước màn hình máy tính, Hà phải xắn áo, vén quần lội vớt mớ chép vàng đã chết ở hồ cá của công ty.
Một lần bị nhờ làm việc vặt, rồi thêm nhiều lần khác, cô gái mất dần sự tập trung vào công việc chuyên môn, nhiều mảng việc trì trệ. Hà cũng không thể từ chối yêu cầu của cấp trên do sợ để lại ấn tượng không tốt, khiến bản thân trở thành "mục tiêu" chốn công sở.
Cố gắng chịu đựng được 2 năm, hi vọng khi thành "ma cũ" sẽ đỡ bị o ép, bắt nạt kiểu này nhưng rồi nữ nhân viên nhận ra, lượng việc đảm nhận ngày càng tăng mà thu nhập vẫn dậm chân 11 triệu đồng/tháng.
"Tôi thấy rõ ràng mức lương không xứng đáng với công sức bỏ ra. Công ty không cho phép tăng ca mà việc liên tục bị gián đoạn bởi những chuyện vặt ở văn phòng. Sau cùng, tôi thường xuyên phải đem việc về nhà làm đến tận khuya mà không được trả thêm khoản thù lao nào", Hà bức bối.
Cùng cảnh này, anh N.Q. (28 tuổi) làm việc tại một công ty tài chính ở TPHCM chật vật với công việc lương chỉ 6 triệu đồng/tháng mà như khổ sai. Ngoài việc chuyên môn, anh còn bị giao nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh, cho cá ăn...
Không những vậy, công ty còn có nhiều hoạt động, chương trình ngoài giờ như múa, hát, đóng kịch, chơi thể thao bắt buộc nhân viên phải tham gia. Vào ngày nghỉ, anh Q. còn bị ép đi phát tờ rơi, tiếp thị, mở tài khoản ứng dụng ở các siêu thị hoặc trường học.
"Những công việc ngoài giờ đó hoàn toàn không có phụ cấp thêm. Nói tham gia hoạt động chung để gắn kết tinh thần, xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng thú thật, công việc đã đủ mệt nên chương trình ngoại khóa phải đúng tinh thần tự nguyện vì mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau", anh Q. nói.