DMagazine

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc?

(Dân trí) - Một số bác sĩ lo ngại sẽ có làn sóng nghỉ việc ở bệnh viện công, sau vụ việc 4 bác sĩ tại TPHCM bị kỷ luật vì tự ý đi làm tư không xin phép cơ quan.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc?

(Dân trí) - Sau vụ 4 bác sĩ tại TPHCM bị kỷ luật vì tự ý đi làm ngoài, không xin phép cơ quan, một số bác sĩ lo ngại sẽ có làn sóng nghỉ việc ở bệnh viện công.

Gần đây, dư luận xôn xao trước việc 4 bác sĩ tại một bệnh viện công ở TPHCM đi làm phòng khám tư ở Tiền Giang (thời gian ra trực, ngày nghỉ lẫn giờ hành chính) nhưng không xin phép, không thể có mặt khi giám đốc đơn vị điều động, và cũng không kê khai tên tham gia hành nghề tại phòng khám. Bị phản ánh, các nhân viên y tế trên đã nhận sai và cho biết, vì khó khăn về kinh tế mới phải làm như vậy.

Sau quá trình xem xét của hội đồng bệnh viện, 4 bác sĩ phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách, đồng thời bị trừ thu nhập tăng thêm. Cái kết của sự việc tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều nhân viên y tế nói không nắm rõ quy định

Ngày 1/10, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã cử đoàn kiểm tra đến Bệnh viện TP Thủ Đức để làm rõ các thông tin về sự việc trên. Tại buổi làm việc, cả 4 bác sĩ bị phản ánh cho biết, do không nắm quy định nên đã tự sắp xếp thời gian để làm thêm và chưa báo cáo với lãnh đạo khoa, Ban Giám đốc bệnh viện.

Trong khi đó, điều 14 của luật Viên chức quy định, viên chức được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm, nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 1

Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức đi cấp cứu ngoại viện trong đêm (Ảnh: Hoàng Lê).

Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhân viên y tế đang hành nghề tại bệnh viện công có nắm rõ quy định trên hay không?

Bác sĩ T., làm việc tại Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TPHCM) chia sẻ, kể từ khi bắt đầu đi làm đến nay, cô không được bệnh viện hay lãnh đạo khoa phổ biến quy định trên. "Ngay cả khi chúng tôi kể chuyện đi làm ngoài thì sếp cũng không nhắc về vấn đề này", nữ bác sĩ nói.

Bác sĩ H., công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) thì cho biết, 2 năm gần đây, khoa của anh có thông báo về việc đi làm ở ngoài phải viết đơn xin bệnh viện. Anh thắc mắc không rõ việc trên có bắt buộc hay không.

Theo bác sĩ H., trên thực tế có nhân viên ngành y làm thêm nhiều nơi khác nhau chứ không phải một chỗ. Do đó, họ sẽ không viết đơn xin phép vì sợ sẽ khó được chấp thuận.

"Trước đây, tôi cũng đi qua vài bệnh viện rồi, đều có tình trạng làm thêm mà không thấy ai thông báo cả. Có nơi lãnh đạo khoa, thậm chí lãnh đạo bệnh viện đều biết cả nhưng "mắt nhắm mắt mở", miễn sao nhân viên của mình đảm bảo điều trị tốt cho bệnh nhân là được", bác sĩ H. chia sẻ thêm.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 2
Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 3

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Lê Thanh Toàn, chuyên gia về y học gia đình, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM nói, chính ông cũng không nắm rõ việc đi làm bên ngoài bắt buộc phải xin phép cơ quan chủ quản, dù cho đó là ngoài thời gian công tác.

"Trước giờ, tôi vẫn nghĩ nếu kết thúc thời gian làm ở bệnh viện công, về nhà khám phòng mạch hay tận dụng ngày nghỉ cuối tuần để làm thêm là chuyện bình thường. Ở góc độ cá nhân, tôi luôn tuân thủ thời gian làm việc ở trường hoặc bệnh viện đã đăng ký hợp tác, và phải làm tốt nhất nhiệm vụ của cơ quan chủ quản rồi mới tính đến chuyện làm thêm", TS.BS Toàn nói.

Kỷ luật bác sĩ tự ý làm ngoài: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc?

Trước ý kiến cho rằng, việc Bệnh viện TP Thủ Đức khiển trách và trừ thu nhập tăng thêm 4 bác sĩ tự ý đi tỉnh khám tư, đồng thời thông báo lắp thêm máy chấm công vân tay, tăng cường kiểm tra đột xuất nhân sự sẽ tạo nên làn sóng nghỉ việc mới, khi nhân viên y tế cảm thấy bị gò ép, bất công, bác sĩ Toàn không đồng tình với góc nhìn trên.

Ông giải thích, việc chấm công bằng vân tay không mới, các bệnh viện đã áp dụng từ nhiều năm nay. Khi nhân viên y tế đã biết rõ quy định thì sẽ theo đó mà thực hiện, điều này hoàn toàn bình thường. "Nếu biết luật cần xin phép thì tôi đi đâu, làm gì sẽ báo cho thủ trưởng của mình", TS.BS Toàn dẫn chứng.

Ngoài ra, ông Toàn cho rằng, nếu chuyển hẳn từ bệnh viện công sang tư chỉ vì thu nhập, nhân viên y tế sẽ mất đi nhiều thứ. Bởi, một bác sĩ bám trụ bệnh viện Nhà nước có rất nhiều ý nghĩa, chứ không đơn thuần chỉ vì chuyện tiền nong.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 4

Điều dưỡng làm việc trong ca trực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

"Nếu anh làm ở hệ thống y tế công lập, anh sẽ có cơ hội giúp đỡ được nhiều bệnh nhân nghèo hơn, giữ được lý tưởng và đam mê, sẽ có cơ hội cống hiến và nâng cao kinh nghiệm, trình độ chuyên môn. Còn ở bệnh viện tư, thông thường họ chỉ nhận những nhân sự đã có tay nghề cao, được đào tạo sẵn. Nếu anh không giỏi, khó có bệnh viện tư nào tuyển anh", bác sĩ Toàn nói và nhận định, vẫn có nhiều cách để kiếm sống, có thêm thu nhập mà không sai quy định.

Nói về chuyện kỷ luật 4 bác sĩ, ông Toàn chia sẻ, việc xử lý sai phạm trong bệnh viện nên nhẹ nhàng, nhắc nhở là chính để cùng nhau rút kinh nghiệm, thay vì quá cứng rắn có thể làm cho nhân viên ảnh hưởng tâm lý.

Ngược lại, bác sĩ H. tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho rằng, khi bác sĩ đã bị kiểm tra vì sai phạm thì sẽ không thể ra ngoài kiếm thêm thu nhập nữa, không đủ trang trải cho gia đình. Do đó, sớm muộn họ cũng sẽ nghỉ việc bệnh viện ra làm tư.

Bác sĩ Q., Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, dù mức độ xử lý của cơ quan chức năng như thế nào, cuộc sống của các nhân viên y tế liên quan sẽ bị ảnh hưởng và sẽ càng thêm mệt mỏi nếu bị dư luận công kích. "Nếu các bác sĩ đã chán nản từ trước, bị áp lực công việc hoặc tiền bạc mà gặp thêm chuyện này, có thể thành giọt nước tràn ly", bác sĩ Q. lo ngại.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 5
Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 6

Bác sĩ D., Trưởng khoa Nội một bệnh viện công ở TPHCM tâm sự, ông chưa từng làm phòng mạch hay làm thêm bên ngoài. Để có thể toàn tâm toàn ý cho cơ quan, bác sĩ D. tiết lộ, nguyên nhân do vợ ông là trụ cột kinh tế trong gia đình.

"Nhưng sử dụng giờ công, bỏ lơ bệnh nhân của mình trong bệnh viện là sai. Với các bác sĩ cấp dưới, nếu làm ngoài giờ của khoa thì tôi ủng hộ", bác sĩ D. khẳng định.

Cũng theo bác sĩ D., không phải ai trong ngành y ra làm thêm đều có thể kiếm được tiền nhiều. Kiếm tiền tốt tập trung vào các lĩnh vực như Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại khoa, Sản khoa, Thẩm mỹ… Nếu là bác sĩ Nội khoa như ông, cơ hội cải thiện thu nhập từ việc ngồi phòng mạch không đáng là bao. Do đó, không dễ để nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc sau một sự việc có sai phạm.

Trong khi đó, bác sĩ Cao Văn Tuân, người từng có nhiều năm công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh, hiện đã chuyển ra làm phòng mạch tư thẳng thắn chia sẻ, nhiều nhân viên y tế hễ bị đụng chạm đến quyền lợi là bức xúc , nhưng lại không nắm rõ luật. Nếu bác sĩ chấm công chỗ này nhưng đi làm chỗ khác là hành vi không trung thực, cần lên án, chấn chỉnh chứ không thể bênh vực.

Theo bác sĩ Tuân, sau sự việc bác sĩ tự ý đi làm phòng khám tư bị xử lý, có một số diễn đàn y khoa cho rằng bác sĩ đang bị cấm đi làm thêm.

Ông Tuân nói điều này hoàn toàn sai bởi Nhà nước vẫn cấp giấy phép khám, chữa bệnh ngoài giờ cho nhân viên y tế, nhưng phải làm đúng quy chế và luật pháp, vì quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ.

Kỳ 3: Bác sĩ đi làm thêm phải xin phép bệnh viện: Có hợp lý, tình?

Điều 14 của Luật viên chức quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định.

 (1) Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(2) Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

(3) Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Bác sĩ ở TPHCM tự ý làm ngoài bị kỷ luật: Có tạo nên làn sóng nghỉ việc? - 7

Thực hiện: Hoàng Lê